NGHỊ QUYẾT SỐ 26/2022/UBTVQH15 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ QUYẾT SỐ 1210/2016/UBTVQH13 ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ PHÂN LOẠI ĐÔ THỊ

30/09/2022

Ngày 30/9, thực hiện quy định tại khoản 2, Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã công bố Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

  ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

---------------------------

Nghị quyết số: 26/2022/UBTVQH15

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------------

   

NGHỊ QUYẾT

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị

 

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14; 

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 40/2019/QH14 và Luật số 61/2020/QH14;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:

“Điều 2. Mục đích, nguyên tắc phân loại đô thị

1. Phân loại đô thị nhằm xác lập cơ sở đánh giá chất lượng đô thị; tổ chức, sắp xếp và quản lý, phát triển hệ thống đô thị, các khu vực nội thành, nội thị, ngoại thành, ngoại thị, thị trấn, khu vực dự kiến thành lập quận, phường; phản ánh đúng trình độ phát triển đô thị, đô thị hóa; làm căn cứ cho công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, hoạch định chính sách phát triển đô thị; thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng và điều kiện sống đô thị.

2. Phân loại đô thị được thực hiện trên cơ sở quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị các cấp để quản lý phát triển đô thị, bảo đảm phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đô thị, khu vực dự kiến hình thành đô thị, khu vực dự kiến thành lập quận, phường được quy hoạch đô thị và đầu tư xây dựng đạt tiêu chí, tiêu chuẩn của loại đô thị nào thì được phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị theo quy định của loại đô thị tương ứng.

4. Phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị, đánh giá tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường là một trong những cơ sở để xem xét thành lập, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị, sắp xếp đơn vị hành chính. Phạm vi phân loại đô thị, đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được công nhận phải trùng với phạm vi dự kiến thành lập, điều chỉnh đơn vị hành chính đô thị.

5. Phân loại đô thị được áp dụng theo vùng miền, theo yếu tố đặc thù và thực hiện bằng phương pháp tính điểm. Điểm phân loại đô thị là tổng số điểm đạt được của các tiêu chí phân loại đô thị.”.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 9 như sau:

“Điều 9. Áp dụng phân loại đô thị

1. Áp dụng phân loại đô thị theo vùng miền xác định theo danh mục quy định tại Phụ lục 4 của Nghị quyết này được thực hiện như sau:

a) Đô thị thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Đông Nam Bộ thì các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng;

b) Đô thị thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số bằng 60% mức quy định; mức tối thiểu của tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị bằng 50% mức quy định; các tiêu chí khác thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng;

c) Đô thị thuộc vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số bằng 80% mức quy định; mức tối thiểu của tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị bằng 70% mức quy định; các tiêu chí khác thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng;

d) Đô thị thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số bằng 70% mức quy định; mức tối thiểu của tiêu chuẩn mật độ dân số toàn đô thị bằng 50% mức quy định; các tiêu chí khác thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng.

2. Đô thị có yếu tố đặc thù thì việc đánh giá các tiêu chuẩn tại Bảng 1A, tiêu chuẩn 3 tại Bảng 1B, tiêu chuẩn 1 tại mục II.1 của Bảng 5A tại Phụ lục 1 của Nghị quyết này được thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng; các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị còn lại được áp dụng như sau:

a) Đô thị có đường biên giới quốc gia thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số, tiêu chí mật độ dân số bằng 50% mức quy định; mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 70% mức quy định của loại đô thị tương ứng;

b) Đô thị ở hải đảo thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số, tiêu chí mật độ dân số, tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp và nhóm tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội bằng 20% mức quy định; mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng;

c) Đô thị loại III, loại IV, loại V thuộc danh mục đơn vị hành chính được cơ quan có thẩm quyền xác định là miền núi, vùng cao thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn của tiêu chí quy mô dân số, tiêu chí mật độ dân số bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng, mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 70% mức quy định của loại đô thị tương ứng;

d) Khu vực dự kiến hình thành đô thị loại V là trung tâm hành chính của huyện thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì mức tối thiểu của các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị bằng 70% mức quy định; mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng;

đ) Khu vực dự kiến hình thành đô thị và các đô thị trực thuộc để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) công nhận thì không xem xét tiêu chí mật độ dân số; các tiêu chuẩn về kiến trúc, cảnh quan đô thị của tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị thực hiện theo quy định đối với loại đô thị tương ứng; mức tối thiểu của các tiêu chuẩn khác bằng 50% mức quy định của loại đô thị tương ứng.

3. Chỉ áp dụng một trong các quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để đánh giá các tiêu chí, tiêu chuẩn khi thực hiện phân loại đô thị đối với từng đô thị cụ thể và áp dụng khi các tiêu chuẩn chưa đạt mức tối thiểu theo quy định.

4. Trường hợp để đáp ứng yêu cầu đặc biệt về quản lý lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội thì việc phân loại đô thị có thể thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính đô thị.”.        

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

“Điều 10. Tính điểm phân loại đô thị

1. Các tiêu chí phân loại đô thị được xác định bằng các tiêu chuẩn cụ thể và được tính điểm theo khung điểm phân loại đô thị quy định tại Phụ lục 1 của Nghị quyết này. Điểm của mỗi tiêu chí là tổng số điểm của các tiêu chuẩn của tiêu chí đó. Tổng số điểm tối đa của các tiêu chí là 100 điểm. Cụ thể như sau:

a) Tiêu chí vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội gồm 08 tiêu chuẩn; đánh giá tối thiểu là 13,5 điểm, tối đa là 18 điểm;

b) Tiêu chí quy mô dân số gồm 02 tiêu chuẩn là quy mô dân số toàn đô thị và quy mô dân số khu vực nội thành, nội thị; đánh giá tối thiểu là 6,0 điểm, tối đa là 8,0 điểm;

c) Tiêu chí mật độ dân số gồm 02 tiêu chuẩn là mật độ dân số toàn đô thị và mật độ dân số tính trên diện tích đất xây dựng đô thị khu vực nội thành, nội thị, thị trấn; đánh giá tối thiểu là 6,0 điểm, tối đa là 8,0 điểm;

d) Tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp gồm 02 tiêu chuẩn là tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thành, nội thị; đánh giá tối thiểu là 4,5 điểm, tối đa là 6,0 điểm;

e) Tiêu chí trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc, cảnh quan đô thị gồm 49 tiêu chuẩn; đánh giá tối thiểu là 45 điểm, tối đa là 60 điểm.

2. Định mức, phân bổ và phương pháp tính điểm, phương pháp thu thập, tính toán số liệu của từng tiêu chuẩn của các tiêu chí phân loại đô thị, trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị được quy định tại các Phụ lục 1, 2 và 3 của Nghị quyết này.

3. Cách tính điểm của các tiêu chuẩn được quy định như sau:

a) Số liệu, thông tin làm căn cứ để xác định mức độ đáp ứng tiêu chuẩn đạt mức tối đa thì tiêu chuẩn đó được tính điểm tối đa, đạt mức tối thiểu được tính điểm tối thiểu, đạt giữa mức tối đa và mức tối thiểu được tính điểm nội suy giữa cận trên và cận dưới, đạt dưới mức quy định tối thiểu thì không tính điểm, không áp dụng tính điểm nội suy đối với việc đánh giá tiêu chuẩn quy định tại khoản 3 Điều 9 của Nghị quyết này. Trường hợp không xem xét tiêu chí quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này thì tính điểm tối thiểu cho các tiêu chuẩn của tiêu chí đó;

b) Đối với thành phố trực thuộc trung ương, điểm đánh giá các tiêu chuẩn áp dụng đối với khu vực nội thành quy định tại Phụ lục 1 của Nghị quyết này được xác định trên cơ sở các quận, khu vực dự kiến thành lập quận;

c) Trường hợp áp dụng phân loại đô thị quy định tại khoản 2 Điều 9 của Nghị quyết này mà tiêu chuẩn có đơn vị tính là công trình, cơ sở, dự án (gọi chung là công trình) quy định mức tối thiểu là 01 công trình thì được tính điểm tối thiểu đối với tiêu chuẩn đó khi có 01 công trình; trường hợp quy định mức tối thiểu là từ 02 công trình trở lên thì số công trình dùng để tính điểm tối thiểu được giảm tương ứng theo tỷ lệ và làm tròn số nhưng không được ít hơn 01 công trình.

4. Đô thị được công nhận loại đô thị khi có các tiêu chí đạt điểm tối thiểu và tổng số điểm của các tiêu chí đạt từ 75 điểm trở lên.”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

“Điều 12. Lập, thẩm định đề án phân loại đô thị

1. Các trường hợp lập đề án phân loại đô thị bao gồm:

a) Phân loại đô thị trên cơ sở nguyên trạng thành phố, thị xã, thị trấn hiện có;

b) Phân loại đô thị đối với thành phố, thị xã, thị trấn có dự kiến điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính không trùng với phạm vi đô thị hiện có;

c) Phân loại đô thị đối với khu vực dự kiến hình thành đô thị trong tương lai.

2. Trách nhiệm lập đề án phân loại đô thị được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập đề án phân loại đô thị cho đô thị loại đặc biệt và loại I là thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi gửi đến cơ quan thẩm định;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập đề án phân loại đô thị cho đô thị loại I là thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại II, loại III, loại IV trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi gửi đến cơ quan thẩm định;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập đề án phân loại đô thị cho đô thị loại V trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi gửi đến cơ quan thẩm định.

3. Đề án đề nghị công nhận đô thị đạt tiêu chí phân loại đô thị gồm:

a) Phần thuyết minh đề án nêu rõ sự cần thiết, căn cứ pháp lý, phạm vi lập báo cáo; khái quát quá trình lịch sử hình thành và phát triển của đô thị; thực trạng đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt; đánh giá hiện trạng phát triển đô thị và chất lượng công trình hạ tầng đô thị, tổng hợp thông tin, số liệu theo các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị và đánh giá mức độ đáp ứng yêu cầu về phân loại đô thị; báo cáo tóm tắt chương trình phát triển đô thị và kế hoạch nâng cao chất lượng đô thị các giai đoạn tiếp theo; kết luận và kiến nghị;

b) Các phụ lục kèm theo đề án gồm văn bản pháp lý; ý kiến của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với đề án quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; bảng biểu số liệu liên quan và bản vẽ thu nhỏ (A3) được đóng dấu xác nhận gồm sơ đồ vị trí mối liên hệ vùng (01 bản), bản đồ địa giới hành chính đô thị (01 bản), bản đồ hiện trạng xây dựng đô thị và vị trí các dự án đang triển khai thực hiện (01 bản), sơ đồ định hướng phát triển không gian (01 bản), bản đồ quy hoạch giai đoạn ngắn hạn (02 bản thể hiện các nội dung quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng kỹ thuật); báo cáo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 13 của Nghị quyết này đối với các đô thị hiện có trên địa bàn trong trường hợp đề án phân loại đô thị loại đặc biệt, loại I để dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương.

Số liệu đánh giá các tiêu chuẩn của phân loại đô thị là số liệu tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề với năm gửi đề án đến cơ quan thẩm định và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, xác nhận hoặc công bố;

c) Phim minh họa thực trạng phát triển của đô thị đề nghị phân loại (khoảng 20 phút).

4. Trách nhiệm thẩm định đề án được quy định như sau:

a) Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định đề án phân loại đô thị đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III và loại IV; Bộ trưởng Bộ Xây dựng thành lập hội đồng thẩm định liên ngành; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có liên quan tổ chức khảo sát để phục vụ việc thẩm định và tổ chức thẩm định đề án;

b) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định đề án phân loại đô thị đối với đô thị loại V; thực hiện rà soát, kiểm tra hồ sơ đề án phân loại đô thị đối với đề án khác do Ủy ban nhân dân cấp huyện lập; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan chuyên môn của bộ, ngành có liên quan tổ chức khảo sát để phục vụ thẩm định và tổ chức việc thẩm định đề án;

c) Cơ quan thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định đề án theo nội dung quy định tại khoản 6 Điều này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình thẩm định đề án; trình người có thẩm quyền quyết định phân loại đô thị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có kết quả thẩm định và hồ sơ đề án phân loại đô thị đã được hoàn thiện theo kết quả thẩm định.  

5. Hồ sơ trình thẩm định đề án gồm tờ trình của Ủy ban nhân dân, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp và hồ sơ đề án phân loại đô thị được lập theo quy định tại khoản 3 Điều này.

6. Nội dung thẩm định đề án gồm:

a) Cơ sở pháp lý, trình tự, thủ tục lập đề án;

b) Sự phù hợp với các quy hoạch, quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Rà soát, khảo sát, kiểm tra thực trạng phát triển đô thị, đối chiếu thông tin, số liệu theo các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị trong nội dung đề án với các mức quy định tại Nghị quyết này;

d) Đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị.

7. Người có thẩm quyền phân loại đô thị quy định tại Điều 11 của Nghị quyết này có trách nhiệm xem xét, quyết định công nhận loại đô thị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình, đề án phân loại đô thị và báo cáo thẩm định.

8. Kinh phí phân loại đô thị do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn hợp pháp khác.”.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

“Điều 13. Lập, thẩm định báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị, báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị

1. Các trường hợp lập báo cáo bao gồm:

a) Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị được thực hiện đối với đô thị đã được công nhận loại đô thị có dự kiến mở rộng nội thành, nội thị để thành lập quận, phường nhưng không điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính toàn đô thị;

b) Báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị được thực hiện đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường;

c) Báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị được thực hiện đối với đô thị đã được công nhận loại đô thị, trừ khu vực dự kiến thành lập quận, phường, thuộc phạm vi khu vực dự kiến phân loại đô thị loại đặc biệt, loại I để thành lập thành phố trực thuộc trung ương.

2. Trách nhiệm lập báo cáo được quy định như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị loại đặc biệt và loại I là thành phố trực thuộc trung ương,  báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của khu vực dự kiến thành lập quận trong trường hợp có phạm vi liên quan đến nhiều đơn vị hành chính cấp huyện để bổ sung vào hồ sơ đề án phân loại đô thị hoặc gửi cơ quan thẩm định;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với các đô thị loại I là thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, đô thị loại II, loại III, loại IV, loại V trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung vào hồ sơ đề án phân loại đô thị hoặc gửi cơ quan thẩm định;

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của khu vực dự kiến thành lập quận, phường, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi cơ quan thẩm định;

d) Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc rà soát, kiểm tra hồ sơ báo cáo trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

3. Nội dung báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị gồm:

a) Thuyết minh nêu lý do và sự cần thiết, căn cứ pháp lý, phạm vi lập báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị, sự phù hợp của đề xuất mở rộng nội thành, nội thị để thành lập quận, phường với quy hoạch chung đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; khái quát hiện trạng phát triển đô thị, việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cấp đô thị tại các khu vực có dự kiến mở rộng đáp ứng tiêu chí phân loại đô thị; mức độ đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn so với kết quả đánh giá phân loại đã được công nhận loại đô thị; tổng hợp đánh giá phân loại đô thị theo quy định tại Phụ lục 1 của Nghị quyết này; kết luận và kiến nghị;

b) Phụ lục kèm theo báo cáo rà soát gồm văn bản pháp lý; ý kiến của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với báo cáo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này; bảng biểu số liệu liên quan và bản vẽ thu nhỏ (A3) được đóng dấu xác nhận gồm bản đồ địa giới hành chính đô thị trong đó thể hiện rõ phạm vi mở rộng nội thị (01 bản), bản đồ hiện trạng xây dựng đô thị và vị trí các dự án đang triển khai thực hiện (01 bản), các bản đồ quy hoạch chung đô thị trong đó thể hiện rõ định hướng phát triển không gian, sử dụng đất phát triển nội thành, nội thị.

4. Nội dung báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của khu vực dự kiến thành lập quận, phường gồm:

a) Thuyết minh nêu rõ sự cần thiết, căn cứ pháp lý, phạm vi lập báo cáo, sự phù hợp của đề xuất thành lập quận, phường mới với quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết, chương trình phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; khái quát việc triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực có dự kiến hình thành quận, phường theo quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt; tổng hợp đánh giá các tiêu chuẩn theo quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết này; kết luận và kiến nghị;

b) Phụ lục kèm theo báo cáo đánh giá gồm văn bản pháp lý; ý kiến của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với báo cáo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này; bảng biểu số liệu liên quan và bản vẽ thu nhỏ (A3) được đóng dấu xác nhận gồm bản đồ địa giới hành chính dự kiến thành lập quận hoặc phường (01 bản), bản đồ hiện trạng xây dựng đô thị và vị trí công trình hạ tầng cấp đô thị, đơn vị ở, các dự án đang triển khai thực hiện tại khu vực dự kiến thành lập quận, phường (01 bản), các bản đồ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết trong đó thể hiện rõ định hướng phát triển không gian, sử dụng đất tại khu vực dự kiến hình thành các quận hoặc phường mới.

5. Số liệu sử dụng để rà soát, đánh giá trong các báo cáo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này là số liệu tính đến ngày 31 tháng 12 của năm trước liền kề với năm thực hiện báo cáo và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp, xác nhận hoặc công bố.

6. Trách nhiệm thẩm định các báo cáo được quy định như sau:

a) Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức khảo sát; phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan lấy ý kiến thống nhất về kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV quy định tại điểm a khoản 1 Điều này và báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận, phường quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Bộ Xây dựng có trách nhiệm tổ chức thẩm định các báo cáo theo nội dung quy định tại khoản 8 Điều này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ trình thẩm định báo cáo; trình người có thẩm quyền quy định tại khoản 9 Điều này xem xét, quyết định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hồ sơ báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị, báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đã được hoàn thiện theo kết quả thẩm định.

7. Hồ sơ trình thẩm định báo cáo gồm tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và báo cáo quy định tại khoản 3 hoặc khoản 4 Điều này.

8. Nội dung thẩm định báo cáo gồm:

a) Đối với báo cáo rà soát tiêu chí phân loại đô thị, nội dung thẩm định báo cáo thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 12 của Nghị quyết này;

b) Đối với báo cáo đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị của khu vực dự kiến thành lập quận, phường thực hiện thẩm định đối với các nội dung cụ thể gồm cơ sở pháp lý; sự phù hợp với quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết, chương trình phát triển đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực trạng phát triển hạ tầng đô thị đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 2 của Nghị quyết này.

9. Thẩm quyền công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị, công nhận đạt tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ có văn bản công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II;

b) Bộ trưởng Bộ Xây dựng có văn bản công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị loại III, loại IV; quyết định công nhận khu vực dự kiến thành lập quận, phường đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị;

c) Người có thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản này xem xét, ban hành văn bản, quyết định công nhận trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm định và hồ sơ báo cáo đã được hoàn thiện theo kết quả thẩm định. Trường hợp người có thẩm quyền không công nhận kết quả rà soát, đánh giá hoặc nhận thấy có yếu tố phát sinh có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc đáp ứng các tiêu chí phân loại đô thị cần thực hiện đánh giá, phân loại lại đô thị thì Bộ Xây dựng có văn bản nêu rõ lý do, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trình báo cáo.

10. Kinh phí lập báo cáo do ngân sách nhà nước bảo đảm và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác.”.

6. Bãi bỏ Điều 14.

7. Thay thế Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 bằng Phụ lục 1, Phụ lục 2, Phụ lục 3 và bổ sung Phụ lục 4 ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các quyết định phân loại đô thị đã được ban hành trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành tiếp tục có hiệu lực cho đến khi đô thị được phân loại lại theo quy định của pháp luật.

2. Thành phố, thị xã, thị trấn đã có quyết định công nhận loại đô thị trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành nhưng phạm vi phân loại đô thị không trùng với địa giới đơn vị hành chính được thành lập thì tổ chức phân loại lại đô thị theo quy định của Nghị quyết này.

3. Trường hợp đề án phân loại đô thị đã được gửi đến cơ quan thẩm định trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị và thực hiện việc thẩm định, công nhận loại đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13.

4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện rà soát, lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện chương trình phát triển đô thị đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III đã được công nhận loại đô thị trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành và các quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan, bảo đảm đến năm 2025 phải hoàn thiện các tiêu chuẩn của tiêu chí phân loại đô thị về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị, chú trọng hạ tầng về y tế, giáo dục, đào tạo và công trình văn hóa cấp đô thị.


Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 năm 2022   thông qua ngày 21 tháng 9 năm 2022.

                           

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH

 

(Đã ký)

 

     Vương Đình Huệ

 

Các bài viết khác