ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH-NGÂN SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI

01/06/2020

Thực hiện Chương trình Phiên họp thứ 45, sáng 1/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, về những cơ sở và sự cần thiết xây dựng Nghị quyết. Theo đó, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của Tp. Hà Nội. Thời gian qua, Thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp lớn cho sự phát triển và thu ngân sách nhà nước của cả nước, chia sẻ những khó khăn chung với Trung ương và các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; một số chợ dân sinh trên địa bàn Thành phố được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ gây mất an toàn, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, mỹ quan đô thị, tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hà Nội đến năm 2020 và Kết luận số 22-KL/TW, Kết luận số 46-KL/TW định hướng việc phân cấp, phân quyền về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Tp. Hà Nội; Ủy ban thường vụ Quốc hội có văn bản  đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội tại kỳ họp thứ 9.

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 15 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành.

Từ các cơ sở trên, việc Chính phủ trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội là cần thiết.

Về mục tiêu, quan điểm và nguyên tắc xây dựng Nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, Nghị quyết bảo đảm tuân thủ Hiến pháp và khung khổ pháp luật, phù hợp chủ trương định hướng của Đảng, Quốc hội về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hà Nội và việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền Tp. Hà Nội. Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch để đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp ở Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể. Ngoài ra, cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù thí điểm đối với Thành phố Hà Nội phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần Thành phố vì cả nước và cả nước vì Thành phố phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, về cơ sở pháp lý, sự cần thiết xây dựng Nghị quyết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với các lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù với Thành phố Hà Nội nhằm góp phần tăng nguồn lực, quyền chủ động trong việc quyết định, sử dụng ngân sách để thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu theo Kết luận số 22-KL/TW  ngày 07/11/2017, Kết luận số 46-KL/TW ngày 19/4/2019 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW tiếp tục bổ sung nhiệm vụ, giải pháp phù hợp mục tiêu, phương hướng phát triển Thủ đô trong điều kiện mới. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc ban hành Nghị quyết cần đồng bộ với việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012.

Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban nhận thấy, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Chính phủ trình cơ bản bảo đảm yêu cầu theo quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết này tại Kỳ họp thứ 9.

Về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 44 , Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết, đó là: Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ; Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng; Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội; Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công; Cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương.

Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho ý kiến

Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ, nhiều điểm trong Dự thảo Nghị quyết đã được quy định khá rõ. Khẳng định cơ chế đặc thù đối với Hà Nội là cần thiết, tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần có sự quy định linh hoạt trong nhiều lĩnh vực. Đồng thời Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tán thành với việc trình Dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 9 và theo thủ tục thông qua tại 1 kỳ họp.

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ một số nội dung như: một số vấn đề về mức phí, lệ phí với mục tiêu là có cơ chế khắc phục vấn đề đặc thù như như ùn tắc giao thông; lộ trình thực hiện vấn đề bàn giao lại đất đai khi các Bộ đã đi hết rồi nhưng chưa giao trụ sở lại cho Tp. Hà Nội; một số khoản đã thu hồi từ thoái vốn cổ phần hóa của một số doanh nghiệp mà thành phố là chủ sở hữu.

Thảo luận tại Phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến đánh giá đề án Dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị chu đáo, nhiều đề xuất trong dự án là những vấn đề cần thiết để tạo điều kiện cho Tp. Hà Nội giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trở thành thủ đô văn minh, văn hiến, xanh, sạch, đẹp. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhất trí cao với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết và đề nghị cần sớm ban hành, đảm bảo đúng thẩm quyền, đúng Luật và phù hợp với thực tiễn.

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội; bổ sung nội dung này vào Kỳ họp thứ 9 và trình Quốc hội theo thủ tục rút gọn thông qua tại kỳ họp này.  Đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện hồ sơ dự án dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức và trình xin ý kiến các đại biểu Quốc hội xem xét, thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 9 này./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh

Các bài viết khác