CÁC BỘ TRƯỞNG CẦN XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM, NÊU GIẢI PHÁP VÀ LỘ TRÌNH KHẮC PHỤC NHỮNG ĐIỂM CÒN HẠN CHẾ

13/08/2018

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, sáng 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc phiên chất vấn

Đề nghị các Bộ trưởng xác định trách nhiệm và đưa ra giải pháp khắc phục những điểm còn hạn chế

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát qua hình thức chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến, kiến nghị cử tri và dư luận xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn lĩnh vực liên quan hai Bộ: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến và Bộ trưởng Công an Tô Lâm chịu trách nhiệm trả lời chính. Một số thành viên Chính phủ khác sẽ tham gia làm rõ những vấn đề liên quan. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rõ ràng, ngắn gọn; các Bộ trưởng trả lời cụ thể, xác định trách nhiệm và nêu giải pháp, lộ trình khắc phục những điểm còn hạn chế.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến diễn ra dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến có trách nhiệm trả lời về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao. Tham gia tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan còn có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Y tế; Lao động - Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi chất vấn

Giải pháp gì để thực hiện tốt chính sách dân tộc thời gian tới

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nêu rõ, giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc còn cao; thu nhập bình quân thấp so với bình quân của cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc miền núi? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến chỉ ra rằng, thu nhập bình quân với nhiều nhóm dân tộc ở nhiều vùng chỉ được 7-8 triệu/người/năm, bằng 1/5 cả nước. Trên cơ sở thực tế này, Uỷ ban Dân tộc đã tham mưu ban hành quyết định 2085 ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù nhằm giải quyết các vấn đề: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc kỳ vọng với chính sách như vậy có thể tháo gỡ được phần nào những khó khăn cho vùng dân tộc thiểu số.  Về giải pháp cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đưa ra một số giải pháp như : Phát triển đồng bộ hạ tầng, đặc biệt là giao thông và thông tin; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo khu vực miền núi; tạo sinh kế, trong đó quan trọng là ổn định dân cư; tuyên truyền để bà con tự lực, tự vươn lên, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trả lời chất vấn

Đưa ra vấn đề chất vấn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương - Đaonf ĐBQH tỉnh Quảng Bình, đánh giá, thời gian qua có nhiều văn bản pháp luật liên quan chính sách dân tộc thiểu số, tuy nhiên vẫn còn nhiều văn bản cũng chưa được hoàn thiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ tổ chức thế nào, giải pháp gì để thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới?

Trả lời mối quan tâm của đại biểu, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nêu rõ, về tổng thể các chính sách dân tộc bao phủ hầu hết các mặt từ y tế, văn hoá giáo dục, hạ tầng, sinh kế... Tuy nhiên, trên thực tế, chính sách này chưa thực sự hiệu quả vì một số nguyên nhân sau: có chính sách chỉ khung, chưa xác định rõ nguồn lực; có chính sách chưa cân đối hoặc cân đối thấp; chính sách kéo dài tương ứng nhiệm kỳ nên giữa hai nhiệm kỳ thì chính sách chưa được triển khai liên tục; đồng bào sinh sống ở nơi khó khăn về địa lý,  khí hậu, thiếu đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các địa phương ủng hộ nghiên cứu tích hợp chính sách thành Chương trình mục tiêu Quốc gia 10 năm để khắc phục những điểm còn tồn tại và góp phần thực hiện tốt hơn nữa nhiều chính sách dân tộc./.

Hồ Hương- Nhóm ảnh