Theo đó, Luật Xuất bản năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản năm 2008 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, tạo được bước tiến mới trong hoạt động xuất bản, đáp ứng nhu cầu về xuất bản của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều quy định trong Luật Xuất bản đã bộc lộ hạn chế, bất cập, chưa theo kịp thực tiễn và thiếu đồng bộ với một số Luật có liên quan như: quy định đối tượng thành lập nhà xuất bản, xuất bản trên mạng Internet, chính sách hỗ trợ cho hoạt động xuất bản…
Tại phiên họp sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng liên quan đến Luật Xuất bản (sửa đổi) như: thống nhất tên gọi Luật Xuất bản (sửa đổi), quản lý hoạt động in; liên kết trong hoạt động xuất bản.
Về vấn đề thống nhất tên gọi Luật Xuất bản (sửa đổi), Dự thảo Luật đề nghị đổi tên Luật Xuất bản (sửa đổi) thành Luật Xuất bản, in, phát hành. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Điều 1, Luật Xuất bản hiện hành đã quy định, hoạt động xuất bản bao gồm các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành xuất bản phẩm. Khái niệm xuất bản đã bao hàm cả việc tổ chức và biên tập bản thảo lẫn việc in và phát hành xuất bản phẩm. Hoạt động xuất bản phải bao gồm ba khâu cấu thành, có quan hệ mật thiết với nhau là xuất bản, in và phát hành, do vậy, đề nghị giữ nguyên tên gọi là Luật Xuất bản (sửa đổi).
Xung quanh nội dung công tác quản lý hoạt động in, nhiều đại biểu chỉ rõ, hiện nay trong số 1.500 cơ sở in thì mới chỉ có khoảng 400 cơ sở in chịu sự điều chỉnh của Luật Xuất bản. Trên 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in, điều này đã tạo kẽ hở dẫn đến việc quản lý 1.100 cơ sở in nói trên gần như bị buông lỏng. Do đó, để khắc phục những hạn chế, bất cập, phát sinh trong thực tiễn, đồng thời tạo điều kiện cho hoạt động in lành mạnh, đa số các đại biểu nhất trí nên sửa đổi các quy định của Luật Xuất bản hiện hành về quản lý cơ sở in.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, chỉ nên điều chỉnh những vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản, bao gồm cả việc quản lý các cơ sở in để giám sát hoạt động in, xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in xuất bản phẩm giả. Do vậy, Luật không nên điều chỉnh toàn diện hoạt động in các sản phẩm không phải xuất bản phẩm.
Vấn đề cấp giấy phép hoạt động in, cũng còn có nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng ý với quy định trong Dự thảo Luật theo hướng coi hoạt động in là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cấp giấy phép hoạt động. Qua thảo luận, đa số các ý kiến tại phiên họp cho rằng, theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện phát triển ngành in như một ngành kinh tế-kỹ thuật, cần quy định in là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không cần cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai các cơ sở in sau khi được thành lập cần làm thủ tục đăng ký hoạt động với cơ quan thẩm quyền và tuân thủ các điều kiện do pháp luật quy định trong quá trình hoạt động và được giám sát bằng cơ chế, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Nội dung liên kết trong hoạt động xuất bản cũng có nhiều ý kiến còn khác nhau, theo quy định của Luật Xuất bản hiện hành, khâu xuất bản chủ yếu thuộc trách nhiệm của Nhà xuất bản. Nhưng thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, Nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, do đó thiếu sự thẩm định nghiêm túc. Trong khi đó, Luật quy định trách nhiệm của đối tác liên kết chưa cụ thể và khó phân định khi xử lý vi phạm.
Do vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân liên kết trong xuất bản, cùng với việc chấn chỉnh và tiếp tục phát triển hình thức liên kết xuất bản như hiện nay cần công nhận và luật hóa một hình thức liên kết xuất bản mới, trong đó đối tác liên kết được thực hiện toàn bộ các công đoạn xuất bản phẩm và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như chất lượng xuất bản phẩm. Nhà xuất bản chịu trách nhiệm thẩm định nội dung tư tưởng của xuất bản phẩm và quyết định xuất bản.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh nội dung, trình Quốc hội./.