CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: QUÁN TRIỆT QUAN ĐIỂM BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA VỀ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN, QUỸ ĐẠO VỆ TINH

18/04/2022

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 10, sáng ngày 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp.

 

Đề cập về sự cần thiết cần sửa đổi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định: Dự án Luật là thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế thể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bảo đảm tính thống nhất với các Luật và Điều ước quốc tế có liên quan, trong đó: bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều; bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo. Nội dung của dựa án Luật tập trung vào các vấn đề: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Điều khoản chuyển tiếp…


Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. 

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh: Thường trực Uỷ ban tán thành với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi của dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện dự án Luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định về giải thích từ ngữ; quy định về sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện trong trường hợp có tình huống khẩn cấp; quy định cụ thể một số nội dung cần điều chỉnh, hạn chế phải ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; rà soát, chỉnh lý về từ ngữ, câu chữ, kỹ thuật văn bản dự thảo Luật…

Tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Luật Tần số vô tuyến điện ban hành từ năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý cho quản lý hoạt động và phát triển lĩnh vực vô tuyến điện tại Việt Nam, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện. Sau hơn 10 năm thực hiện, hệ thống pháp luật có nhiều thay đổi, yêu cầu phát triển đã đặt ra nhiều vấn đề mới nên Chính phủ đã tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật và đề nghị sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Thường vụ đã nghe Tờ trình rút gọn của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận một số vấn đề sau:

Thứ nhất là sự cần thiết phải sửa đổi Luật; sự phù hợp của dự thảo Luật với chủ trương của Đảng; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật;  Tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Phạm vi sửa đổi, tính đầy đủ, phù hợp của hồ sơ dự án Luật; đặc biệt là có nhiều qui định (8 điều, khoản) giao cho Chính phủ, Bộ trưởng qui định chi tiết trong khi việc sửa đổi Luật không nhiều (bổ sung 2 điều mới, sửa đổi 15 điều) nên nhiều ý kiến lo ngại về tính cụ thể của dự án Luật, không khắc phục được tình trạng luật khung, luật ống;

Thứ hai là một số vấn đề tác động lớn hoặc còn có ý kiến khác nhau cần tập trung thảo luận: Chính phủ trình cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội nhưng nhiều ý kiến chưa đồng tình kể cả Bộ Quốc phòng do chưa có đánh giá tác động, chưa lấy ý kiến tham gia của các bộ, kể cả Bộ Tư pháp đồng thời lo ngại đến việc bảo mật, vấn đề an ninh và có thể chưa bảo đảm nguyên tắc tiếp cận thị trường, cạnh tranh, minh bạch theo qui định của các Hiệp định thương mại mà Việt Nam là thành viên

Nhiều ý kiến đồng tình với dự thảo Luật cần giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng vì tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn; giới hạn để tránh tình trạng thâu tóm, độc quyền, sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng giới hạn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân trong lựa chọn, sử dụng mạng, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp lớn trên thị trường.

Đối với phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện nhiều ý kiến đề nghị cụ thể nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển ngay trong Luật trước khi giao Thủ tướng Chính phủ qui định đồng thời cần quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển. Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị chưa tiến hành đấu giá băng tần trong giai đoạn hiện nay vì dễ dẫn đến nhà mạng nước ngoài với tiềm lực kinh tế mạnh sẽ trúng đấu giá, có thể ảnh hưởng đến bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện: nhiều ý kiến đề nghị thực hiện theo qui định của Luật Đấu giá nhưng cũng nhiều ý kiến đề nghị qui định thêm các qui định về đấu giá trong Luật Tần số vô tuyến điện để phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này. Đối với qui định về việc thu phí, lệ phí, tiền sử dụng tần số vô tuyến điện nhiều ý kiến cho rằng hiện nay qui định trong Luật còn chưa cụ thể mà giao cho Chính phủ qui định mức thu, phương thức thu nên đề nghị qui định nguyên tắc tính toán mức thu, qui định về quản lý, sử dụng đặc biệt là thu cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị

Dựa trên những gợi ý trên, đóng góp ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần rà soát dự án Luật sao cho đồng bộ, thống nhất với các Luật Quy hoạch, Luật Đấu giá tài sản, Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng và tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan. Đặc biệt là nghiên cứu kỹ sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết. Theo đó, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần có đánh giá báo cáo tác động một cách đầy đủ.


Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đóng góp ý kiến tại Phiên họp.

Về quy hoạch tần số theo khoản 3, khoản 4 của Điều 1, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị quy định trong Luật là cần bố trí tần số dự phòng để phục vụ cho các tình huống khẩn cấp như trong thiên tai, dịch bệnh, thảm họa và cả phục vụ cho việc đảm bảo quốc phòng an ninh.

Về phương thức cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần có báo cáo cụ thể và rõ ràng hơn về tiêu chí giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ; quyết định băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng được thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

Về đấu giá tần số vô tuyến điện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, chặt chẽ, rõ ràng, tránh xảy ra lợi ích nhóm nhằm đảm bảo quốc phòng an ninh, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế và công bằng trong cạnh tranh lành mạnh trên thị trường kinh doanh thông tin di động. Việc đấu giá cũng phải thực hiện theo quy định của Luật hiện hành về pháp luật đấu giá tài sản cũng như các quy định về pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Cho ý kiến đối với dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Tần số vô tuyến điện là tài sản quốc gia quan trọng và ngày càng có giá trị, đặc biệt là trong bối cảnh nước ta đang thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển kinh tế số, xã hội số. Các quốc gia đều chú trọng khẳng định và thúc đẩy để bảo vệ các quyền lợi, nhất là về chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh. Việc cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện là việc làm cần thiết và quan trọng. Do đó, trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra dự án Luật cần phải quán triệt quan điểm lớn này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hạ tầng số hiện đại và niềm tin vào an ninh số của một quốc gia là yếu tố đảm bảo phát triển và hội nhập quốc tế. Việt Nam xây dựng xã hội số, hạ tầng số nhưng lại trong môi trường hội nhập quốc tế sâu rộng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần có đánh giá tác động cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các điều lệ, thông lệ quốc tế khi doanh nghiệp Viêt Nam tham gia và hội nhập với quốc tế.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm tại Phiên họp.

Dự án Luật đã tập trung vào các nhóm vấn đề: Nhóm các vấn đề về quy hoạch băng tần, cấp giấy phép sử dụng tần số và chế tài xử lý vi phạm; Nhóm vấn đề về khoản thu từ việc sử dụng tần số; Sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; Nhóm vấn đề về kiểm tra, kiểm soát tần số vô tuyến điện, xử lý nhiễu có hại, đăng ký, phối hợp quốc tế về tần số, quỹ đạo vệ tinh và sử dụng tần số phục vụ mục đích quốc phòng an ninh; Nhóm vấn đề về sửa đổi thẩm quyền quy định văn bản để phù hợp, thống nhất với các Luật có liên quan; Điều khoản chuyển tiếp…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật bổ sung, làm rõ điều kiện đối với chủ thể được phân bổ băng tần để đảm bảo hiệu quả sử dụng cao nhất, tránh tích tụ băng tần gây lãng phí tài nguyên quốc gia. Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, luật hiện hành đang quy định ba phương thức là cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, vậy phải lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được.

Việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện cũng phải có tiêu chí cụ thể, đảm bảo tính công khai minh bạch, xem có vướng mắc gì về các quy định pháp luật, hình thức đấu giá và thi tuyển cần phù hợp thực tế nên đề nghị các cơ quan cần có sự thảo luận thêm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, cần làm rõ việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần thì có ràng buộc nào không để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh  bởi đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số.

Về chính sách sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo an ninh quốc phòng và việc việc cấp cho doanh nghiệp thì dựa vào tiêu chí cụ thể nên cần có sự rà soát thêm. Việc sử dụng băng tần trong điều kiện, tình trạng khẩn cấp cũng cần có quy định rõ ràng, cụ thể.

Nhóm về sửa đổi quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, hiện nay Cơ quan quản lý Nhà nước quản lý việc đào tạo và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các quy định liên quan đến đào tạo là lĩnh vực đặc thù nên đối tượng được cấp cần rà soát thêm. Chứng chỉ đào tạo dành cho vô tuyến điện viên thì cần có sự thống nhất là do Bộ Quốc phòng hay Bộ Công an cấp.

Đưa ra nhận xét là các quy định về đấu giá chưa rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ. Tuy hiên, hiện nay, có ý kiến chưa rõ tiêu chí băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ là thế nào nên đây sẽ chỉ là quyết định hành chính chứ chưa minh bạch, chưa biết Thủ tướng sẽ quyết định trên cơ sở nào? Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật cần làm rõ hơn về nội dung này.


Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Lưu ý băng tần là hữu hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, băng tần đấu giá xong là tài sản của doanh nghiệp mà sau đó chuyển nhượng thì cần phân biệt là chuyển nhượng để tiếp tục kinh doanh hay do không sử dụng để tránh trục lợi, đầu cơ, cứ ôm về sau đó không sử dụng rồi đem bán lại. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong dự án Luật cần quy định rõ chính sách tài chính nếu doanh nghiệp đầu cơ thì xử lý thế nào, đấu giá rồi không sử dụng thì cơ chế xử lý ra sao.

Làm rõ thêm ý kiến tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay lượng tần số mang ra kinh doanh chỉ chỉ 15% và sắp tới cũng không tăng được nữa, 85% dùng cho chuyên dùng và thực tế 81% hiện nay chưa dùng, dành cho quốc phòng và an ninh mới dùng 4%. Tuy nhiên, trong khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số đều quay về phục vụ quốc phòng an ninh vô điều kiện. Trong bất cứ tình huống nào thì tần số cũng ưu tiên cho quốc phòng an ninh cao nhất. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nêu rõ, Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về đấu giá khi chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá cấp phép chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần; giới hạn tổng độ rộng băng tần...

Giải trình thêm ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng cho biết, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan để hoàn thiện dự án Luật. Về khoản 4 Điều 45 về trong trường hợp cần thiết, căn cứ vào quy định của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ quốc phòng an ninh và đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, thiết kế điều khoản cũng đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng. Việc kết hợp chặt chẽ vừa đảm bảo quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế xã hội là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước. Trong đó, chủ trương xây dựng nền quốc phòng, an ninh hiện đại đảm bảo yếu tố quốc phòng an ninh của Tổ quốc vừa góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội cũng đã được cụ thể hóa vào nhiều văn bản của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Qua đó góp phần quan trọng vào hiện đại hóa lực lượng vũ trang và sử dụng tài nguyên quốc gia, ngân sách Nhà nước, tiết kiệm hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Điều này cũng đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 12 ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh sử dụng lực lượng công an nhân dân chính quy, cách mạng chính quy tinh nhuệ và hiện đại đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Việc sử dụng tần số vô tuyến điện để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội sẽ giúp tạo lập một kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng khi xảy ra tình huống về an ninh và quốc phòng; đồng thời đây cũng là kênh quan trọng để thực hiện công tác đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số. Việc bổ sung quy định này vào dự án Luật, Bộ Công an cũng xét thấy, qua báo cáo đánh giá tác động về chính sách mới này không thấy có xung đột và không trái với quy định của Luật Quản lý tài sản công, không có mâu thuẫn với pháp luật thuế, pháp luật về phí và cũng không vi phạm các nội dung liên quan đến các cam kết trong Hiệp định CPTPP cũng như yếu tố đảm bảo bí mật Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên họp.

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã bao gồm khái quát các nội dung đề nghị sửa đổi của dự án luật và ý kiến giải trình của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan tại cuộc họp hôm nay đã tương đối rõ một số vấn đề. Thường vụ Quốc hội thống nhất trình dự án luật để Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện hồ sơ dự án luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Lưu ý tiếp thu đầy đủ ý kiến của đồng chí Chủ tịch Quốc hội về một số vấn đề:

Tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là nội dung của văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13, liên quan đến phát triển, quản lý và sử dụng hợp lý, hiệu quả tần số vô tuyến điện để phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Thể chế hóa và góp phần thực hiện mục tiêu Nghị quyết 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị là đến năm 2030 mạng 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.

Việc xây dựng dự án luật phải bao quát, thể hiện tần số vô tuyến điện là tài sản công quốc gia quan trọng, ngày càng có giá trị cao, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng phải được quản lý chặt chẽ, công khai minh bạch, đảm bảo hội nhập kinh tế quốc tế. Nghiên cứu thêm thông lệ quốc tế, kinh nghiệm quốc tế và được sử dụng có hiệu quả bảo vệ lợi lợi ích an ninh, chủ quyền số quốc gia.

Tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất với các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công, Luật Phí và lệ phí, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đấu giá tài sản, đảm bảo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, không để lúng túng, vướng mắc hoặc gây ách tắc, cản trở sự phát triển khi luật đi vào cuộc sống.

Vấn đề quy hoạch phải đảm bảo nguyên tắc tiêu chí, tiêu chuẩn, chủ trương phân bổ khối băng tần, tránh lãng phí, tích tụ tần số không hợp lý, thực hiện các cam kết sử dụng tần số, thu hồi tần số không sử dụng hoặc chuyển nhượng khai thác tần số trong thực tế. Cân nhắc việc cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu theo hướng các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp phải có trách nhiệm đáp ứng các trường hợp cấp bách an ninh, quốc phòng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng cần có quy định cụ thể để đảm bảo tính cạnh tranh, không cản trở việc phát triển thị trường của doanh nghiệp, quyền lợi của người dân. Phân tích thêm, đánh giá kỹ tác động của phương án đấu giá băng tần và phương án không đấu giá băng tần, nhất là mặt được và hạn chế của 2 phương án để trình Quốc hội thảo luận quyết định.

Về nguyên tắc đấu giá băng tần phải tuân thủ Luật Đấu giá, nếu cần quy định thêm phải nghiên cứu kỹ, thuyết minh hợp lý, có căn cứ và cân nhắc chỉ quy định các điều kiện để đảm bảo an ninh, quốc phòng, đảm bảo quản lý của Nhà nước đối với những nội dung đặc thù của lĩnh vực tần số vô tuyến điện. Báo cáo tình hình thực tế hơn 10 năm qua chưa thực hiện việc đấu giá, thi tuyển, giải pháp để thực hiện được trong thời gian tới, nêu các vướng mắc về luật pháp, các quy định có liên quan và các nguyên nhân chủ quan trong tổ chức thực hiện. Quy định rõ khái niệm băng tần có giá trị thương mại cao, nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ được phép đấu giá hoặc thi tuyển để tránh trục lợi, đầu cơ. Quy định rõ ràng để ràng buộc doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia để đảm bảo an ninh, an toàn liên quan đến chủ quyền số.

Đối với các nội dung chưa rõ hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát căn cứ chính trị, cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện, cụ thể hóa tối đa trong dự thảo luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và được áp dụng ổn định trong thực tiễn, đảm bảo hiệu lực thi hành ngay của luật khi ban hành. Lưu ý các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện của băng tần được đấu giá, thi tuyển trước khi giao Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Quy định tách bạch, rõ ràng giữa phương thức đấu giá và phương thức thi tuyển. Quy định nguyên tắc tính toán, mức thu. Quy định về quản lý, sử dụng thu, cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Rà soát để hoàn thiện các quy định về điều khoản chuyển tiếp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV./.

Một số hình ảnh tại Phiên họp:


Toàn cảnh Phiên họp cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. 


Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long khẳng định sự cần thiết về sửa đổi dự án Luật Tần số vô tuyến điện. 


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy tình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu quan điểm về cho phép sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng được kết hợp sử dụng mục đích phát triển kinh tế - xã hội. 


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, trong dự án Luật cần quy định rõ chính sách tài chính nếu doanh nghiệp đầu cơ thì xử lý thế nào, đấu giá rồi không sử dụng thì cơ chế xử lý ra sao.


 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nêu quan điểm có nên đấu giá băng tần có giá trị thương mại cao hay không.


Phó Tư lệnh Binh chủng Thông tin Liên lạc bộ Quốc phòng Vũ Hữu Hanh nêu quan điểm về cấp chứng chỉ cho vô tuyến điện viên.


Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình thêm ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp.


Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định việc sử dụng tần số vô tuyến điện để phục vụ cho mục đích quốc phòng an ninh kết hợp với phát triển kinh tế-xã hội sẽ giúp tạo lập một kênh thông tin liên lạc dự phòng quan trọng khi xảy ra tình huống về an ninh và quốc phòng; đồng thời đây cũng là kênh quan trọng để thực hiện công tác đảm bảo an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn chuyển đổi số. 

Bích Lan-Phạm Thắng

Các bài viết khác