Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, những hạn chế trong các quy định và thủ tục liên quan đến đầu tư, kinh doanh đã và đang cản trở nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia với mục tiêu đạt mức trung bình của các nước ASEAN 4 vào năm 2016 và ASEAN 3 vào năm 2020. Do đó, yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện một số luật nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời đáp ứng yêu cầu thay đổi, phát triển nhanh chóng trong hoạt động kinh tế- xã hội.
Theo đó, mục tiêu xây dựng Luật nhằm: tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh không cần thiết, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân, doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm; tiếp tục cải cách các quy định và thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, công nghệ, xuất nhập khẩu, hải quan và các thủ tục có liên quan khác...để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh với thủ tục đơn giản hơn, nhanh hơn và chi phí thấp hơn; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh và cơ chế phân cấp quản lý nhà nước đối với các hoạt động này.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh sẽ gồm 4 Điều, sửa đổi, bổ sung 18 điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Xây dựng.
Thay mặt Ủy ban Kinh tế trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật; trình Quốc hội xem xét, thông qua theo trình tự, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi Luật xây dựng vì Quốc hội đang xem xét dự án Luật quy hoạch, khi Luật quy hoạch được thông qua thì Luật xây dựng cần được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho thống nhất.
Cần xem xét lại sự cần thiết khi ban hành Luật này
Bày tỏ băn khoăn việc đánh giá tác động về mặt kinh tế- xã hội và sự thiệt hại về kinh tế nếu tạm thời chưa thông qua luật tại kỳ họp này sẽ như thế nào?, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, các lý do để sửa Luật không có gì mới, việc tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ đúng trình tự, đồng thời phải có tính cấp thiết một cách rõ ràng hơn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên họp
Cùng chung ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng đặt câu hỏi về sự cần thiết sửa đổi Luật? Nếu không sửa được luật này thì có vướng mắc gì cho đầu tư không? Ban đầu Luật dự kiến sửa khoảng 12 luật, nhưng sau đó do thời gian gấp nên khu trú vào 3 luật, vậy sau khi sửa xong thì kỳ họp sau những luật chưa đủ điều kiện thì có sửa tiếp không?.
Cho rằng hiện vẫn không có báo đánh giá tác động về sản xuất, kinh doanh nếu luật này không sửa kịp thời, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phân tích, Điều 19 Luật đầu tư có hiệu lực từ ngày 01 tháng 07 năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn. Ba điều sửa Luật doanh nghiệp cũng không cần thiết, chỉ có điểm liên quan đến ngoại hối là có thể liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là thủ tục hành chính. Việc quy định hồ sơ cấp giấy phép từ 30 ngày xuống còn 20 ngày là thủ tục hành chính, do đó, nếu không sửa luật vẫn có thể thực hiện 20 ngày. Luật xây dựng liên quan đến cấp phép của 3 cơ quan trung ương và biển quảng cáo nhỏ lẻ, cấp giấy phép xây dựng giữa Bộ với Ủy ban nhưng không có cái nào để thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh. Do đó, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ “thực sự thấy không yên tâm nếu trình ra Quốc hội với nội dung mà chúng ta trình thế này”.
Đề nghị xem xét việc sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến 3 Luật đã đáp ứng được yêu cầu của Cộng đồng doanh nghiệp chưa, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vấn đề không phải sửa ít luật hay nhiều luật mà vấn đề những chính sách trong luật đó phải hợp lý, xác đáng, phải khả thi và phải bảo đảm được sự đồng bộ, thống nhất trong nội tại của luật đó và cả hệ thống pháp luật. Nhưng những đụng chạm, những cải cách phải hợp lý, tuân thủ đầy đủ tất cả mọi yêu cầu. Do đó, đề nghị chưa nên trình dự án luật này ra Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, nếu chưa kỹ, chưa chắc, chưa có đánh giá tác động thì Chính phủ nên rút lại và làm cho kỹ, chưa nên trình ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tới.
Giải trình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, xuất phát từ chủ trương của Chính phủ mới, đó là muốn tập trung vào tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách thông thoáng, thuận lợi, hấp dẫn để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Đây là nhu cầu từ khi bắt đầu kiện toàn Chính phủ mới, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước tập trung vào thúc đẩy cho doanh nghiệp phát triển và lấy đó làm động lực phát triển nền kinh tế trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng, thời gian thì gấp, chuẩn bị chưa kỹ, phạm vi quá rộng, liên quan đến 12 luật và 89 điều thì đây là một vấn đề rất lớn, nếu làm không kỹ thì không đảm bảo chất lượng. Để đảm bảo kịp thời, chất lượng, dự thảo đã được giảm xuống sửa đổi một số điều liên quan đến 3 luật. Tuy nhiên, khi rút xuống thì “gọn quá thành ra không còn nhiều vấn đề bức xúc và nhiều vấn đề lớn”. Không sửa hay chưa sửa có thể chưa có tác động gì quá lớn đối với phát triển doanh nghiệp nhưng nếu chúng ta sửa thì lại rất tốt đối với doanh nghiệp vì đây là những vấn đề vướng mắc.
Dự thảo Luật thiếu rất nhiều điều kiện để bảo đảm trình ra Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, theo các thủ tục, quy trình làm luật thì luật này thiếu rất nhiều điều kiện để bảo đảm trình ra Quốc hội. Thời gian trình quá gấp. Hồ sơ dự án luật cho vẫn thiếu, chưa có báo cáo đánh giá tác động, chưa có dự thảo các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn các điều luật giao cho Chính phủ.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong phiên họp Liên tịch giữa các bên về Dự án luật sắp tới, cần trao đổi với Thủ tướng Chính phủ để chuẩn bị thêm chứ không xin rút; cân nhắc, hạn chế không lạm dụng quá quy định một luật sửa nhiều luật để tránh làm rối loạn, làm phá vỡ cấu trúc của từng đạo luật. Chính phủ cần rà soát, phát hiện, đánh giá tác động từng điều khoản luật cần thiết phải sửa đổi, bổ sung, chuẩn bị theo đúng quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh hay danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện phải trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn; đề nghị Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức Điều 8 Luật đầu tư trình theo thủ tục rút gọn để bảo đảm phù hợp với sự vận hành của nền kinh tế, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Chính phủ xem xét, rà soát các ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh, doanh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 7 của Luật đầu tư theo thủ tục rút gọn.