
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan chủ trì cuộc làm việc
Tập đoàn Viettel được thành lập vào ngày 01/6/1989. Trải qua hơn 35 năm phát triển, đến nay Viettel là một trong những Tập đoàn kinh tế Nhà nước hàng đầu của đất nước với giá trị thương hiệu ước tính đạt 8,9 tỷ USD – thương hiệu giá trị nhất Việt Nam trong 9 năm liên tiếp, đứng thứ 16 trên toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông. Hiện nay Viettel đang đầu tư kinh doanh tại 11 quốc gia thuộc 3 châu lục trên thế giới, dẫn đầu thị phần tại 7/10 thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư.
Viettel sở hữu 53.865 nhân sự với 20 quốc tịch khác nhau, trong đó người Việt là 45.027 người (chiếm 83,6%). Trong số 8.838 nhân sự nước ngoài, có 11 nhân sự là chuyên gia làm việc tại Việt Nam, còn lại là nhân sự bản địa tại các công ty thị trường mà Viettel đầu tư. Đội ngũ nhân sự của Tập đoàn có trình độ cao: Tỷ lệ nhân sự trình độ Cao đẳng, Đại học trở lên trong toàn Tập đoàn là 72%. Riêng tại công ty mẹ: Tỷ lệ nhân sự có trình độ Cao đẳng/Đại học trở lên là 93% ; số lượng nhân sự trình độ Thạc sĩ là 1.182 người (10%), Tiến sĩ 127 người (1,2%).

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng
Bên cạnh đó, Viettel sở hữu đội ngũ hàng nghìn nhân sự chất lượng cao trong các ngành viễn thông, nghiên cứu CNC, làm chủ việc thiết kế, vận hành mạng lưới trên toàn cầu, các công nghệ 4G, 5G; đội ngũ 300 chuyên gia an ninh mạng, có tuổi đời rất trẻ nhưng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín trên thế giới.
Dự kiến trong giai đoạn tới, mỗi năm Tập đoàn cần bổ sung ít nhất hơn 1000 nhân sự, chủ yếu là đội ngũ nhân sự chất lượng cao để phục vụ các chuyển dịch theo các trụ cột chiến lược đã được xác định. Trong đó, Viettel sẽ tiếp tục ưu tiên cho việc bổ sung nhân sự cho các lĩnh vực then chốt như: Nghiên cứu phát triển phục vụ công nghiệp quốc phòng, công nghiệp lưỡng dụng; Công nghiệp bán dẫn; Trí tuệ nhân tạo; An toàn an ninh mạng…

Các đại biểu tại cuộc làm việc
Thời gian qua, Viettel xây dựng nhiều chính sách, chương trình hiệu quả nhằm thu hút ứng viên tài năng, đảm bảo cân đối cả nhóm chuyên gia, nhân sự giàu kinh nghiệm và nhóm nhân tài tiềm năng là sinh viên mới tốt nghiệp các trường đại học. Đồng thời, Viettel cũng chủ động thu hút các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc, đặc biệt trong ngành ưu tiên: Công nghệ thông tin, An ninh mạng, Nghiên cứu công nghệ cao, AI, Cloud, Big Data...
Hàng năm, Tập đoàn dành ngân sách tương đương khoảng 4% quỹ lương cho các hoạt động đào tạo, phát triển. Đồng thời, đầu tư xây dựng hạ tầng Học viện Viettel hiện đại phục vụ đào tạo, phát triển. Chương trình luân chuyển nhân sự toàn cầu (Global Mobility) cũng được Tập Đoàn tổ chức định kỳ để đưa nhân sự các thị trường luân chuyển về Công ty Mẹ hoặc qua các thị trường khác nhằm trao đổi nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nhằm thúc đẩy dòng chảy nhân sự toàn cầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu
Thời gian tới, Tập đoàn Viettel mong muốn Quốc hội, Chính phủ, Bộ Quốc phòng tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện và có hành lang cơ chế, chính sách đặc thù cho Viettel để thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao như: Cơ chế đặc thù trong quản lý lao động, tiền lương; chính sách ưu đãi cho nhân sự tham gia một số nhiệm vụ, đề án trọng điểm quốc gia mà Viettel tham gia; chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân cho nhân sự chất lượng cao... Đặc biệt, xây dựng cơ chế, chính sách về thị thực (visa), trong đó có các loại “visa nhân tài” dành riêng cho đối tượng là người gốc Việt Nam và người nước ngoài có trình độ cao; xem xét quy định cởi mở, đột phá theo hướng chỉ cần các cá nhân được cấp loại visa này sẽ tự động được áp dụng các chính sách ưu đãi không cần qua các thủ tục xét duyệt, chứng minh theo các trình tự, thủ tục khác…

Các thành viên Đoàn giám sát
Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tập đoàn Viettel, báo cáo được chuẩn bị công phu, bao quát nhiều thông tin ở nhiều góc độ khác nhau, bám sát nội dung theo yêu cầu. Tuy nhiên, phần kiến nghị cần được đi sâu, cụ thể hơn, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách thuế và chế độ tiền lương; chi ngân sách cho lĩnh vực khoa học công nghệ… Đồng thời cần làm rõ các nội dung liên quan đến vấn đề chuyển dịch lao động, tỷ lệ lao động hợp đồng làm việc tại Tập đoàn…
Đoàn giám sát cho biết, các kiến nghị của Tập đoàn liên quan đến chính sách đặc thù của nhà nước để tác động mạnh mẽ hơn nữa đến việc thu hút và giữ chân nhân tài cũng là mong muốn của rất nhiều doanh nghiệp khác hiện nay. Đoàn giám sát ghi nhận và sẽ nghiên cứu, tổng hợp để đưa vào Báo cáo kết quả giám sát những nội dung phù hợp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan
Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết, Đoàn giám sát ghi nhận và đánh giá cao những kết quả hoạt động của Tập đoàn Viettel thời gian qua; đồng thời đề nghị Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện các nội dung Báo cáo trên cơ sở cuộc làm việc. Những kiến nghị của Tập đoàn Viettel sẽ được tổng hợp, nghiên cứu trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả giám sát cũng như hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa

Ủy viên là ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Phạm Trọng Nghĩa

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội


Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng


Đại diện Tập đoàn Viettel trình bày báo cáo và làm rõ thêm các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm




Các đại biểu tại cuộc làm việc


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm




Đoàn giám sát khảo sát thực tiễn tại Tập đoàn Viettel