Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình
Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương, Tổng số kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 Quốc hội quyết định là 60.000 tỷ đồng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho các bộ, ngành và địa phương, đạt 78,85% kế hoạch, trong đó một số bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn nước ngoài cao như Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bình Định. Tuy nhiên, cũng có một số bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp như Bộ Y tế , Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình…
Kết quả giải ngân vốn nước ngoài 11 tháng đầu năm có sự chênh lệch rất lớn giữa các bộ, ngành và địa phương, có nơi đạt tỷ lệ giải ngân cao nhưng cũng có nơi tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí một số bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ được hết kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho các dự án. Việc giải ngân vốn chậm do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch không sát với khả năng thực hiện….
Tuy nhiên, đối với các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, việc thiếu kế hoạch vốn đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài trong việc thực hiện các Hiệp định đã ký kết. Các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã cố gắng có sự điều chỉnh trong nội bộ đơn vị, nhưng chưa giải quyết được vấn đề. Từ các lý do trên, nhằm tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương có nhu cầu tăng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019, giải quyết các khó khăn về vốn, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương là cần thiết.
Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt nam, đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2019 phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Việt Nam giai đoạn 2019-2021”. Trong Đề án tái cơ cấu này, ngân sách nhà nước sẽ không cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhưng phải bố trí để thanh toán phần ngân sách nhà nước còn bố trí thiếu cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đến ngày 31 tháng 12 năm 2018. Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án cơ cấu lại Ngân hàng, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phân bổ 9.015 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn hằng năm để thanh toán phần ngân sách nhà nước còn bố trí thiếu cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra
Thẩm tra việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận thấy việc Chính phủ đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài là cần thiết, đúng quy định Nghị quyết số 73/2018/QH14, phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 75 Luật Đầu tư công về thẩm quyền quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định.
Về tính kịp thời của việc điều chỉnh, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, việc giao kế hoạch chậm, chưa giao kế hoạch cho từng dự án đã làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết được Quốc hội quyết định, gây lãng phí nguồn lực. Việc phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài không chỉ trong năm 2019 mà đã diễn ra từ các năm trước, song đến nay chỉ còn chưa đến 1 tháng sẽ kết thúc niên độ tài khóa 2019, nên việc Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn nước ngoài là quá chậm, vượt quá thời hạn điều chỉnh dự toán hàng năm (trước 15/11) theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tế vốn vay đã ký kết hiệp định, nếu không điều chỉnh kế hoạch sẽ không giải ngân được và phải trả phí cam kết, gây lãng phí. Do vậy, Ủy ban thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn nước ngoài để thúc đầy tiến độ giải ngân vốn vay. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể để chấn chỉnh và thúc đẩy tiến độ giải ngân, tránh gây lãng phí nguồn lực, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các Bộ, địa phương có liên quan trong việc chậm trễ phân bổ vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho ý kiến
Cho ý kiến tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng việc trình bổ sung dự toán kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt nam là chưa đúng thẩm quyền, đây là nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, không phải thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, đối vớiviệc điều chỉnh vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương không làm tăng mức tổng đầu tư nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Chính phủ.
Thảo luận tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chỉ ra rằng, thời hạn như báo cáo thẩm tra là rất gấp, nếu bố trí tiếp vốn thì việc giải ngân sẽ khó thực hiện. Hơn nữa, phải đảm bảo phần bố trí vốn vào không được vượt quá tổng mức đầu tư. Do đó, đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu kỹ.
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm việc phân, giao, điều chỉnh chậm sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương; đề nghị Ủy ban Tài chính và Ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện các nội dung một cách chính xác để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo đa số. Đối với nội dung giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt nam, do đây không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vì vậy đề nghị Chính phủ rà soát lại chính xác các số liệu chi, bổ sung dự toán để trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới đây./.