UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI QUYẾT NGHỊ VIỆC THÀNH LẬP THỊ XÃ NGHI SƠN, TỈNH THANH HOÁ

05/05/2020

Thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ngày 05/5/2020, Tổng Thư ký Quốc hội-Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc công bố Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

 

Phiên họp thứ 44 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13; Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13; Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13; Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 77/TTr-CP ngày 09/3/2020, Tòa án nhân dân tối cao tại Tờ trình số 123/TTr-TANDTC ngày 12/3/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tại Tờ trình số 13/TTr-VKSTC ngày 19/3/2020, Ủy ban Tư pháp tại văn bản số 2424/BC-UBTP14 ngày 23/3/2020 và Báo cáo thẩm tra số 3132/BC-UBPL14 ngày 20/4/2020 của Ủy ban Pháp luật, ngày 22/4/2020, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký ban hành Nghị quyết số 933/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị việc thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường thuộc thị xã Nghi Sơn. Việc thành lập thị xã Nghi Sơn trên cơ sở toàn bộ 455,61 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 307.304 người của huyện Tĩnh Gia, có tiếp giáp các huyện Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương; tỉnh Nghệ An và Biển Đông.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị thành lập các phường thuộc thị xã Nghi Sơn, gồm:

Thành lập phường Hải Châu trên cơ sở toàn bộ 9,09 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.195 người của xã Hải Châu, có vị trí giáp phường Hải Ninh, xã Thanh Thủy và huyện Quảng Xương;

Thành lập phường Hải An trên cơ sở toàn bộ 6,26 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 6.528 người của xã Hải An, có vị trí giáp phường Hải Ninh, phường Tân Dân, xã Ngọc Lĩnh và Biển Đông.

Thành lập phường Tân Dân trên cơ sở toàn bộ 9,64 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 8.586 người của xã Tân Dân, có vị trí giáp phường Hải An, phường Hải Lĩnh, các xã Các Sơn, Định Hải, Ngọc Lĩnh và Biển Đông.

Thành lập phường Hải Lĩnh trên cơ sở toàn bộ 8,43 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 7.863 người của xã Hải Lĩnh, có vị trí giáp phường Ninh Hải, phường Tân Dân, xã Định Hải và Biển Đông.

Thành lập phường Ninh Hải trên cơ sở toàn bộ 6,32 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 6.321 người của xã Ninh Hải, có vị trí giáp phường Hải Hòa, phường Hải Lĩnh, xã Định Hải, xã Hải Nhân và Biển Đông.

Thành lập phường Bình Minh trên cơ sở toàn bộ 6,41 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.471 người của xã Bình Minh, có vị trí tiếp giáp các phường Hải Bình, Hải Hòa, Hải Thanh, Nguyên Bình, Xuân Lâm và Biển Đông.

Thành lập phường Hải Thanh trên cơ sở toàn bộ 2,77 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 19.440 người của xã Hải Thanh, có vị trí tiếp giáp phường Bình Minh, phường Hải Bình và Biển Đông

Thành lập phường Xuân Lâm trên cơ sở toàn bộ 9,60 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.799 người của xã Xuân Lâm, có vị trí tiếp giáp các phường Bình Minh, Hải Bình, Nguyên Bình và Trúc Lâm.

Thành lập phường Trúc Lâm trên cơ sở toàn bộ 15,52 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.125 người của xã Trúc Lâm, có vị trí tiếp giáp các phường Hải Bình, Mai Lâm, Nguyên Bình, Tĩnh Hải, Xuân Lâm, xã Phú Lâm và xã Tùng Lâm.

Thành lập phường Hải Bình trên cơ sở toàn bộ 9,54 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 14.774 người của xã Hải Bình, có vị trí tiếp giáp các phường Bình Minh, Hải Thanh, Tĩnh Hải, Trúc Lâm, Xuân Lâm và Biển Đông.

Thành lập phường Hải Thượng trên cơ sở toàn bộ 24,21 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 14.394 người của xã Hải Thượng, có vị trí tiếp giáp phường Mai Lâm, phường Tĩnh Hải, các xã Hải Hà, Hải Yến, Nghi Sơn, Trường Lâm; tỉnh Nghệ An và Biển Đông.

Thành lập phường Hải Hòa trên cơ sở toàn bộ 7,63 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 24.769 người của thị trấn Tĩnh Gia, có vị trí tiếp giáp các phường Bình Minh, Nguyên Bình, Ninh Hải, xã Hải Nhân và Biển Đông.

Thành lập phường Hải Ninh trên cơ sở toàn bộ 10,14 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 15.817 người của xã Hải Ninh, có vị trí tiếp giáp phường Hải An, phường Hải Châu, các xã Ngọc Lĩnh, Thanh Sơn, Thanh Thủy; huyện Quảng Xương và Biển Đông.

Thành lập phường Nguyên Bình trên cơ sở toàn bộ 33,19 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.070 người của xã Nguyên Bình, giáp các phường Bình Minh, Hải Hòa, Trúc Lâm, Xuân Lâm và các xã Định Hải, Hải Nhân, Phú Lâm, Phú Sơn.

Thành lập phường Mai Lâm trên cơ sở toàn bộ 17,80 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 10.985 người của xã Mai Lâm, có vị trí tiếp giáp các phường Hải Thượng, Tĩnh Hải, Trúc Lâm và các xã Tân Trường, Trường Lâm, Tùng Lâm.

Thành lập phường Tĩnh Hải trên cơ sở toàn bộ 6,73 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 11.915 người của xã Tĩnh Hải, có vị trí tiếp giáp các phường Hải Bình, Hải Thượng, Mai Lâm, Trúc Lâm, xã Hải Yến và Biển Đông.

Sau khi thành lập thị xã Nghi Sơn và các phường trực thuộc, thị xã Nghi Sơn có 31 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 16 phường: Bình Minh, Hải An, Hải Bình, Hải Châu, Hải Hòa, Hải Lĩnh, Hải Ninh, Hải Thanh, Hải Thượng, Mai Lâm, Nguyên Bình, Ninh Hải, Tân Dân, Tĩnh Hải, Trúc Lâm, Xuân Lâm và 15 xã: Anh Sơn, Các Sơn, Định Hải, Hải Hà, Hải Nhân, Hải Yến, Nghi Sơn, Ngọc Lĩnh, Phú Lâm, Phú Sơn, Tân Trường, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Trường Lâm, Tùng Lâm.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết nghị việc thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghi Sơn trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Về tổ chức thực hiện, Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ: Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, ổn định bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác và người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tên gọi gắn với địa danh đơn vị hành chính được thành lập mới phải hoàn thành việc đổi tên để hoạt động với tên gọi quy định tại Điều 1 của Nghị quyết này kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2020. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa có 27 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 23 huyện, 02 thị xã và 02 thành phố; 559 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 481 xã, 50 phường và 28 thị trấn./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội