BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG LÀM RÕ MỘT SỐ VẤN ĐỀ CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

15/10/2020

Tại Phiên họp thứ 49, sau khi nghe các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã làm rõ một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Thực hiện Phiên họp thứ 49, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Tại Phiên họp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào các nội dung: phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường, thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, kiểm toán công tác quản lý và bảo vệ môi trường. Sau khi nghe các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đóng góp ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn có ý kiến khác nhau.


Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm rõ một số vấn đề trong dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Liên quan đến đánh giá sơ bộ các dự án tác động đến môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Chính phủ đã dựa trên tiêu chí phân loại các dự án của Luật Đầu tư công. Nếu giảm đánh giá sơ bộ số lượng dự án có vốn đầu tư công cũng không có nghĩa là giảm số dự án của tư nhân. Bởi vì có những dự án đầu tư có vốn đầu tư không lớn nhưng lại tác động tới môi trường rất lớn.

Mặt khác, tiêu chí đánh giá sơ bộ tác động của các dự án tới môi trường còn dựa trên tác động từ hệ sinh thái tự nhiên, môi trường nước và dựa trên chất thải, chất thải rắn. Việc đánh giá sơ bộ các dự án tác động tới môi trường dựa trên tiêu chí môi trường đã được Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định rõ nên chúng ta không thể dựa trên dự án có quy mô lớn hay là nhỏ.

Về vấn đề cấp giấy phép xả thải môi trường, thực tế là Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được rất nhiều ý kiến từ các địa phương. Hiện nay, chúng ta đang có 7 loại giấy phép. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý Nhà nước thống nhất về nước cũng cấp 1 giấy phép xả nước thải. Tuy nhiên, ở địa phương cũng có hoạt động xả nước thải, một dòng sông thì luôn chảy và nếu ô nhiễm ở thượng nguồn thì sẽ ô nhiễm ở hạ nguồn. Nếu công trình thủy lợi là hoàn toàn khép kín không liên quan đến dòng chảy thì việc quản lý của một Bộ là có thể được và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thế nhưng, dòng sông luôn luôn chảy nên vấn đề quản lý phải thống nhất và tổng hợp. Đây là một phương pháp mà các bên phải thực hiện, nếu không sẽ không quản lý được nguồn nươc. Còn nếu giả sử Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý không tốt nguồn nước thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các địa phương cũng không thể quản lý được nước trên dòng sông.


Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện nay theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý bằng quy hoạch tài nguyên nước, bằng quy chuẩn, tiêu chuẩn liên quan đến chất lượng nước và phân vùng. Như vậy, nước thủy lợi cũng được quy hoạch là nước sản xuất hoặc là cung cấp nước uống. Nếu là cung cấp để sử dụng nước sinh hoạt và nước uống thì không được thải, tức là sẽ không một ai được cấp phép xả thải. Còn nước để sử dụng đa mục tiêu thì theo quy chuẩn môi trường.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, trước đây, việc đánh giá tác động môi trường có thêm Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Còn toàn bộ quy trình đánh giá tác động môi trường hiện nay là Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương đã thống nhất theo 2 cấp. Đối với việc cấp phép  môi trường trước đây là có cả Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương thực hiện thì hiện nay tập trung vào 2 Bộ này.

Về đề xuất nếu địa phương có ngân sách chi thường xuyên sử dụng không hết thì có thể dành cho hoạt động bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định: Nếu nguồn chi sự nghiệp thường xuyên bị giới hạn thì không chi được cái gì lớn cho môi trường, không làm được những vấn đề Nhà nước chủ đạo. Vì thế, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất đề xuất cần có những nguồn kinh phí để đầu tư cho bảo vệ môi trường nhưng phải xác định rõ nội dung là gì. Ví dụ chi cho hỗ trợ tăng cường các trang thiết bị quan trắc quan, chi để hỗ trợ các chương trình thử nghiệm về xử lý môi trường.../.

Bích Lan