THẨM TRA TỜ TRÌNH VỀ VIỆC ĐỀ NGHỊ THÀNH LẬP TAND THÀNH PHỐ THỦ ĐỨC THUỘC TP. HỒ CHÍ MINH

09/12/2020

Tại phiên họp thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình về việc đề nghị thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thuộc TP. Hồ Chí Minh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, về việc thành lập TAND thành phố Thủ Đức, thường trực Uỷ ban Tư pháp nhất trí với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc thành lập Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Về thẩm quyền của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thường trực Uỷ ban Tư pháp nhất trí với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền theo phạm vi lãnh thổ của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức là bao gồm các vụ, việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân quận 2, Tòa án nhân dân quận 9 và Tòa án nhân dân quận Thủ Đức hiện nay, được thể hiện như tại khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết.  

Về thẩm quyền theo việc, tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết: Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện và cấp tỉnh; việc giải quyết theo thủ tục phúc thẩm đối với bản án, quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức chưa có hiệu lực pháp luật do Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện. Theo quy định này thì Tòa án nhân dân Thành phố Thủ Đức có thẩm quyền về việc như Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Thường trực Uỷ ban tư pháp thấy rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương thì thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương là đơn vị hành chính tương đương cấp huyện. Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh có thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện. Việc quy định như tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 dự thảo Nghị quyết nêu trên là không đúng quy định của luật, mâu thuẫn với các luật về tố tụng và không thuộc thẩm quyền quyết định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Thường trực Uỷ ban Tư pháp đề nghị không quy định thẩm quyền về việc của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các luật về tố tụng.

Thẩm tra về tổ chức bộ máy, theo Tờ trình, ngoài các Tòa chuyên trách theo luật, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập thêm Tòa Kinh tế.

Thường trực Uỷ ban Tư pháp tán thành với đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao với những lý do như đã nêu trong Tờ trình; nội dung đã bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, theo đó: “Trường hợp cần thiết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”.

Về biên chế, số lượng Thẩm phán của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, theo Tờ trình, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung cho Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức 180 biên chế nằm ngoài tổng số biên chế đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao, trong đó có 85 Thẩm phán (25 Thẩm phán trung cấp và 60 Thẩm phán sơ cấp).

Toàn cảnh phiên họp lần thứ 51, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thường trực Uỷ ban Tư pháp nhận  thấy, theo quy định tại Điều 95 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổng biên chế của Tòa án nhân dân theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sau khi có ý kiến của Chính phủ (Khoản 2); căn cứ vào tổng biên chế đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phân bổ biên chế cho các đơn vị trực thuộc các Tòa án nhân dân (Khoản 4). Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 03 Nghị quyết về tổng biên chế, bổ sung số lượng thẩm phán của Tòa án nhân dân gồm: Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13 ngày 28/3/2012, Nghị quyết số 1278/NQ-UBTVQH13 ngày 01/7/2016 và Nghị quyết số 572/NQ-UBTVQH14 ngày 10/9/2018.

Do đó, việc đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung 180 biên chế cho Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức là không đúng thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định tại Điều 95 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; đồng thời dẫn đến việc phải sửa đổi, bổ sung 03 Nghị quyết nêu trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Bên cạnh đó, Thường trực Uỷ ban Tư pháp thấy rằng, việc đề nghị bổ sung biên chế cho Tòa án nhân dân cần được xem xét thận trọng trong điều kiện hiện nay các cơ quan trong hệ thống chính trị phải thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng, nhất là trong khi biên chế của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức trên cơ sở kế thừa biên chế các Tòa án nhân dân quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức đã là 128 người. Đồng thời cần đặt trong tổng thể chung về sắp xếp biên chế của Viện Kiểm sát nhân dân và Uỷ ban nhân dân thành phố Thủ Đức, hiện nay các cơ quan này đều không đề nghị bổ sung biên chế.

Về số lượng cấp phó và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý của Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thường trực Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, theo quy định của luật, việc quy định số lượng cấp phó của các Tòa án nhân dân không thuộc thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Vì vậy, đề nghị không đưa nội dung này vào Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội./.

Lan Hương - Minh Thành

Các bài viết khác