Đoàn Giám sát của UBTVQH làm việc với Tập đoàn FPT về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực

02/04/2025

Sáng 2/4, Đoàn Giám sát của UBTVQH về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” làm việc với Tập đoàn FPT. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan chủ trì cuộc làm việc.

Đoàn Giám sát của Ủy ban Văn hóa và Xã hội làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh

Toàn cảnh cuộc làm việc

Được thành lập từ năm 1998, FPT là công ty Việt Nam hoạt động trên toàn cầu, có chi nhánh tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, là thành doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực: Xuất khẩu phần mềm; tích hợp hệ thống; phát triển phần mềm; dịch vụ công nghệ thông tin; giáo dục & đào tạo thế hệ trẻ theo hướng thực học, thực nghiệp. Trong cuộc cách mạng 4.0, FPT là công ty Việt Nam tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, phần mềm ô tô... Trong nước, hầu hết các hệ thống thông tin lớn trong các cơ quan nhà nước và các ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam đều do FPT xây dựng và phát triển.

Giám đốc Nhân sự, Tập đoàn FPT Chu Quang Huy cho biết, FPT có nguồn nhân lực đa dạng về văn hóa, tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ, độ tuổi, trình độ… Tính đến hết 31/12/2024, Tập đoàn có 83.826 nhân sự làm việc tại hơn 30 quốc gia, trong đó, có hơn 3.700 nhân sự người nước ngoài với 87 quốc tịch, đến chủ yếu từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Slovakia, Malaysia, Mexico, Philippines... Số nhân sự có trình độ Đại học và sau Đại học chiếm trên 80% tổng nhân sự của toàn Tập đoàn. 100% cán bộ nhân viên ký hợp đồng lao động chính thức với Tập đoàn FPT tại Việt Nam đều được thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của Pháp luật.

Giám đốc Nhân sự, Tập đoàn FPT Chu Quang Huy báo cáo với Đoàn giám sát

Tại FPT, người lao động luôn được khuyến khích và đầu tư mạnh mẽ để nâng cao năng lực chuyên môn, công nghệ, kỹ năng mềm …, góp phần khẳng định vị thế công ty công nghệ đẳng cấp thế giới. Năm 2024, FPT đã chi 184,7 tỷ VNĐ cho đào tạo nội bộ. 100% người lao động từ Level 2 trở lên được tham gia các chương trình đào tạo hàng năm của Tập đoàn và được cấp tài khoản để tham gia các khóa học online. Bên cạnh đó, FPT cũng triển khai chương trình đào tạo dành cho khối cán bộ công nghệ và khối quản trị vận hành, tạo cơ hội cho cán bộ, nhân viên tiếp cận kịp thời các xu hướng công nghệ, xu hướng AI, ESG, kiến thức chuyên môn và nâng cao trải nghiệm học tập. Nổi bật là việc đào tạo diện rộng với hình thức eLearning cho cán bộ, nhân viên, giúp 98,8% cán bộ, nhân viên nâng cao kiến thức cơ bản về AI (tương ứng hơn 109.200 giờ học); 97,5% cán bộ, nhân viên hiểu và tiếp cận được với các thông tin và xu hướng về ESG…

Thể hiện quyết tâm đồng hành, góp phần đảm bảo nguồn nhân lực cho sự phát triển bền vững của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là nhân lực thành thạo công nghệ cao như AI, STEM, Robotic, thời  gian qua, FPT tiếp tục mở rộng quy mô hệ thống giáo dục FPT tại các tỉnh, thành trên cả nước. Tính đến hết năm 2024, FPT tiếp tục ghi nhận những kỷ lục mới trong lĩnh vực giáo dục với 67 điểm trường trên toàn quốc; mở rộng vùng phủ đến 28 tỉnh, thành; hơn 152.000 người học quy đổi trên toàn hệ thống. Nhờ tốc độ triển khai thần tốc, tổng diện tích sàn xây dựng của hệ thống giáo dục FPT đã đạt 600.000m, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng trên toàn quốc…

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Trong thời gian tới, Tập đoàn FPT mong muốn các chính sách của nhà nước về thu hút nhân tài Việt Nam ở nước ngoài; hợp tác quốc tế và trong nước; thủ tục hành chính trong tuyển dụng và sử dụng lao động… ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, cần đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép lao động, thị thực cho chuyên gia nước ngoài. Bởi hiện việc xin giấy phép lao động đang trải qua nhiều bước với quy trình phức tạp, thời gian chờ đợi rất lâu, mất 2-3 tháng để thực hiện. Bên cạnh đó, việc xem xét duyệt visa cho các chuyên gia đã có giấy phép lao động đang bị tính chung với các hồ sơ xin visa dài hạn thông thường dẫn tới thời gian làm visa quá lâu (hiện tại mất 14 ngày làm việc đến 3 tuần), trong khi các dự án công nghệ có đặc thù cần có người nhanh.

Cùng với đó, có chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân đối với các chuyên gia làm việc cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao đã được đăng ký với Cơ quan chức năng; các chuyên gia làm việc tại địa điểm là khu vực quy hoạch phát triển công nghệ cao, ví dụ Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Khu công nghệ cao Đà Nẵng... Đồng thời, nghiên cứu tăng mức giảm trừ gia cảnh để thu hút, tạo động lực giữ chân nhân lực chất lượng cao.

Các thành viên Đoàn giám sát

Qua thảo luận, các thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao Báo cáo của Tập đoàn FPT; cho rằng Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, bám sát nội dung theo yêu cầu. Để đảm bảo toàn diện hơn, Đoàn giám sát cho rằng, cần bổ sung thêm số liệu về tỷ lệ sinh viên được đào tạo trong hệ thống của các Trường của FPT sau khi ra trường làm việc tại Tập đoàn là bao nhiêu và tỷ lệ làm việc cho các doanh nghiệp ngoài là bao nhiêu; khả năng đáp ứng yêu cầu công việc cho các doanh nghiệp ngoài của sinh viên tốt nghiệp từ cơ sở giáo dục thuộc FPT hiện tại thế nào; tỷ lệ giữa đào tạo chính quy và không chính quy…

Đồng thời làm rõ hơn về năng lực nguồn nhân lực giảng viên cho lĩnh vực bán dẫn; kế hoạch đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn trong thời gian tới; công tác đào tạo của FPT so với quốc tế...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan

Phát biểu kết thúc cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan ghi nhận, đánh giá cao những thành công và các chính sách phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài của Tập đoàn FPT thời gian qua; tuy nhiên các kiến nghị cần gắn liền với thực tiễn và được nêu cụ thể, đầy đủ hơn trong Báo cáo. Trên cơ sở các thông tin trao đổi tại cuộc làm việc hôm nay, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan cho biết, Đoàn giám sát sẽ nghiên cứu, tổng hợp để đưa vào Báo cáo kết quả giám sát những nội dung phù hợp, phục vụ quá trình rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số hình ảnh tại cuộc làm việc:

Toàn cảnh cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Lâm Văn Đoan chủ trì cuộc làm việc

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Giám đốc Nhân sự, Tập đoàn FPT Chu Quang Huy báo cáo với Đoàn giám sát

Đại diện Tập đoàn FPT báo cáo, làm rõ thêm các vấn đề mà Đoàn giám sát quan tâm

Các đại biểu tại cuộc làm việc

Đoàn giám sát khảo sát thực tế tại Tập đoàn FPT

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hiểu Linh - Nghĩa Đức