TÌNH HÌNH KHIẾU NẠI VỀ TƯ PHÁP VẪN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

11/09/2019

Tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp, vẫn còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài.

Tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp

Tại Phiên họp thứ 37, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang nêu rõ, trong thời gian qua, tình hình khiếu nại về tư pháp vẫn diễn biến phức tạp, còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài, đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại gây áp lực rất lớn cho các cơ quan nhà nước nói chung và Tòa án nhân dân nói riêng. 

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang báo cáo tại Phiên họp

Trong 10 tháng qua, các Tòa án nhân dân đã nhận được 20.888 đơn thư các loại. Qua xem xét, rà soát, phân loại có 6.668 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.193 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán; 48 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án (chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức Tòa án có biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án, vi phạm phẩm chất đạo đức hoặc quy chế dân chủ của cơ quan, đơn vị). So với cùng kỳ năm trước, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý mới tăng 571 đơn. Riêng đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán giảm 488 đơn là do trong thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, hội nghị giải đáp trực tuyến nhằm giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cho các Tòa án nên kỹ năng, chất lượng giải quyết các loại vụ việc của đội ngũ công chức có chức danh tư pháp đã được nâng lên, góp phần làm giảm số lượng đơn khiếu nại của các đương sự trong quá trình tố tụng. Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của Toà án nhân dân tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Hầu hết các trường hợp đều chấp hành đúng quy định của pháp luật về thời hạn giải quyết. Chất lượng giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo ngày càng được nâng lên. Số lượng đơn chưa được giải quyết chủ yếu là đơn mới thụ lý, còn trong thời hạn giải quyết hoặc những đơn đã hết thời hạn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng chưa phát hiện tình tiết mới để có thể xem xét theo thủ tục tái thẩm.

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Quy trình xử lý đơn đối với một số vụ việc thiếu thống nhất dẫn đến việc đơn được chuyển đi chuyển lại nhiều lần, ảnh hưởng đến thời hạn xử lý; Việc hướng dẫn, giải thích pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo trong quá trình tiếp dân trong một số trường hợp cụ thể chưa thực sự đầy đủ, nên mặc dù vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu nại;  Một số Chánh án Tòa án nhân dân các cấp chưa giành thời gian tiếp công dân theo đúng quy định của luật.

Nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế được ngành Tòa án xác định là do theo quy định hiện nay, các Tòa án nhân dân cấp cao có nhiệm vụ, thẩm quyền xem xét, giải quyết phần lớn số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, số lượng Thẩm phán, Thẩm tra viên để bố trí cho các Tòa án nhân dân cấp cao còn thiếu nhiều so với nhu cầu công việc. Đây là nguyên nhân chính làm cho tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án nhân dân nói chung và các Tòa án nhân dân cấp cao nói riêng đạt tỷ lệ thấp so với yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, số lượng các loại vụ án mà các Tòa án phải thụ lý, giải quyết trong 10 tháng qua tăng đột biến gây áp lực rất lớn cho các Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Mặt khác, do số lượng vụ việc Tòa án phải xem xét, giải quyết tăng đột biến nên số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi tới các Tòa án nhân cũng có xu hướng gia tăng.

Đề nghị thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thẩm tra báo cáo của Tòa án nhân dân, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và các phương hướng đề ra để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Ủy ban Tư pháp đề nghị Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương áp dụng các giải pháp để khắc phục những nguyên nhân chủ quan liên quan đến trình độ, trách nhiệm chưa cao của một số cán bộ được phân công làm công tác này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo thẩm tra tại Phiên họp

Về việc giải quyết đơn do cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội chuyển đến, đối với Tòa án nhân dân tối cao, trong báo cáo thẩm tra các năm trước, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao bổ sung nội dung về giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Nhà nước và Quốc hội chuyển đến, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, do đó Ủy ban Tư pháp không có căn cứ đánh giá toàn diện về công tác này của Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, qua theo dõi của Ủy ban Tư pháp cho thấy: Tòa án nhân dân các cấp cần quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết đơn do các Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến. Theo phản ánh, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến ngày 31/7/2019, còn 87 đơn do Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chuyển đến chưa được Tòa án nhân dân các cấp trả lời, chiếm tỷ lệ 45,8% tổng số đơn đã chuyển.

Qua thẩm tra báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó chú trọng đến công tác nhân sự, quan tâm bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, trách nhiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Cần tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án, vụ việc bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, qua đó hạn chế đến mức thấp nhấp nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh khiếu nại, tố cáo. Tòa án nhân dân tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra nghiệp vụ của Tòa án cấp trên đối với Tòa án cấp dưới, qua đó kịp thời phát hiện những sai sót trong hoạt động nghiệp vụ, để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục./.

Hồ Hương

Các bài viết khác