Toàn cảnh Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Trong công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán thời gian qua, bên cạnh nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán năm, Kiểm toán nhà nước cũng đã tập trung nâng cao chất lượng kế hoạch kiểm toán từng cuộc kiểm toán, chú trọng kiểm toán tổng hợp để đánh giá sâu và toàn diện hơn việc quản lý, điều hành của từng cấp, từng đơn vị cũng như tập trung đánh giá tính hiệu lực của cơ chế chính sách, do vậy chất lượng kiểm toán được nâng lên rõ rệt. Cùng với việc triển khai kế hoạch kiểm toán năm 2022, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn 2023-2025 và kế hoạch kiểm toán năm 2023, theo đó tăng số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, công nghệ thông tin theo Chiến lược phát triển đã đề ra; thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo toàn ngành triển khai nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả kiểm toán. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, thường xuyên chỉ đạo nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ và tăng cường các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; chú trọng nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin lập kế hoạch cuộc kiểm toán. Đặc biệt, để triển khai cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ” đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc kiểm toán; tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, các tổ chức, hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch,... về mục tiêu, nội dung, phạm vi, giới hạn và phương thức tổ chức cuộc kiểm toán. Công tác khảo sát chất lượng kiểm toán và thanh tra công vụ được coi trọng nên đã góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, phòng ngừa rủi ro kiểm toán, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm của cán bộ, công chức; đồng thời tiếp tục duy trì chấm điểm từng thành viên đoàn kiểm toán và chấm điểm các đoàn kiểm toán đạt chất lượng vàng để khen thưởng, bình xét thi đua cũng như đánh giá năng lực cán bộ khi xem xét bổ nhiệm, quy hoạch.
Đến 31/8/2022 đã xét duyệt 200 kế hoạch kiểm toán, triển khai 184/231 đoàn kiểm toán; kết thúc kiểm toán 140 cuộc, xét duyệt 202 dự thảo Báo cáo kiểm toán; phát hành 162 dự thảo Báo cáo kiểm toán. Các cuộc kiểm toán kết thúc đảm bảo đạt mục tiêu, tiến độ và phát hành dự thảo Báo cáo kiểm toán đúng luật định; Kiểm toán viên chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động đoàn Kiểm toán nhà nước, Quy tắc ứng xử của kiểm toán viên nhà nước.
Đặc biệt, để từng bước chuyển đổi từ phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số, hướng tới môi trường kiểm toán số bảo mật và tích hợp, Kiểm toán nhà nước đã tổ chức thí điểm kiểm toán từ xa đối với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Việc kiểm toán đã phần nào tiết kiệm thời gian, chi phí kiểm toán; giảm thiểu tác động của yếu tố bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh; góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động kiểm toán... Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách so với các nước trên thế giới; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khiêm tốn, thiếu tính hệ thống và đồng bộ; hoạt động kiểm toán trên môi trường số còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần từng bước triển khai phù hợp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, năm vừa qua hoạt động của Kiểm toán Nhà nước có nhiều điểm mới tích cực, trong đó có cho ý kiến về các dự án quan trọng quốc gia, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra quyết định kịp thời, khẩn trương. Trong công tác giám sát tối cao cũng có vai trò chủ động, tích cực của Kiểm toán nhà nước...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, trong thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước cần tiếp tục chủ động, tích cực triển khai nhiệm vụ công tác năm 2023 đảm bảo khoa học, chất lượng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả; tiếp tục khẳng định vai trò, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước được Hiến pháp, pháp luật quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan, nhất là trong xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực kiểm toán; tăng cường theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với nhiều nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính-Ngân sách, nhấn mạnh trong bối cảnh hiện tại, Kiểm toán Nhà nước cần xác định rõ nội dung trọng tâm để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng điểm nhằm mang lại những tác động lan tỏa, tích cực.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu
Cùng chung nhận định, các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng trong giai đoạn tới, Kiểm toán nhà nước cần có giải pháp nhân rộng, nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, trùng lắp; nâng cao chất lượng các kết luận, kiến nghị kiểm toán, nhất là việc cụ thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân về các sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; có giải pháp để nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động kiểm toán; tiếp tục công khai, minh bạch hoạt động kiểm toán…
Để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch và bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác kiểm toán, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị Kiểm toán nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch và phương án tổ chức kiểm toán năm 2023 khoa học, hiệu quả, không gây khó khăn, phiền hà cho các cơ quan, đơn vị và địa phương; giảm số cuộc, đầu mối kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả kiểm toán, tăng số lượng các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; bố trí kế hoạch kiểm toán hợp lý để kịp thời và cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu kiểm toán phục vụ cho các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 bảo đảm chất lượng; phối hợp với Thanh tra Chính phủ hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy chế phối hợp nhằm hạn chế chồng chéo, phiền hà cho các đối tượng thanh tra, kiểm toán.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu nhằm giảm bớt thời gian, nhân lực, nâng cao hiệu quả cho các cuộc kiểm toán; đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động kiểm toán để rút ngắn thời gian kiểm toán tại các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả, chất lượng các báo cáo kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, bảo đảm tính toàn diện, tập trung kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động kiểm toán; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chuyên ngành đối với các Đoàn, tổ kiểm toán, các kiểm toán viên nhà nước trong quá trình kiểm toán để phòng, tránh hiện tượng tiêu cực, gây khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế trong hoạt động kiểm toán…/.