UBTVQH CHO Ý KIẾN VỀ VIỆC TỔNG KẾT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 580/2018/UBTVQH14 VỀ VIỆC THÍ ĐIỂM HỢP NHẤT VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐBQH, HĐND & UBND CẤP TỈNH

01/06/2020

Chiều ngày 01/6, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 45, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

 

Toàn cảnh phiên họp

Theo Báo cáo của Chính phủ, các tỉnh, thành phố (trừ Thành phố Hồ Chí Minh) đã thực hiện thí điểm hợp nhất 03 văn phòng để thành lập Văn phòng chung theo đúng quy định của Nghị quyết 580/2018/UBTVQH14, bảo đảm phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14.

Sau khi hợp nhất, Văn phòng chung đã triển khai thực hiện tốt công tác bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu liên quan, chủ động xây dựng, ban hành Quy chế làm việc, bảo đảm các điều kiện cần thiết và có cơ chế phối hợp với  các sở, ban, ngành của địa phương để thực hiện tốt chức năng tham mưu tổng hợp, phục vụ cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo đúng Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14. Các tổ chức, đơn vị bên trong Văn phòng thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất của Văn phòng theo đúng quy định. Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thuộc Văn phòng được quy định rõ, không chồng chéo. Kinh phí hoạt động và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc của Văn phòng được tập trung một đầu mối quản lý; xây dựng, áp dụng thống nhất các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị. Việc thực hiện thí điểm hợp nhất 03 Văn phòng đã đạt được mục tiêu của Đảng và Quốc hội đã đề ra tại các Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 là sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng cấp phó.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá cao trách nhiệm của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện và tổ chức tổng kết việc thí điểm chủ trương hợp nhất 03 Văn phòng theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo đã khái quát được kết quả triển khai thực hiện, đánh giá những việc đã làm được, những bất cập, hạn chế và có kiến nghị, đề xuất cụ thể. Kết quả tổng kết có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, làm cơ sở để xem xét, đánh giá hiệu quả của mô hình thí điểm, từ đó kiến nghị cụ thể việc sắp xếp, tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tại phiên họp

Mặc dù vậy, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm vì theo kết luận tại phiên họp thứ 35 (tháng 7/2019) và phiên họp thứ 42 (tháng 02/2020), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu phải hoàn thành việc tổng kết trong tháng 02/2020 để làm cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý quy định về bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Tuy nhiên, đến ngày 18/5/2020, Chính phủ mới có báo cáo tổng kết gửi các vị đại biểu Quốc hội.

Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, do thời gian thực hiện thí điểm chưa nhiều (hơn 01 năm) nên việc tồn tại một số vướng mắc, bất cập nêu trên là có thể lý giải được. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 580. Trong quá trình tổng kết, cần có sự phối hợp, tham gia ý kiến của Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tỉnh, thành phố nơi thực hiện thí điểm, của các chuyên gia, nhà khoa học thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo cũng như qua khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế để có sự đánh giá khách quan, toàn diện về hoạt động của Văn phòng. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần tổng kết kỹ lưỡng cả về cơ sở lý luận và thực tiễn cũng như quá trình tổ chức và hoạt động của bộ máy giúp việc các Đoàn ĐBQH để đề xuất được mô hình bộ máy giúp việc phù hợp, khoa học, hiệu quả, bảo đảm tính ổn định, lâu dài.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện Nghị quyết số 580, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng đề án, phương án về mô hình tổ chức các cơ quan giúp việc cho Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND cấp tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (trường hợp Chính phủ thống nhất với đề xuất của các địa phương về việc chỉ hợp nhất 02 Văn phòng thì Ban Cán sự đảng Chính phủ cần sớm báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương). Trên cơ sở ý kiến của cấp có thẩm quyền, đề nghị Chính phủ hoàn thành việc ban hành văn bản quy định chi tiết về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương cấp tỉnh và của Đoàn ĐBQH chậm nhất là tháng 5/2021 để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng và ban hành văn bản quy định chi tiết, đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm công tác chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, của Thường trực HĐND cấp tỉnh đối với cơ quan tham mưu, giúp việc chung để bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ quan.  

Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến cho rằng, việc thí điểm hợp nhất 03 văn phòng (Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) còn mang tính cơ học, chưa thực sự mang lại hiệu quả, mới chỉ giảm đầu mối người đứng đầu (Chánh Văn phòng và người đứng đầu đơn vị thuộc Văn phòng), chưa giảm được cấp phó và công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND giúp việc cho 03 chủ thể khác nhau với các thiết chế biệt lập, nên khi hợp nhất năng lực tham mưu đều bị hạn chế và rất khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, thời gian qua mới chỉ là thời gian chúng ta thực hiện thí điểm chứ chưa phải quyết định thực sự hoàn toàn. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, việc thí điểm hợp nhất Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh đã thể hiện việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thời gian qua đã có 9 tỉnh chấp hành nghiêm túc Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trừ Thành phố Hồ Chí Minh không thực hiện. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần kiểm điểm và làm rõ ngay tại Báo cáo lý do vì sao lại lại để Thành phố Hồ Chí Minh không chấp hành, thực hiện Nghị quyết thí điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về hiệu quả của việc thí điểm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng bước đầu chưa đạt được hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, qua thực tế tham dự các hội nghị, hội thảo về nội dung này tại các địa phương thực hiện thí điểm, đa số đại diện HĐND ở các địa phương này đều không tán thành với việc hợp nhất và chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn. Do vậy, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị để 03 văn phòng trở về hoạt động như cũ khi thời hạn thí điểm đã kết thúc.

Bày tỏ quan điểm của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND là 03 tổ chức với những quyền hạn, vai trò và nhiệm vụ khác nhau, có vị trí pháp lý độc lập, nên cần có Văn phòng riêng để tham mưu, phục vụ.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau 01 năm thực hiện thí điểm, việc hợp nhất Văn phòng ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu mong muốn đặt ra. Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện lại Báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những vấn đề đã được các đại biểu chỉ ra; đồng thời báo cáo với Bộ Chính trị về kết quả thực hiện thí điểm này./.

Thu Phương – Trọng Quỳnh

Các bài viết khác