Nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội
Trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã nêu tình hình chung và nội dung ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trưởng Ban Dân nguyện nêu rõ, trong tháng 9 và tháng 10, qua báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho thấy: Cử tri cho rằng với sự điều hành sáng suốt, quyết liệt và sự đoàn kết, đồng lòng của Quốc hội, Kỳ họp thứ 2 sẽ tiếp nối được thành công trong các kỳ họp tiếp theo, góp phần cùng cả hệ thống chính trị tăng cường niềm tin cho người dân, thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày càng hiệu quả và nhanh chóng đưa đất nước vào giai đoạn phát triển bình thường mới.
Theo Trưởng Ban Dân nguyện, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, nội dung kiến nghị của cử tri liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống được cử tri đặc biệt quan tâm kiến nghị như:
Cử tri dành nhiều sự quan tâm trong việc thực hiện các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch Covid-19, nhất là việc đi lại, lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng hơn, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh được phép hoạt động, mở cửa trở lại, đặc biệt là các hoạt động sản suất kinh doanh thiết yếu, hoạt động của các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, hoạt động bán vé số… từ đó người dân rất phấn khởi và đồng tình. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn lo lắng về tình hình quản lý người từ các tỉnh khác trở về, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở doanh nghiệp thực hiện 4 tại chỗ... Cử tri cũng kiến nghị tăng cường hơn nữa giám sát việc trang bị và mua sắm các trang thiết bị y tế; việc chỉ định điều trị trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện (công và tư)…
Dịch Covid-19 vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội. Cử tri đề nghị khẩn trương nghiên cứu có giải pháp tháo gỡ những khó khăn nêu trên, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân phục hồi, phát triển kinh tế và ổn định đời sống trong thời gian tới.
Hiện nay việc tổ chức dạy và học của các em học sinh chủ yếu là trực tuyến, tuy nhiên, do điều kiện kinh tế nhiều gia đình không đủ khả năng trang bị thiết bị cho con em học trực tuyến, nhất là hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn. Cử tri kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành trung ương cần quan tâm, có giải pháp hỗ trợ kịp thời trong việc học của các em.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, trong tháng 10/2021, qua báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2 của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban đã tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Hiện nay các Đoàn đại biểu Quốc hội đang tổ chức tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Hai theo kế hoạch, Ban Dân nguyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc tập hợp, tổng hợp đầy đủ ý kiến, kiến nghị cử tri để kịp thời chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Đề cập đến tình hình khiếu nại, tố cáo, Ban Dân nguyện nhận thấy tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội tuy thời gian gần đây có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phức tạp và tạo thành điểm nóng sau khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng ở một số địa phương. Nhiều vụ việc khiếu kiện phức tạp về ô nhiễm môi trường, đất đai, cưỡng chế giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện các dự án điện gió chưa được giải quyết dứt điểm gây bức xúc cho người dân.
Tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì và ngày càng đi vào nề nếp
Đánh giá chung những kết quả đạt được, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, công tác dân nguyện được Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm và xác định là nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không bố trí được việc tiếp công dân trực tiếp để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân nhưng nhiều Đoàn ĐBQH đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo có biện pháp phù hợp, ưu tiên hình thức nhận đơn thư, phản ánh kiến nghị nên việc tiếp nhận, xử lý đơn thư được duy trì và thực hiện nghiêm túc, ngày càng đi vào nề nếp. Đơn thư công dân gửi đến được xử lý kịp thời, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm, có sự chuyển biến tích cực, đảm bảo chất lượng hiệu quả, đã góp phần thúc đẩy và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là đối với vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài.
Việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn ĐBQH bị giảm so với kế hoạch đề ra do ảnh hưởng do dịch bệnh
Trưởng Ban Dân nguyện cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn như do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên việc tổ chức tiếp công dân của các Đoàn đại biểu Quốc hội bị ảnh hưởng, số buổi tiếp công dân của các Đoàn có giảm nhiều so với chương trình, kế hoạch đề ra; thậm chí nhiều Đoàn có thời điểm đã phải tạm dừng không tổ chức tiếp công dân trực tiếp hoặc công dân không trực tiếp đến nơi tiếp dân để gửi đơn yêu cầu, trình bày, phản ánh.
Công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân gửi đến Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội vẫn chủ yếu là xem xét, chuyển đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận
Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo chủ yếu được thông qua hình thức xem xét, đánh giá báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; chưa tổ chức giám sát được nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể.
Từ những hạn chế, tồn tại nêu trên, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, phức tạp, kéo dài cả về lĩnh vực hành chính và tư pháp để phối hợp, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
Ban Dân nguyện đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội cần phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương trong việc giải quyết các vụ việc phức tạp liên quan đến lĩnh vực môi trường, việc thực hiện thu hồi, đền bù, giải phóng mặt mặt bằng đối với dự án điện gió còn vướng mắc để cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, không để phát sinh thành điểm nóng phức tạp về an ninh, trật tự xã hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành Báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10/2021
Tại phiên thảo luận, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Báo cáo công tác dân nguyện tháng 9 và tháng 10 của Quốc hội và cho rằng báo cáo được chuẩn bị đầy đủ, có số liệu cụ thể, bao quát hết các vụ việc của Ban. Công tác dân nguyện các tháng vừa qua đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chặt chẽ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, kết quả của công tác dân nguyện có chuyển biến tích cực.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành Báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 của Quốc hội
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành báo cáo công tác dân nguyện tháng 9, tháng 10 và cho rằng công tác dân nguyện liên quan đến dân, Quốc hội gắn với dân là rất tốt. Theo Báo cáo của Ban Dân nguyện, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao kết quả công tác dân nguyện liên quan đến tình hình chung và nội dung ý kiến, kiến nghị cử tri.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ nhất. Đến nay, đã có 306/536 kiến nghị cử tri gửi đến sau kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV được giải quyết, trả lời đạt tỷ lệ 57,1%, số kiến nghị còn lại đang được các cơ quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định.
Tình hình khiếu nại, tố cáo và kết quả tiếp công dân của Quốc hội đã có những chuyển biến tích cực. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, kết quả tiếp nhận, xử lý đơn thư của các Đoàn đại biểu Quốc hội đã được thực hiện có nề nếp. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong tháng 9 và tháng 10 các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp nhận tổng số 1.349 đơn thư, trong đó có 236 khiếu nại, 129 tố cáo, còn lại là 299 kiến nghị, phản ánh; số đơn thư trùng lặp, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, không ký tên, đơn không rõ nội dung được xếp lưu theo dõi là 608 đơn. Trong số 728 đơn đủ điều kiện xử lý, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển 500 đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, có 163 văn bản hướng dẫn, trả lời đơn công dân; đã nhận được 171 văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền về việc giải quyết.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Báo cáo kết quả giám sát kỳ trước cũng có tác động tích cực. Cụ thể, ngày 05/11/2021, Văn phòng Chính Phủ đã có văn bản số 8105/VPCP thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đối với 32 vụ việc mà Tổ Công tác của Chính phủ theo dõi trực tiếp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, đến nay các cơ quan chức năng đã giải quyết được 12 vụ việc, còn 20 vụ việc đang xem xét, giải quyết.
Cần thống kê, kiểm đếm các vụ việc liên quan đến đất đai, môi trường và các vấn đề phức tạp khác
Về hoạt động giám sát và đề xuất theo dõi, giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để phục vụ hoạt động giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021” của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để xây dựng và hoàn thiện nội dung, chương trình, kế hoạch, các đề cương giám sát của Đoàn Giám sát, kịp thời gửi Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương yêu cầu báo cáo.
Chủ tịch Quốc hội nhất trí với 2 kiến nghị của Ban Dân nguyện. Đồng thời đề nghị cần rút kinh nghiệm trong công tác dân nguyện, rà soát lại quy chế làm việc, phân công, nên lựa chọn các vụ việc có tính chất phức tạp, đại diện để tập trung giải quyết, chú ý cách thức phân loại đơn thư. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khi đơn thư chuyển lên các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì giám sát việc giải quyết đơn này như thế nào? Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần có hệ thống cơ sở dữ liệu, phần mềm để quản lý, theo dõi vấn đề này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần quan tâm đến công tác phối hợp, sự phối hợp giữa Ban Dân nguyện và các cơ quan của Quốc hội như Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Ban Dân nguyện là đầu mối, có trách nhiệm tổng hợp các vụ việc, tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời chú ý đến cơ chế phối hợp với các cơ quan khác như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về giải quyết khiếu nại, tố cáo và kết quả tiếp công dân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ban Dân nguyện có tham mưu, làm việc với các đoàn giám sát, nhất là đoàn giám sát tối cao về giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân, thống kê, kiểm đếm các vụ việc của Trung ương, các tỉnh thành phố và các bộ ngành, nhất là các vụ việc về đất đai, môi trường và các vấn đề phức tạp khác, lập danh mục, phân loại các vụ việc này và cần có kết quả giải quyết các vụ việc, trách nhiệm giải quyết thuộc về cấp nào, không thể chung chung.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận nội dung thảo luận
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thán thành với báo cáo của Ban Dân nguyện, báo cáo lần này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao, tài liệu chuẩn bị đầy đủ, có số liệu và địa chỉ. Kết quả việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từng bước đi vào nề nếp. Kết quả tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực. Nhiều Đoàn ĐBQH trực tiếp giải quyết các vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong 32 vụ nội cộm, đến nay đã giải quyết 12 vụ việc tồn đọng. Đối với việc giải quyết 4 vụ việc phức tạp kéo dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Ban Dân nguyện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ động chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực Ủy ban mình phụ trách. Đề nghị ban Dân nguyện phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan để tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giao nhiệm vụ cho các cơ quan theo đúng chức năng, thẩm quyền. Đồng thời rút kinh nghiệm báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ hợp cần khắc phục các hạn chế để phản ánh đúng, đầy đủ ý kiến của người dân, rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho các Đoàn giám sát thống kê, kiểm đếm các vụ việc nổi cộm, tồn đọng, chỉ rõ cấp có thẩm quyền giải quyết các vụ việc./.