HỒ SƠ TRÌNH CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU: UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHƯA BỔ SUNG DỰ ÁN LUẬT TẠI PHIÊN HỌP THỨ 14

11/08/2022

Kết luận nội dung phiên họp xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tán thành về mặt chủ trương sự cần thiết sửa đổi và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, do hồ sơ trình cần tiếp tục được bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại Chính phủ hoàn thiện trình xem xét trong các phiên họp tới đây.

Trình UBTVQH bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại Doanh nghiệp (sửa đổi)

Toàn cảnh phiên họp 

Đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi)

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13 hiện hành; đảm bảo thống nhất, phù hợp với các luật hiện hành (Luật số 35/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Đầu tư công; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư) và các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nội dung các chính sách của đề nghị xây dựng luật tập trung vào 04 chinh sách trọng tâm, gồm: Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp; cơ cấu lại vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu.

Chính phủ cũng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đưa dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Cần thiết phải sửa đổi toàn diện

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (sau đây gọi là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước) nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước; bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày quan điểm của cơ quan thẩm tra

Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, hồ sơ còn thiếu bản chụp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức; nội dung một số tài liệu cần tiếp tục được hoàn thiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, trong đó, bổ sung nội dung “cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp” vào Điều 1 của dự thảo Luật, đồng thời, luật hóa nhiều nội dung quan trọng về vấn đề này nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm cơ sở pháp lý chặt chẽ trong việc thực hiện cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp.  Bên cạnh đó, đề nghị trong quá trình soạn thảo dự án Luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát yêu cầu trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp, bổ sung quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh, tháo gỡ vướng mắc để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Liên quan đến đối tượng áp dụng, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị, rà soát, bảo đảm thống nhất giữa các tài liệu thuộc hồ sơ của dự án Luật.

Về các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan cho rằng, 04 nhóm chính sách được Chính phủ đề xuất đã bảo đảm phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, đã được rà soát để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ về từng nội dung cụ thể trong các nhóm chính sách, thể hiện nhất quán các nội dung chính sách được đề xuất trong các quy định của dự thảo Luật, bảo đảm sự đồng bộ giữa nội dung chính sách của dự án Luật với các luật hiện hành.

Theo đó: lưu ý, cân nhắc thận trọng việc sử dụng một số khái niệm mới; đề nghị làm rõ hơn về thẩm quyền huy động vốn, nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp,… Bên cạnh đó, cần rà soát, tổng kết thực tiễn để quy định rõ hơn về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chuyên trách; làm rõ vị trí, vai trò của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan đề nghị không quy định nguyên tắc áp dụng chung như trong dự thảo Luật mà cần rà soát, đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ các luật có liên quan, kiến nghị phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ đối với các quy định cụ thể để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Rất nhiều vấn đề lớn chưa được đề cập trong dự án Luật sửa đổi

Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Nguyễn Phú Cường, đề nghị làm rõ cơ chế, nguyên tắc xác định giá thị trường, các căn cứ để xác định hoặc giao Chính phủ quy định về “Giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm” để tránh cách hiểu, cách xác định giá thị trường không thống nhất trong giai đoạn vừa qua.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần rà soát, tổng kết thực tiễn để quy định rõ hơn về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chuyên trách (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), đồng thời làm rõ vị trí, vai trò của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,…

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nghiên cứu phương án phù hợp, bảo đảm thống nhất với quy định của các luật hiện hành đối với quy định về thẩm quyền huy động vốn; lưu ý, cân nhắc thận trọng việc sử dụng một số khái niệm mới (vốn đầu tư của chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, vốn của doanh nghiệp...) bảo đảm phù hợp, thống nhất với các luật hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu , Luật Doanh nghiệp) và tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW; xem xét đánh giá tác động của việc thực thi Luật gắn với quy định của Luật Doanh nghiệp nhằm xác định chính sách quản lý phù hợp, đặc biệt là việc đầu tư vốn vào các công ty cổ phần, nhất là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ;…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 02 lần giám sát về cơ cấu lại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, qua giám sát đều đặt ra những vấn đề vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước.

Phân tích những bất cập, tồn tại hiện nay trong quản lý, sử dụng vốn nhà nước nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, rất nhiều vấn đề, chính sách lớn chưa được đề cập trong dự án Luật sửa đổi.

Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục làm rõ 05 vấn đề, chính sách trọng tâm, bao gồm: Tách bạch chức năng giữa quản lý nhà nước và cơ quan đại diện chủ sở hữu; Chiến lược phát triển doanh nghiệp; Định mức, đơn giá, dự toán; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, dự án Luật sửa đổi phải đáp ứng yêu cầu kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra, khắc phục được những tồn tại hạn chế bất cập hiện nay; thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Quốc hội nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa đất đai, quản lý quỹ, phát triển doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khác,…

Trong đó, cần chú trọng làm rõ, tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp, làm rõ chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền; quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có liên quan bảo đảm tính đồng bộ thống nhất giữa các luật trong  hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật khác trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan,… không được để trống các lĩnh vực cần điều chỉnh.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về mặt chủ trương sự cần thiết sửa đổi và bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Tuy nhiên, do Hồ sơ trình cần tiếp tục được bổ sung, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao lại Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong các phiên họp tới đây.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hồ sơ trình phải bảo đảm bám sát Kế hoạch số 81 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ, Kết luận số 19 của Bộ Chính trị (trong đó, nêu rõ “ưu tiên chất lượng không chạy theo số lượng”, phải kỹ - phải rõ - phải đúng mới đưa vào chương trình); Nghị quyết số 12-NQ/TW; Nghị quyết số 60 năm 2018 của Quốc hội khóa XIV và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, trong quá trình hoàn chỉnh Hồ sơ cần nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan Quốc hội, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Theo đó, Hồ sơ phải bảo đảm yêu cầu: Kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra, khắc phục được những tồn tại hạn chế bất cập hiện nay; thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Quốc hội nhất là các vấn đề liên quan đến quản lý vốn, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, cổ phần hóa đất đai, quản lý quỹ, phát triển doanh nghiệp và các vấn đề có liên quan khác,…

Tiếp tục tách bạch chức năng quản lý nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp, làm rõ chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền; quan hệ phối hợp giữa các chủ thể có liên quan bảo đảm tính đồng bộ thống nhất giữa các luật trong  hệ thống pháp luật, kể cả các luật đã được sửa đổi, bổ sung và các luật khác trong quá trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan,… nhằm bảo đảm không trùng lặp trong điều chỉnh pháp luật nhưng cũng không được để trống các lĩnh vực cần điều chỉnh./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phiên họp thứ 14: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023,

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13 hiện hành;....

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp nhằm kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước; bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm phù hợp với thực tiễn và định hướng cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc sửa đổi toàn diện Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp là cần thiết. Tuy nhiên, tại Hồ sơ trình, rất nhiều vấn đề lớn chưa được đề cập trong dự án Luật sửa đổi. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023,

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Nguyễn Phú Cường, đề nghị làm rõ cơ chế, nguyên tắc xác định giá thị trường, các căn cứ để xác định hoặc giao Chính phủ quy định về “Giá trị doanh nghiệp phải được định giá lại sát với thị trường thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá và làm cơ sở để xác định giá khởi điểm” để tránh cách hiểu, cách xác định giá thị trường không thống nhất trong giai đoạn vừa qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, cần rà soát, tổng kết thực tiễn để quy định rõ hơn về cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chuyên trách (Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp), đồng thời làm rõ vị trí, vai trò của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, vai trò của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp,…

 Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu tại phiên họp làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề quản lý vốn nhà nước

Các thành viên Ủy ban Thường vụ tham dự phiên họp xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác