SẼ TRÌNH QUỐC HỘI XEM XÉT THÔNG QUA NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA XV

17/08/2022

Tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, sáng 17/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sau khi nghe trình bày Tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Trình UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi): Nội quy hóa những cải tiến, đổi mới đã được thực tiễn chứng minh

Đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Tại phiên họp, trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Trưởng ban soạn thảo cho biết, sau gần 07 năm thi hành, Nội quy năm 2015 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, dự thảo Nội quy sửa đổi lần này gồm 24 vấn đề mới. Bên cạnh đó, trong quá trình thảo luận có một số vấn đề còn ý kiến khác nhau về các nội dung: thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể; vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp; vấn đề tranh luận, chất vấn lại; biểu quyết tại phiên họp toàn thể; quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội tại 02 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc sửa đổi Nội quy kỳ họp với 24 vấn đề mới đã cơ bản đáp ứng mục đích, quan điểm do Ban soạn thảo đề ra; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, qua thẩm tra sơ bộ, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các nội dung được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nội quy kỳ họp. Đồng thời, tán thành với đề xuất của Ban soạn thảo và quy định thể hiện trong dự thảo Nội quy kỳ họp đối với 03/05 vấn đề còn có ý kiến khác nhau, bao gồm quy định về thời gian phát biểu tối đa của đại biểu Quốc hội tại phiên họp toàn thể không quá 07 phút; quy định về tranh luận với người bị chất vấn; quy định về cơ quan trình (Chính phủ) có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo nghị quyết đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trình Quốc hội trong thời gian giữa 02 kỳ họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị và hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) và cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, xin ý kiến nhiều vòng. Các tài liệu cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4. Đến nay các vấn đề đưa ra để sửa đổi đã bảo đảm các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn giải quyết những vấn đề vướng mắc, bất cập để trình Quốc hội sửa đổi nâng cao chất lượng, hiệu quả các kì họp của Quốc hội.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo khẩn trương chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong dự thảo Nội quy kỳ họp để đảm bảo văn bản này được ban hành có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết nếu được Quốc hội thông qua.

Đảm bảo quyền linh hoạt của Chủ toạ, người điều hành phiên họp

Một trong những nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm là vai trò của Chủ tọa, người điều hành phiên họp. Để bảo đảm phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, sôi nổi, Dự thảo Nội quy kỳ họp sửa đổi theo hướng bổ sung quy định Chủ tọa, người điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình; được quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc không phát biểu, tranh luận đúng nội dung.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với phương án thiết kế trong dự thảo Nội quy kỳ họp; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tổng kết thực tiễn điều hành các phiên họp của Quốc hội để nghiên cứu, quy định cụ thể hơn các trường hợp cần thiết, Chủ tọa hoặc người điều hành phiên họp đề nghị Quốc hội quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình.

Qua thảo luận, đa số ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí cần phải bổ sung các quy định để đảm bảo quyền linh hoạt của Chủ toạ, người điều hành phiên họp, để hoạt động của Quốc hội diễn ra sôi động, chất lượng, hiệu quả.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương quyền của người chủ tọa điều hành phiên họp phải được làm rõ trong Nội quy lần này là quyền linh hoạt điều chỉnh thời gian dài hoặc ngắn; quyền yêu cầu dừng phát biểu chất vấn khi không đúng nội dung và có biểu hiện không bảo đảm tính tôn nghiêm của Quốc hội và quyền thay đổi thứ tự phát biểu theo hướng ưu tiên những đoàn chưa được phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, để bảo đảm quyền của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến của mình và đặc biệt các phiên thảo luận trên hội trường đại biểu còn muốn thể hiện trách nhiệm của mình với địa phương nơi mình ứng cử cho nên khi điều hành cũng cần thiết phải bảo đảm thời gian cho đại biểu. Nhưng khi linh hoạt cũng cần phải có tiêu chí, các điều kiện khi cần thiết, người chủ tọa điều hành có thể rút ngắn thời gian này. Ngoài ra, khi điều hành thì những ý kiến, những nội dung lặp lại cần có cách để xử lý để có thể rút ngắn thời gian.

Từ thực tiễn điều hành phiên thảo luận toàn thể tại kỳ họp Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nên rõ, điều hành là thuộc quyền của Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch được Chủ tịch Quốc hội phân công. Trong quá trình điều hành, chủ tọa bảo đảm tối đa quyền của đại biểu Quốc hội, trong trường hợp cần thiết, điều hành đề nghị rút ngắn thời gian phát biểu của đại biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút để có thêm nhiều đại biểu được phát biểu thì các đại biểu đều rất tán thành và phát biểu cô đọng, chất lượng hơn.

Đồng thời để hoạt động nghị trường sôi nổi, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định cần phải có tranh luận nhưng nên bố trí hợp lý giữa tranh luận và thảo luận và hợp lý giữa cơ cấu vùng miền, địa phương, ngành với đại biểu. Kinh nghiệm điều hành cho thấy phát biểu tranh luận cũng phải sau 3 hoặc 5 đại biểu thảo luận, để thành một nhóm những đại biểu đã đăng ký, bảo đảm được quyền phát biểu của đại biểu. Do đó việc giao quyền linh hoạt cho người điều hành là rất cần thiết để làm tạo nên một không khí trong Quốc hội vừa thảo luận, vừa tranh luận sôi động và tránh trùng lắp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, vai trò chủ toạ, người điều hành cũng được thể hiện rất rõ. Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục cụ thể hoá hơn các tiêu chí mà Hiến pháp và luật đã có quy định. Đồng thời, khẳng định, quyền linh hoạt điều hành là rất cần thiết, đảm bảo cho một Quốc hội có sức sống, tăng tính công khai, minh bạch, mở rộng dân chủ, pháp quyền,  thích ứng với diễn biến thực tế, song việc linh hoạt này cũng cần phải xin ý kiến và nhận được sự đồng thuận của Quốc hội.

Tiếp tục rà soát bảo đảm các quy định của Nội quy khả thi, giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, về các vấn đề còn ý kiến khác nhau và một số nội dung cụ thể của dự thảo Nội quy kỳ họp (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất quy định thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể là 7 phút như hiện hành để đại biểu Quốc hội có thể trình bày thấu đáo, đầu đuôi, quan điểm, chính kiến và lập luận của mình.

Về vai trò của chủ tọa, người điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị nghiên cứu dùng cụm từ "Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội" thay vì dùng "chủ tọa, người điều hành"; tán thành bổ sung quy định vai trò của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp có quyền linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình, được quyền mời đại biểu phát biểu không theo thứ tự đăng ký, khi cần thiết yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng tranh luận hoặc phát biểu nếu đại biểu Quốc hội phát biểu, tranh luận quá thời gian hoặc tranh luận không đúng nội dung, không đảm bảo tính tôn nghiêm của Quốc hội. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, đề xuất quy định cụ thể hơn các trường hợp, vai trò của Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Quốc hội đang điều hành phiên họp linh hoạt kéo dài hoặc rút ngắn thời gian phát biểu hoặc giải trình để có cơ sở áp dụng thống nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn kết luận nội dung phiên họp

Về tranh luận, chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định chỉ có đại biểu Quốc hội đã chất vấn mới có quyền tranh luận với người bị chất vấn; giảm thời gian mỗi lần chất vấn xuống 1 phút, thời gian tranh luận là 2 phút. Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục làm rõ khái niệm thảo luận, tranh luận, chất vấn, chất vấn lại và cơ cấu lại theo nhóm vấn đề để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nhưng cũng phù hợp quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Về biểu quyết tại phiên toàn thể, đề nghị cân nhắc áp dụng đồng thời 2 hình thức biểu quyết mà nên áp dụng một hình thức biểu quyết thực tế tại Hội nghị theo phương án kỹ thuật cụ thể. Nếu công khai là công khai, bỏ phiếu kín là bỏ phiếu kín.

Về quy trình, thủ tục xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng, về kinh tế - xã hội tại 2 hoặc nhiều kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành quy định cơ quan trình là Chính phủ có trách nhiệm tiếp thu, giải trình, chỉnh lý hoàn thiện hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội trong thời gian giữa 2 kỳ họp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Trong đó, đề nghị giữ các quy định về cách thức tổ chức kiểm phiếu, thành phần ban kiểm phiếu như quy định của Nội quy kỳ họp Quốc hội hiện hành; tiếp thu, hoàn thiện các quy định về hồ sơ trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, về tài liệu kỳ họp trên hệ thống điện tử, tài liệu giấy sao cho dễ dùng, dễ sử dụng; bổ sung, nghiên cứu vai trò của Ban Thư ký tại kỳ họp, về việc tổ chức các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phiên họp, cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, về các hình thức phát hành kỷ yếu và cải tiến thủ tục ghi biên bản kỳ họp. Nghiên cứu quy định đầy đủ, chặt chẽ, thẩm quyền, trình tự, đề xuất các nội dung được đưa vào Nghị quyết của Quốc hội. Trong kỳ họp, các tài liệu được phát hành cho đại biểu thì phải qua Tổng Thư ký phê duyệt, không có tài liệu nào ở ngoài gửi vào hoặc qua các phương tiện là thông tin khác.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, khi tiến hành xây dựng dự thảo Nghị quyết là phải tiếp tục rà soát, khẳng định trong báo cáo đã đạt được mục tiêu, quan điểm lớn, mở rộng dân chủ, tăng tính pháp quyền, bám sát chủ trương, yêu cầu đề ra khi tiến hành sửa đổi. Nghị quyết khi ban hành phải khả thi, giải quyết được những vấn đề từ thực tiễn là nâng cao chất lượng kỳ họp, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp, chuyển trọng tâm tham gia thảo luận sang thảo luận, nâng cao vai trò, trách nhiệm đại biểu Quốc hội, đồng thời đảm bảo sự tương thích, kế thừa và sự thống nhất giữa các chương, điều của Nghị quyết. Đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp (sửa đổi) để báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tháng 9/2022.

Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc bổ sung dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo quy trình thông qua tại một kỳ họp.

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành thảo luận

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu tại phiên họp

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Hoàng Oanh phát biểu tại phiên họp

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường - Trưởng Ban soạn thảo tiếp thu, làm rõ một số vấn đề Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm

Bảo Yến - Phạm Thắng

Các bài viết khác