ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

08/08/2018

Chiều ngày 08/8, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Toàn cảnh phiên họp

Trình bày Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật tại Tổ và tại Hội trường. Sau kỳ họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình quy định.

Về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi, bổ sung các khái niệm liên quan đến mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học, bao gồm trường đại học và đại học. Cụ thể, trường đại học, học viện (là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đơn lĩnh vực hoặc đa lĩnh vực có: khoa, bộ môn; trường và viện nghiên cứu (nếu có) và một số đơn vị trực thuộc khác; Đại học là cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực, trong đó có ít nhất năm lĩnh vực chuyên ngành và hai ngành khoa học cơ bản đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có các trường đại học thành viên, viện nghiên cứu thành viên và một số đơn vị trực thuộc khác. Đại học quốc gia là đại học công lập thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về giáo dục đại học; Trường đại học thành viên là trường đại học trực thuộc đại học, do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định thành lập, được tự chủ theo quy định của pháp luật đối với các trường đại học, phù hợp với quy chế tổ chức và hoạt động của đại học; Trường là bộ phận của đại học hoặc của trường đại học đa lĩnh vực được thành lập theo quyết nghị của hội đồng trường; phụ trách đào tạo một hoặc một số lĩnh vực liên quan; có cơ cấu tổ chức và được quyền tự chủ theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học. Ngoài ra, các viện nghiên cứu khoa học do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ phối hợp với các cơ sở giáo dục đại học để đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định.

Đối với nội dung về giáo dục đại học tư thục, Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật nêu rõ, tiếp thu ý kiến đại biểu dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về trường tư thục, trường tư thục không vì lợi nhuận. Về tài chính, tài sản của trường tư thục, dự thảo luật được chỉnh lý, bổ sung theo hướng quy định rõ về tính chất sở hữu và tài chính, tài sản của nhà trường, quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của nahf đầu tư thành lập trường tư thục và mối liên quan với Hội đồng trường tư thục.

Về trách nhiệm trích tái đầu tư, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị cân nhắc làm rõ đây là quyền hạn của nhà đầu tư hay của hội đồng trường để rõ ràng trong quá trình triển khai; phần tái đầu tư của cơ sở Giáo dục đại học tư thục được tính vào chi phí trước thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo

Theo dự thảo, cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận là cơ sở giáo dục mà nhà đầu tư cam kết và thực hiện cam kết: không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển nhà trường. Trong nội dung này, Thường trực Ủy ban đề nghị nghiên cứu quy định về các hoạt động phí đào tạo trong các trường tư thục không vì lợi nhuận  được triển khi như một dịch vụ thông thường có chia lãi và chịu thuế.

Tiếp thu ý kiến đại biểu tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ khái niệm tự chủ là quyền được tự xác định mục tiêu, lựa chọn cách thức thực hiện mục tiêu; tự quyết định, có trách nhiệm giải trình về các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của cơ sở giáo dục đại học.

Đối với nội dung về trách nhiệm giải trình, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định chi tiết các nội dung mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan, đặc biệt là trách nhiệm thực hiện kiểm toán độc lập về tài chính, thực hiện công khai về chất lượng, công khai mức học phí, các khoản thu phí dịch vụ của nhà trường cũng như chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện các quy định, cam kết bảo đảm chất lượng hoạt động.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, một số ý kiến đề nghị quy định rõ nội dung, mức độ, lộ trình, thời gian, các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cơ sở giáo dục đại học ở từng loại hình, khu vực và gắn với việc đổi mới, quản trị đại học. Đồng thời đề nghị tăng cường kiểm định và công khai chất lượng đào tạo và làm rõ các yêu cầu, nội dung, phương thức thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, về cơ bản, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của Ban soạn thảo và đồng ý với hồ sơ Dự án Luật.

Các đại biểu tại phiên họp

Đánh giá dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Giáo dục đại học đã tiếp thu tương đối đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhận thấy, một số Điều của dự thảo Luật quá dài, có Điều dài đến 3, 4 trang. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh dự thảo Luật theo hướng ngắn gọn, xúc tích hơn.

Tại phiên họp, một số ý kiến đại biểu đề nghị định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong điều kiện thực hiện tự chủ của các trường đại học và tách bạch giữa quản lý nhà nước và quản trị của cơ sở giáo dục đại học; xem xét xóa bỏ cơ chế chủ quản đối với trường đại học; tái cấu trúc mạng lưới theo hướng tinh gọn, hiệu quả; quy định rõ về xếp hạng đại học theo thông lệ quốc tế, có cơ chế cho chuyển đổi mục đích hoạt động của các loại hình trường.

Ngoài ra, các nội dung liên quan đến vấn đề về trách nhiệm của Nhà nước, quản lý Nhà nước đối với giáo dục đại học; tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của các nhà trường; mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học; trần học phí; việc thành lập Hội đồng trường… cũng được các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội; đề nghị Ủy ban thẩm tra và Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp, rà soát kỹ các nội dung sửa đổi để hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV.

Thu Phương - Nhóm ảnh

Các bài viết khác