Thông qua Nghị quyết Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước

14/03/2017

Chiều 14/3, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 8, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thực hiện kết luận của Ủy ban thường vụ, ngay sau phiên họp, thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ để chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Cụ thể:

Về cách viết hoa trong văn bản, đa số ý kiến của các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành với quy định về cách viết hoa trong văn bản để thống nhất cách sử dụng và cho rằng cần tham khảo các quy định về cách viết hoa của Chính phủ; nếu chưa hợp lý thì báo cáo lại với Ủy ban thường vụ Quốc hội để đề nghị Chính phủ sửa đổi. Thành viên Ủy ban thường vụ cũng đề nghị cần có phụ lục chi tiết về những trường hợp viết hoa để thống nhất khi đi vào thực hiện.

Về vấn đề cách viết hoa, thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, cách viết hoa trong văn bản cần được sử dụng thống nhất trong toàn bộ hệ thống pháp luật, không nên có sự khác biệt giữa các văn bản của Quốc hội với văn bản của Đảng, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức khác. Trên cơ sở ý kiến của nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh lý theo hướng quy định  chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt và theo hướng dẫn tại Phụ lục kèm theo (đã được rà soát, bổ sung thống nhất với cách viết hoa trong các văn bản của Đảng, của Chính phủ, cơ quan, tổ chức hiện nay).

Về cách thể hiện bố cục văn bản, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị không quy định về bố cục nhỏ hơn điểm để bảo đảm phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về vấn đề này, thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bố cục của văn bản quy phạm pháp luật có thể gồm: phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm; không có quy định về bố cục nhỏ hơn điểm. Vì vậy, trong dự thảo Nghị quyết không bổ sung bố cục mới so với quy định của Luật.

Về quy định sử dụng ngôn ngữ trong văn bản, ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật là ngôn ngữ pháp lý, theo văn phong pháp lý. Do đó, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết chỉ quy định “Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản là tiếng Việt; cách diễn đạt phải chính xác, rõ ràng, dễ hiểu”. Đồng thời, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đã bỏ quy định “không dùng từ ngữ địa phương, từ ngữ cổ và từ ngữ thông tục”.

Về việc sử dụng từ ngữ viết tắt trong văn bản quy phạm pháp luật, về nguyên tắc là rất hạn chế. Để bảo đảm không hiểu sai từ ngữ viết tắt trong văn bản thì phải giải thích nội dung của từ ngữ đó tại lần sử dụng đầu tiên hoặc tại một điều về giải thích từ ngữ viết tắt.

Về việc sử dụng từ ngữ phiên âm tiếng nước ngoài, cũng giống từ ngữ viết tắt, cần hạn chế, chỉ trong trường hợp không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế. Vì việc phiên âm tiếng nước ngoài ra tiếng Việt đang được thực hiện rất khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều từ nước ngoài thông dụng, phổ thông cũng đã được sử dụng nguyên gốc trong một số văn bản luật đã được thông qua. Vì vậy, kế thừa quy định của Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11, phù hợp với thực tiễn lập pháp, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc chỉ được sử dụng từ ngữ nước ngoài trong văn bản khi không có từ ngữ tiếng Việt tương ứng để thay thế.

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành cao với các nội dung của Dự thảo Nghị quyết. Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

+ Nghị quyết Quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước gồm 4 chương, 40 điều. Nghị quyết này quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội là một bên chủ thể ban hành. Nghị quyết này không quy định thể thức và kỹ thuật trình bày Hiến pháp và văn bản sửa đổi Hiến pháp.

Nghị quyết số 1139/2007/UBTVQH11 ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Quy chế về kỹ thuật trình bày dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban hường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực.

Hồ Hương