NỘI LUẬT HOÁ NHỮNG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ LIÊN QUAN ĐẾN AN NINH, TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI

14/06/2023

Báo cáo về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh lại ưu tiên trong hoạt động lập pháp về Quốc phòng an ninh là “Chú trọng việc nội luật hoá những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LỚN GIẢI TRÌNH, TIẾP THU, CHỈNH LÝ, HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ

Quang cảnh phiên họp.

Chiều 14/6 tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, các ĐBQH đã thảo luận tại Tổ (chiều 27/5/2023) và Hội trường (chiều 02/6/2023) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; đã có 111 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu (99 lượt ý kiến tại Tổ và 12 lượt ý kiến tại Hội trường). Các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Luật do Chính phủ trình, đồng thời tham gia một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đa số các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đều được cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan thống nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp.

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, về sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 33 về khai báo tạm trú, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài tạm trú ở khu vực biên giới để phù hợp với các Hiệp định có liên quan và quy định của Luật Biên phòng Việt Nam.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng đã và đang tiếp nhận đăng ký tạm trú của người nước ngoài tại khu vực biên giới theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đất liền và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Lào năm 2016. Hơn nữa, một trong những ưu tiên trong hoạt động lập pháp về Quốc phòng an ninh là “Chú trọng việc nội luật hoá những điều ước quốc tế mà Nhà nước ta là thành viên liên quan đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Do đó, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung “trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” để bảo đảm tương thích với Hiệp định trên; đồng thời, bổ sung “đồn, trạm Biên phòng có trách nhiệm thông báo ngay cho Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi người nước ngoài tạm trú” để cơ quan công an thống nhất trong quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị giữ nguyên nội dung như dự thảo Luật, vì cần phải quy định thống nhất một đầu mối tiếp nhận thông tin khai báo tạm trú là cơ quan Công an, sau đó thông báo cho Đồn Biên phòng nơi có cơ sở lưu trú đối với khu vực biên giới theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật hiện hành.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an dự phiên họp.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành rà soát và đề nghị bổ sung sửa đổi nội dung “dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ” tại khoản 1 và khoản 2 Điều 49 của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thành “dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ” để bảo đảm thống nhất với dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nhấn mạnh, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cơ bản thống nhất quan điểm và nội dung về một số vấn đề cơ bản của dự thảo Luật sau khi tiếp thu ý kiến ĐBQH.

Cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng đề nghị rà soát, bổ sung Đồn Biên phòng, Trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài tạm trú ở khu vực biên giới để phù hợp với các Hiệp định liên quan đến quản lý biên giới, cửa khẩu trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng và quy định của Luật Biên phòng. Các đại biểu cũng cho ý kiến về trách nhiệm của cơ quan có liên quan trong việc ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế liên quan đến tiếp nhận công dân Việt Nam…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận nội dung phiên họp.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao báo cáo của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các vị ĐBQH vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề khai báo tạm trú (Điều 33), Chủ tịch Quốc hội thống nhất với ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về đề nghị bổ sung “trường hợp đồn, trạm Biên phòng tiếp nhận khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, đồng thời đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thống nhất, phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5./.

Trọng Quỳnh - Phạm Thắng

Các bài viết khác