Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra
Báo cáo thẩm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Trưởng Đoàn giám sát của UBTVQH Nguyễn Đức Hải cho biết, giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 – 2010, trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này. Đến 31/12/2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3% GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội). Tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỷ USD.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhất trí cao với báo cáo của Đoàn giám sát. Đồng thời nhấn mạnh, nhiều dự án, công trình giao thông, thủy lợi, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu,... sử dụng nguồn vốn nước ngoài đã góp phần quan trọng trong hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, cũng có những dự án chưa đáp ứng yêu cầu, hiệu quả thấp.
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, đặt vấn đề: Với những dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp, đoàn giám sát chưa chỉ ra được cụ thể dự án nào, địa phương nào làm không đạt? Liệu những dự án này đã xác định được trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương nào chưa? Đã xem xét trách nhiệm của tập thể, cá nhân đến đâu?
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, rất nhiều các công trình nước sạch được đầu tư bằng nguồn vốn ODA nhưng sử dụng được một thời gian thì không phát huy hiệu qủa, việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn cũng nhanh chóng xuống cấp, trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương và chủ đầu tư đến đâu, như thế nào?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kiến nghị, hướng phát triển vốn ODA trong thời gian tới ưu tiên cho phát triển kinh tế xã hội là rất lớn, khó kích thích được nội lực. Do vậy, cần nghiên cứu thật thận trọng lĩnh vực nào, địa phương nào đầu tư vốn ODA. Bên cạnh đó cần tham khảo các nước trên thế giới thực hiện nguồn vốn vay này ra sao để áp dụng vào Việt nam sao cho có hiệu quả nhất?
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu ý kiến
Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, có những dự án ngay từ lúc đầu thẩm định đẩy giá lên cao gấp nhiều lần so với thực tế, ảnh hưởng lớn tới nguồn vốn, cho rằng trong quá trình tham vấn các nhà đầu tư triển khai dự án cần hết sức thận trọng. Bên cạnh đó có những dự án chuẩn bị và thực hiện kéo dài nhiều năm, dẫn đến không còn tính cấp thiết và làm cho thiết kế ban đầu không còn phù hợp, hơn nữa thiết bị công nghệ lại lạc hậu, gây lãng phí,thất thoát lớn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình khẳng định, rõ ràng chất lượng các dự án sử dụng vốn ODA chưa cao, kéo dài, lãng phí. Trong dữ liệu Báo cáo giám sát đã thừa nhận, có 10% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng thế giới, 20% số dự án sử dụng vốn ODA từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) không hiệu quả. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cần giám sát chuyên sâu hơn nữa việc quản lý, sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng chúng ta nên giảm dần nguồn vay ODA.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát. Đồng thời nhấn mạnh, thời gian qua, hệ thống pháp luật của Việt Nam về quản lý nợ công nói chung và nguồn vốn vay nước ngoài nói riêng đã từng bước hoàn thiện, đồng bộ và thống nhất. Việc thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong huy động và quản lý vốn ODA đã theo hướng đồng bộ và nhất quán với hệ thống quản lý nhà nước. Tuy nhiên, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam liên quan đến vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn một số quy định chưa thống nhất, chồng chéo, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, chưa bảo đảm tính ổn định.
Giai đoạn 2011-2016, đã có 319 Hiệp định được ký kết, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 – 2010, điều này cho thấy các nước trên thế giới tin tưởng và ủng hộ Việt Nam, đồng thời khẳng định uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng tăng.
Tuy nhiên trên thực tế, việc phân bổ vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, miền. Nhiều địa phương khó khăn gặp trở ngại khi tiếp cận, huy động, xây dựng dự án sử dụng vốn vay. Chất lượng chuẩn bị một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí, hiệu quả thấp. Thời gian chuẩn bị dự án kéo dài, chưa bám sát điều kiện thực tiễn, khi thực hiện phải điều chỉnh nhiều lần, làm phát sinh chi phí. Chất lượng, năng lực triển khai một số dự án chưa cao, không đáp ứng yêu cầu giải ngân theo Hiệp định đã ký kết. Một số dự án khó khăn trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Công tác giám sát, đánh giá hiệu quả dự án chưa thường xuyên....
Trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ, việc huy động từ các nguồn vốn vay ODA thời gian tới là cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với kiến nghị của Đoàn giám sát về chủ trương tiếp tục nỗ lực huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong đó, nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong giai đoạn tới./.