THÔNG CÁO BÁO CHÍ SỐ 03.

14/10/2020

Sáng ngày 14/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang mục đích khác để thực hiện các Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.

 

Phiên họp thứ 49 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ngày 14/9/2020

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn trình bày các báo cáo về tình hình thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An. Cụ thể: i) Về Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Báo cáo Chính phủ nêu rõ, điều kiện tự nhiên của Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên bị lũ lụt vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Hồ chứa nước Sông Than là cần thiết, cấp bách nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, góp phần cải thiện điều kiện sống của nhân dân vùng dự án. Trong quá trình thực hiện, Dự án hồ chứa nước Sông Than đã phát sinh tiêu chí Dự án quan trọng quốc gia theo quy định tại khoản 7, Điều 1, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, đây là Dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu (dự án thủy lợi) thuộc dự án cấp thiết cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Do đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 431,76 ha (gồm: 333,98 ha rừng tự nhiên, 97,78 ha rừng trồng), trong đó: Rừng phòng hộ 100,63 ha; rừng sản xuất 309,48 ha; diện tích rừng quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng 21,65 ha để thực hiện dự án. ii) Về Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, Dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư giai đoạn 2005-2020 với dung tích 225 triệu m3, sau khi hoàn thành sẽ cung cấp nguồn nước để khai thác 18.871 ha đất đai các loại, phát huy hết tiềm năng và phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp khu vực Miền Tây Nghệ An. Tại thời điểm năm 2009, theo Nghị quyết số 66/2006/QH11, Dự án này không thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia, nhưng trong quá trình triển khai, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật Đầu tư công năm 2019, dự án phát sinh tiêu chí thuộc dự án, công trình quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, theo Nghị định số 83/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ, đây là dự án cấp thiết về xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH thiết yếu (dự án thủy lợi) thuộc dự án cấp thiết cần phải chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên, vì vậy, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 1.131.22 ha rừng trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa để thực hiện Dự án.

Tại phiên họp, UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày các báo cáo thẩm tra sơ bộ về đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện hai dự án trên. Về cơ bản Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án cũng như sự phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch có liên quan. Khi phát sinh tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với các địa phương khẩn trương triển khai các thủ tục pháp lý cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Báo cáo nêu rõ, hồ sơ Dự án trình Quốc hội đã tuân thủ các quy định về lâm nghiệp, đầu tư, đầu tư công, đất đai, môi trường đối với chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Do đó, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, các dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Sau khi được Quốc hội quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, Chính phủ cần chỉ đạo bố trí đủ nguồn lực để sớm hoàn thành dự án.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến thành viên UBTVQH cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội về chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ để thực hiện 02 dự án trên; đồng thời nhấn mạnh, qua giám sát cho thấy sự cần thiết xây dựng các hồ chứa nước ở một số địa phương như Ninh Thuận, Nghệ An nhằm thúc đẩy các biện pháp bảo đảm an ninh nguồn nước. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, bổ sung báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án bố trí ngân sách để thực hiện trồng rừng thay thế; trong quá trình tổ chức thực hiện cần bảo đảm tuân thủ đúng Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH  thống nhất với nội dung các Báo cáo của Chính phủ về việc chuyển đổi 431,76 ha rừng trong đó có 163 ha rừng phòng hộ của Dự án thủy lợi sông Than, tỉnh Ninh Thuận và 1.131,22 ha rừng trong đó có 312,95 ha rừng phòng hộ của Dự án thủy lợi Bản Mồng, tỉnh Nghệ An sang mục đích làm công trình thủy lợi; đồng thời, đề nghị báo cáo Quốc hội về thể thức của Nghị quyết là Nghị quyết của Quốc hội về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng sản xuất sang mục đích làm hồ thủy lợi. Bên cạnh đó, UBTVQH đề nghị Chính phủ và cơ quan thẩm tra khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định theo quy trình một kỳ họp tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, UBTVQH đã xem xét việc tăng số lượng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, việc quy định cấp bậc quân hàm cấp tướng tại Bệnh viện 108.

 Tiếp đó, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã cho ý kiến về việc trình Quốc hội một số nội dung sau: i) Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Điều 40 của Luật Tổ chức Quốc hội; ii) Trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm nhân sự một số thành viên Chính phủ: phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh; miễn nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Huỳnh Thành Đạt; bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Nguyễn Thanh Long; iii) Việc trình Quốc hội xem xét, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Thứ Năm, ngày 15/10/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục làm việc tại Nhà Quốc hội theo Chương trình phiên họp./.