ỦY BAN PHÁP LUẬT THẨM TRA ĐỀ ÁN SẮP XẾP CÁC ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CỦA 08 TỈNH: BẮC GIANG, THÁI NGUYÊN, ĐIỆN BIÊN, LẠNG SƠN, TUYÊN QUANG, HÀ TĨNH, PHÚ YÊN VÀ BÌNH THUẬN

21/11/2019

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 39, chiều tối ngày 21/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 08 tỉnh gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên và Bình Thuận.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo thẩm tra đề án

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Chính phủ và sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cả hệ thống chính trị của các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Phú Yên và Tuyên Quang trong việc quán triệt và khẩn trương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính. Sau khi thực hiện sắp xếp tại 08 tỉnh này, đã giảm được tổng số 104 đơn vị hành chính cấp xã.

Qua xem xét hồ sơ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ các Đề án của Chính phủ đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 32/NQ-CP của Chính phủ. Các Đề án đã được lấy ý kiến của cử tri, của Hội đồng nhân dân ở các đơn vị hành chính chịu ảnh hưởng trực tiếp với tỷ lệ tán thành cao.

Về nội dung thẩm tra, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã của 08 tỉnh như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ. Tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã nêu một số ý kiến đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh giải trình, báo cáo làm rõ thêm về từng nội dung của các Đề án. Cụ thể như sau:

Phiên họp thứ 39 của Uỷ ban Thươmgf vụ Quốc hội

Thứ nhất, đối với việc chưa sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Chính phủ đề nghị trong giai đoạn 2019 – 2021, chưa thực hiện sắp xếp đối với thị xã Hồng Lĩnh và 12 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh, 10 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn và 01 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Trong khi đó, theo yêu cầu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị thì đến năm 2021 phải “cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về 2 tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số”. Vì vậy, Uỷ ban Pháp luật cho rằng, việc chưa thực hiện sắp xếp đối với các trường hợp thuộc diện phải sắp xếp chỉ được áp dụng đối với các trường hợp hết sức đặc thù, hãn hữu. Tuy nhiên, một số lý do nêu trong các Đề án của Chính phủ chưa thật sự thuyết phục; chưa xuất phát từ các đặc điểm nội tại của đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp mà dựa trên định hướng phát triển của đơn vị hành chính đó trong tương lai; một số trường hợp mới chỉ giải trình chung chung, chưa cụ thể. Một số đơn vị hành chính khác đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng Đề án chưa có thuyết minh về dự kiến phương án sắp xếp trong giai đoạn sau năm 2021. Vì vậy, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ và chính quyền các tỉnh giải trình, làm rõ thêm các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử, dân tộc, tôn giáo, cộng đồng dân cư và yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng,… để chưa thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Thứ hai, các đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp vẫn chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định: Qua nghiên cứu các Đề án cho thấy, tỉnh Bắc Giang còn 15 đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định; tỉnh Hà Tĩnh còn 17 đơn vị hành chính; tỉnh Thái Nguyên còn 02 đơn vị hành chính; tỉnh Điện Biên còn 01 đơn vị hành chính. Ủy ban Pháp luật thấy rằng, mặc dù các Đề án đã lý giải các yếu tố đặc thù mà không thể nhập thêm đơn vị hành chính khác liền kề để bảo đảm tiêu chuẩn của các đơn vị hành chính nhưng vẫn còn một số trường hợp việc lý giải chưa thật sự cụ thể, thuyết phục.

Thứ ba, về việc nhập đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị: Một số địa phương đã vận dụng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết số 653 về việc nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị. Tuy nhiên, Đề án chưa nêu rõ phương án, giải pháp đầu tư, phát triển đô thị trong tương lai để các đô thị mới được thành lập đạt tiêu chí của đô thị cùng loại. Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, có trường hợp địa phương vận dụng quy định tại khoản 3 Điều 3 của Nghị quyết số 653 để điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính mà không làm giảm đơn vị hành chính là chưa thực sự phù hợp. Do đó, đề nghị Chính phủ và địa phương bổ sung giải trình về việc bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định, đặc biệt là vấn đề quy hoạch và việc rà soát, đánh giá các tiêu chuẩn của đô thị đối với các đơn vị này sau khi mở rộng theo quy định của Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 1210.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, đại diện Chính phủ (lãnh đạo Bộ Nội vụ) và đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh đã trực tiếp giải trình, báo cáo làm rõ các nội dung mà thành viên Ủy ban nêu. Đồng thời, ngày 20/11/2019, Chính phủ đã có Báo cáo số 586/BC-CP gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc hoàn chỉnh hồ sơ và tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm tra của Ủy ban đối với các Đề án. Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với các nội dung giải trình của Chính phủ và kiến nghị, đề xuất như sau:

Về kiến nghị, đề xuất đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi cân nhắc, thảo luận và nghe ý kiến giải trình của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 08 Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Phú Yên và Tuyên Quang. Về các dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết là ngày 01/01/2020 (dự thảo Chính phủ trình đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký) để các cơ quan, tổ chức và địa phương có thời gian cho công tác chuẩn bị, kiện toàn tổ chức, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của đơn vị hành chính mới được thành lập. Chỉnh lý quy định về vị trí tiếp giáp của các đơn vị hành chính và bổ sung trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc giám sát thi hành Nghị quyết (tương tự như các Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua).

Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp đơn vị hành chính, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các đơn vị hành chính mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Để bảo đảm tiến độ hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua các đề án trong năm 2019 theo kế hoạch của Trung ương, đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong tháng 11 và tháng 12/2019. Đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục. Trong đó, cần lưu ý đến vấn đề bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức dôi dư và những người hoạt động không chuyên trách ở những đơn vị hành chính liên quan đến việc sắp xếp./.

Hồ Hương- Trọng Quỳnh