CHÍNH PHỦ TRÌNH PHƯƠNG ÁN SẮP XẾP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH TẠI TP. HỒ CHÍ MINH, AN GIANG, BÌNH DƯƠNG, KIÊN GIANG, THANH HÓA

09/12/2020

Chiều ngày 9/12/2020, tiếp tục Phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Nội Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Thành phố Hồ Chí Minh giảm 03 quận, 10 phường và tăng 01 thành phố.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố, phường, thị trấn thuộc các tỉnh, thành phố: Hồ Chí Minh, An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa.

Toàn cảnh phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chính phủ báo cáo phương án về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, thực hiện sắp xếp 19 phường, gồm: 10 phường thuộc diện phải sắp xếp, 09 phường liền kề có liên quan đến sắp xếp. Trong đó, có 01 phương án nhập 03 phường để thành 01 phường mới (giảm 02 phường); có 08 phương án nhập 02 phường để thành 01 phường mới (giảm 08 phường). Thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức.

Kết quả: Thành phố Hồ Chí Minh còn lại 22 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 1 thành phố, 16 quận và 05 huyện (giảm 03 quận, tăng 01 thành phố); 312 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 58 xã, 249 phường và 05 thị trấn (giảm 10 phường).

Thành lập thành phố Thủ Đức tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

Báo cáo về sự cần thiết thành lập thành phố Thủ Đức, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Khu vực Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức hiện nay có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ như: Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Quốc lộ 52...

Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao trên địa bàn Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức với 08 trung tâm gồm: (1) trung tâm tài chính gắn với khu đô thị mới Thủ Thiêm; (2) trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc; (3) trung tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao; (4) trung tâm đại học và khoa học công nghệ trình độ cao; (5) trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; (6) trung tâm công nghệ sinh thái; (7) trung tâm giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ và cảng Cát Lái; (8) khu đô thị Trường Thọ.

Sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; yêu cầu cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn 03 quận, tạo điều kiện để kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 03 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.

Vì vậy, việc thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một Thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.

Việc thành lập thành phố trên cơ sở nhập 03 quận không xem xét điều kiện về sự phù hợp với định hướng quy hoạch, chương trình phát triển đô thị, trình độ phát triển hạ tầng… Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đánh giá thành phố Thủ Đức đã cơ bản đạt 5/5 tiêu chuẩn của thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước tại các tỉnh An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa

Về việc thành lập thị trấn thuộc tỉnh An Giang, Chính phủ trình phương án thành lập các thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn, Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Vĩnh Thạnh Trung, Cô Tô và Vĩnh Bình. Kết quả: Tỉnh An Giang có 156 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 116 xã, 21 phường và 19 thị trấn (tăng 03 thị trấn, giảm 03 xã).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Báo cáo về sự cần thiết thành lập thị trấn thuộc tỉnh An Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, xã Vĩnh Thạnh Trung nằm ở trung tâm huyện Châu Phú, có vị trí thuận lợi trong giao thương với các vùng lân cận cũng như toàn vùng Tứ giác Long Xuyên. Xã có tuyến Quốc lộ 91 chạy qua, đây là con đường huyết mạch của tỉnh cũng như của huyện, đóng vai trò quan trọng trong việc khai thác tiềm năng và lợi thế của vùng Tứ giác Long Xuyên. Bên cạnh đó, phía Tây nam của xã còn có tuyến Tỉnh lộ 945, là tuyến đường kết nối huyện Tịnh Biên, Tri Tôn qua Vĩnh Thạnh Trung vào chuỗi đô thị ven sông Hậu và trong tương lai dự kiến kéo dài kết nối vào thị trấn Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

 Ngoài ra, Vĩnh Thạnh Trung còn nằm bên cạnh bờ sông Hậu thuộc hệ thống trục hành lang kinh tế đường thủy Quốc gia kết nối với các tiểu vùng của vùng ĐBSCL và thành phố Hồ Chí Minh. Trên địa bàn xã có các công trình cấp huyện và cấp vùng như bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên của huyện, trường kinh tế kỹ thuật An Giang. Dân số thường trú tại xã cao gấp bốn lần so với tiêu chuẩn của thị trấn, ngoài ra, còn có một lượng lớn dân số tạm trú là học sinh, sinh viên các trường dạy nghề, trung cấp và công nhân các nhà máy chế biến.

Xã Cô Tô nằm ở phía Đông nam của huyện Tri Tôn, có trục giao thông quan trọng là Tỉnh lộ 943 nối Quốc lộ 91 với cửa khẩu Tịnh Biên đi Campuchia và Quốc lộ 80 đi Hà Tiên, Rạch Giá. Với lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, Cô Tô đã dần khẳng định vị thế là động lực phát triển kinh tế của huyện, có vai trò dẫn dắt và tạo đà cho các xã trong huyện vươn lên; là đầu mối kết nối giao thương của huyện với vùng phía Tây của tỉnh An Giang và cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Dự kiến đây sẽ là đô thị trung tâm mới của huyện gắn với hoạt động công nghiệp tập trung, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng và phát triển du lịch. Thời gian gần đây, Cô Tô có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, mật độ dân cư đông đúc, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách của địa phương, lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân cư, cùng với các thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn thực hiện tốt vai trò là đô thị động lực của huyện.

Xã Vĩnh Bình nằm ở phía Tây của huyện Châu Thành, trên trục tỉnh lộ 94, là trục kết nối chuỗi đô thị nội tỉnh và là tuyến giao thông quan trọng để phát triển ngành dịch vụ, thương mại với tỉnh Kiên Giang. Đây cũng là đầu mối giao thương của huyện Châu Thành với vùng phía Tây của tỉnh An Giang và cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh An Giang, Vĩnh Bình sẽ được xây dựng, phát triển theo mô hình là một trong những đô thị vệ tinh nằm trong chuỗi đô thị nối thành phố Long Xuyên và khu vực phía Tây của tỉnh bao gồm Tri Tôn, Tịnh Biên và kết nối nước bạn Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên. Thời gian gần đây xã có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao, mật độ dân cư đông đúc, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển, nguồn thu từ phi nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách của địa phương, lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển, dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh.

Với những lợi thế về vị trí, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, các xã Vĩnh Thạnh Trung, Cô Tô, Vĩnh Bình đã có bước phát triển toàn diện trên các mặt. Bên cạnh đó, công tác quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn các xã với mô hình quản lý của chính quyền nông thôn đã và đang phát sinh nhiều vấn đề bất cập và không còn phù hợp. Dân cư của các xã quá đông với một lượng lớn dân tạm trú và vãng lai dẫn đến tình hình an ninh trật tự khá phức tạp. Do vậy, việc thành lập các thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, Cô Tô, Vĩnh Bình trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã là cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở; bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đối với việc thành lập thị trấn thuộc tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Chính phủ trình phương án thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Tân Bình. Như vậy, tỉnh Bình Dương có 91 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 41 xã, 45 phường và 05 thị trấn (tăng 01 thị trấn, giảm 01 xã).

Về sự cần thiết thành lập thị trấn thuộc tỉnh Bình Dương, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Xã Tân Bình nằm ở vị trí thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ và đô thị, thuận tiện liên kết với Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương, thành phố Thủ Dầu Một và thị xã Bến Cát. Xã Tân Bình nằm ở phía Tây của huyện Bắc Tân Uyên, cửa ngõ phía Bắc của Bình Dương trên trục đường huyết mạch đi Quốc lộ 14 kết nối với tỉnh Bình Phước và khu vực Tây Nguyên; có vị trí kết nối huyện Bắc Tân Uyên và tỉnh Bình Dương với khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua Quốc lộ 13, ĐT 741 đi thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên; đường Mỹ Phước - Tân Vạn đi Biên Hòa, Đồng Nai; đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu. Cơ cấu kinh tế hiện nay của xã Tân Bình chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ và giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2017 - 2019 trên địa bàn xã đạt 9,92%; thu ngân sách những năm qua luôn tăng trưởng, tổng thu ngân sách trên địa bàn xã năm 2019 đạt 17,92 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 16,08 tỷ đồng; trên địa bàn xã không còn hộ nghèo; lao động phi nông nghiệp chiếm khoảng 68,69%. Với những điều kiện thuận lợi nêu trên, việc thành lập thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương là cần thiết, phù hợp với chiến lược phát triển mạng lưới đô thị của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn hiện nay, đồng thời còn là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của xã Tân Bình nói riêng và của huyện Bắc Tân Uyên nói chung.

Về việc thành lập thành phố và phường thuộc tỉnh Kiên Giang, phương án được Chính phủ trình là thành lập thành phố Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của huyện Phú Quốc.  hành lập phường Dương Đông thuộc thành phố Phú Quốc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Dương Đông. Thành lập phường An Thới thuộc thành phố Phú Quốc trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Hòn Thơm và thị trấn An Thới.

Như vậy, tỉnh Kiên Giang sẽ có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 03 thành phố và 12 huyện (tăng 01 thành phố, giảm 01 huyện); 144 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 116 xã, 18 phường, 10 thị trấn (tăng 02 phường, giảm 02 thị trấn và 01 xã).

Về sự cần thiết thành lập thành phố và phường thuộc tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định, Phú Quốc nằm trên vùng biển Tây nam của tổ quốc, tiếp giáp với các nước: Campuchia, Thái Lan. Huyện Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ. Vùng biển Phú Quốc có các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển. Để khai thác hiệu quả tiềm năng của Phú Quốc, Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 09/11/2005. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Trên địa bàn huyện có 320 dự án, tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 340 ngàn tỷ đồng. Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn. Huyện Phú Quốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại II vào năm 2014.

Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới là 2 đô thị của huyện Phú Quốc. Thị trấn Dương Đông có vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của huyện Phú Quốc; thị trấn An Thới là đầu mối giao thông cảng biển quan trọng nhất của huyện Phú Quốc.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội của các thị trấn đã có bước phát triển nhanh và ổn định. Trên địa bàn tập trung nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, trường học và dự án lớn đã tạo sự chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị và từng bước hình thành lối sống đô thị trong nhân dân. Thị trấn Dương Đông và thị trấn An Thới đã được đánh giá đạt 12/12 tiêu chuẩn trình độ phát triển hạ tầng để thành lập phường thuộc thành phố Phú Quốc.

Quá trình phát triển của huyện Phú Quốc đã phát sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết. Vì vậy, thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao.

Việc thành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thành phố Phú Quốc đạt 5/5 tiêu chuẩn; phường Dương Đông và phường An Thới đạt 4/4 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13.

Về việc thành lập phường thuộc tỉnh Thanh Hóa, Chính phủ trình phương án thành lập các phường Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Thịnh, Quảng Tâm, Quảng Cát, Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Đông Tân, Đông Lĩnh và Long Anh thuộc thành phố Thanh Hóa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Thịnh, Quảng Tâm, Quảng Cát, Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Đông Tân, Đông Lĩnh và Long Anh.

Kết quả, tỉnh Thanh Hóa có 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 471 xã, 60 phường, 28 thị trấn (tăng 10 phường, giảm 10 xã).

Báo cáo về sự cần thiết thành lập phường thuộc tỉnh Thanh Hóa, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thành phố Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; là đô thị có vai trò kết nối vùng Bắc Trung bộ với vùng kinh tế trọng điểm Bặc bộ và là cửa ngõ giao thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây bắc Việt Nam. Địa bàn thành phố có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 47, Quốc lộ 45, tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua.

Các xã Quảng Phú, Quảng Đông, Quảng Thịnh, Quảng Tâm, Quảng Cát, Thiệu Khánh, Thiệu Dương, Đông Tân, Đông Lĩnh, Long Anh được chuyển về thành phố Thanh Hóa quản lý từ năm 2012. Đến nay, kinh tế - xã hội của các xã này đã có bước phát triển nhanh và duy trì ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, xây dựng; thu ngân sách đạt và vượt mục tiêu kế hoạch đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ. Các xã đã được công nhận kết quả đánh giá đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển hạ tầng để thành lập phường và phạm vi đánh giá phù hợp với ranh giới đơn vị hành chính dự kiến thành lập. Căn cứ thực trạng phát triển và đối chiếu với quy định về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính thì các xã nêu trên đã đạt 4/4 tiêu chuẩn để thành lập phường. Việc thành lập các phường là cần thiết, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao.

Việc thành lập các phường thuộc thành phố Thanh Hóa bảo đảm các điều kiện theo quy định tại Điều 128 Luật Tổ chức chính quyền địa phương và đạt 4/4 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13./.

Lan Hương - Minh Thành

Các bài viết khác