ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NGHE BÁO CÁO CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH COVID-19

23/03/2020

Sáng ngày 23/3, tại phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra, báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, do sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội nên tình trạng khủng hoảng tâm lý xã hội, khủng hoảng trang thiết bị, vật tư y tế liên quan đến chống dịch diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới.

Tất cả các nước đều phải đứng trước sự tính toán, cân nhắc giữa vuệc ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là kiểm soát, hạn chế giao lưu với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và đối ngoại trong thời kỳ toàn cầu hóa.

Tính đến thời điểm hiện tại, việc điều trị chưa có thuốc đặc hiệu và phác đồ điều trị chuẩn. Việc nghiên cứu vắc xin rất khẩn trương, tuy nhiên để có thể đưa vắc xin vào sử dụng phải mất tối thiểu 01 năm.

Công tác phòng chống dịch trong nước đối mặt với nhiều thách thức

Ngay từ đầu, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguy cơ lây nhiễm rất cao do có đường biên giới và giao lưu, giao thương rất nhộn nhịp với Trung Quốc hội. Ở giai đoạn sau, do độ mở nền kinh tế lớn và quan hệ hợp tác rất sâu rộng kể cả với các nước, khu vực được coi là ổ dịch mới như Hàn Quốc, EU nên nguy cơ vẫn rất cao.

Mặc dù đánh giá Việt Nam có năng lực chống dịch bệnh tốt hơn nhiều nước đang phát triển, tuy nhiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng thống nhất với nhận định của Bộ Y tế là Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Một là, việc ngăn chặn dịch bệnh từ bên ngoài rất khó khăn do xung đột với yêu cầu giao thương, giao lưu đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc và quan hệ với các nước láng giếng, các đối tác chiến lược.

Hai là, trong thời đại thông tin trên Internet, mạng xã hội phát triển mạnh, người dân dễ bị tác động bởi thông tin xấu độc gây hoang mang, thậm chí kích động phân biệt, chia rẻ.

Ba là, nếu dịch lây lan rộng trên thế giới, sẽ dẫn tới khan hiếm máy móc, trang thiết bị vật tư y tế.

Bốn là, năng lực đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất trang thiết bị còn khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển, khó đáp ứng được yêu cầu điều trị khi có nhiều ca bệnh trong một thời gian ngắn.

Năm là, việc chống dịch cần sự phối hợp chặt chẽ, thông suốt giữa các ngành các cấp, các lực lượng và năng lực ra quyết định, phản ứng nhanh. Thực tế trong các đợt chống dịch trước đây cho thất đây luôn là điểm còn nhiều bất cập.

Chủ động xây dựng kịch bản phòng chống dịch, không để tình huống xấu nhất xảy ra

Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, ngay từ giữa tháng 12/2019 khi chưa có thông tin rõ rệt về căn bệnh này, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo về việc phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân, trong đó giao Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và điều trị dịch bệnh…bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

Trước diễn biến nhanh phức tạp của tình hình dịch, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành các Công điện 156/CĐ-TTg ngày 02/20/2020, Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 25/02/2020, Chỉ tịch 13/CT-TTg ngày 11/3/2020, tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, tăng cường các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, bố trí nguồn lực cho các hoạt động y tế, bảo đảm môi trường, hỗ trợ kiểm soát phòng, chống dịch.

Thường trực Chính phủ bố trí họp 02 lần/tuần, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch họp 02 ngày/lần; thường xuyên, liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng, chống phù hợp với diễn biến của dịch.

Trong suốt quá trình chống dịch, lãng đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ thường xuyên, liên tục quan tâm, chỉ đạo sát sao và động viên các lực lượng chống dịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut corona gây ra trình bày báo cáo

Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu yêu cầu chống dịch đặt ra là: ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lan rộng; giảm tối đa ca tử vong do dịch bệnh; không để lây nhiễm chéo trong quá trình điều trị người nhiễm bệnh; không để tâm lý xã hội hoảng loạn hoặc lơ là chủ quan; hài hòa giữa yêu cầu chống dịch với yêu cầu quan hệ đối ngoại và phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt trong lần chống dịch này, Chính phủ đã chỉ đạo lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân phối hợp chặt chẽ với ngành y tế ngay từ đầu. Bộ Y tế cũng đã chủ động phối hợp với các ngành dự báo các tình huống và xây dựng 05 kịch bản phòng chống dịch theo các cấp độ; với tinh thần lường đến tình huống xấu hơn để tình huống đó không xấu đi; tính đến tình huống xấu nhất để tình huống đó không xảy ra.

Báo cáo về các biện pháp cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, căn cứ theo tình hình dịch, Chính phủ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát người nhập cảnh nhằm ngăn chặn dịch xâm nhập; phát hiện sớm nhất các trường hợp nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm; thực hiện cách ly; khoanh vùng dịch, dập dịch; tăng cường năng lực điều trị; nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và công tác thông tin, truyền thông bảo đảm chủ động minh bạch thông tin, hướng dẫn góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội và huy động người dân tham gia chống dịch.

Có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nhờ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bằng nhiều giải pháp cụ thể, đến nay về cơ bản Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, song Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý phía trước còn nhiều khó khăn, không ít rủi ro đòi hỏi công tác chống dịch phải tiếp tục được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và phải có các giải pháp phù hợp với thực tiễn dịch bệnh đe dọa lây lan trong cộng đồng.

Tình hình hiện nay có nhiều điểm mới, khác so với giai đoạn ban đầu cần được lưu ý để có giải pháp cụ thể phù hợp. Theo đó, nhóm giải pháp cần phải tăng cường, chú trọng hơn:

Một là tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp, ứng dụng công nghệ thông tin; năng lực xét nghiệm, huy động sự tham gia của người dân để rút ngắn thời gian cần thiết để phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm ngay từ khi nhập cảnh, trong khu cách ly và trong cộng động. Trong đó, việc tăng cường năng lực xét nghiệm là rất cấp bách

Hai là, tăng cường trách nhiệm của chính quyền, y tế cơ sở trong việc tiếp cận, tuyên truyền, hướng dẫn phân nhóm người dân thực hiện các biện pháp tự phòng dịch và chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt chú ý nhóm người cao tuổi, người có bệnh nền, người khuyết tật…để có sự hỗ trợ y tế cần thiết tại chỗ.

Ba là, đảm bảo cơ sở vật chất, vật tư, trang thiết bị cho tình huống nhiều người phải được cách ly, nhiều người mắc bệnh để thực hiện cách ly, điều trị hiệu quả, giảm tối thiểu tỷ lệ tử vong do nhiễm bệnh, đồng thời vẫn phải bảo đảm điều trị đối với các bệnh nhân khác.

Bốn là, chủ động chuẩn bị, thúc đẩy các giải pháp phù hợp trong trường hợp bệnh dịch trên thế giới kéo dài nhằm phát triển sản xuất kinh doanh và đảm bảo các dịch vụ liên quan nhiều tới người dân như y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền vận động để người dân chủ động tham gia chống dịch, sản xuất kinh doanh, sinh hoạt lành mạnh trong điều kiện có dịch; khơi dậy ý thức trách nhiệm của người dân với cộng đồng với đất nước, đấu tranh chống lại tin độc, tin xấu.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng, hạn chế tối thiếu người tử vong./.

Bảo Yến - Trọng Quỳnh