ĐẢM BẢO GIẢI QUYẾT ĐƯỢC VẤN ĐỀ PHÁT SINH LIÊN QUAN ĐẾN ĐIỀU CHỈNH CÁC CHỈ TIÊU THỐNG KÊ QUỐC GIA

13/10/2021

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, sáng ngày 13/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

 


Toàn cảnh Phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Tại Phiên thảo luận, đề cập dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 17/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 và Thông báo số 155/TB-TTKQH ngày 20/9/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kết luận số 01 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, tháng 9/2021, Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Mục đích sửa đổi, bổ sung Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự tăng trưởng.

Sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia

Trên nguyên tắc và phương pháp thống kê đã được quốc tế công nhận, các quy định của Luật Thống kê, các Luật chuyên ngành có liên quan, khả năng có thể tính toán các chỉ tiêu thống kê do các Bộ, ngành đề xuất và thực tiễn triển khai của các quốc gia khác trên thế giới, Chính phủ đã nghiên cứu và đề nghị chỉ tập trung sửa đổi những nội dung lớn, đã rõ và thực hiện được ngay bảo đảm kịp thời cung cấp thông tin sát thực với tình hình phát triển của đất nước, phản ánh thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam trong thời kỳ mới; Đồng thời, để có số liệu, thông tin thống kê phục vụ kịp thời cho công tác chỉ đạo, điều hành, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung 03 nội dung lớn nhằm làm rõ quy trình biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia; không ảnh hưởng, tác động đến các nội dung trong các điều, khoản khác của Luật Thống kê hiện hành, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Bổ sung quy định về việc giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) và chỉ tiêu Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP).

Thứ hai: Bổ sung quy định về việc định kỳ 05 năm rà soát về việc đánh giá lại quy mô Tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội.

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền công bố thông tin của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê như các lý do đã nêu trong Tờ trình số 378/TTr-CP của Chính phủ nhằm thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện kịp thời việc thu thập, tổng hợp và bảo đảm số liệu thống kê phản ánh khách quan, chính xác, kịp thời, đầy đủ, thống nhất, phục vụ Đảng, Nhà nước trong hoạch định đường lối, chính sách và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật hiện có 02 loại ý kiến. Một số ý kiến nhất trí với phạm vi sửa đổi như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, theo đó sửa đổi 02 điều, mở rộng phạm vi, bổ sung nội dung về nâng cao vai trò trách nhiệm xây dựng quy trình biên soạn tính toán chỉ tiêu GDP và GRDP của cơ quan thống kê Trung ương; xác định rõ thẩm quyền rà soát, đánh giá lại quy mô GDP; công khai, minh bạch phương pháp tính, nguồn số liệu, công bố thông tin thống kê và sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Việc sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu hiện nay, bảo đảm phản ánh sát thực và đầy đủ hơn bức tranh kinh tế của đất nước phục vụ Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối, chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu thông tin của các đối tượng dùng tin trong và ngoài nước.

Đa số ý kiến cho rằng, so với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3, dự thảo Luật đã sửa đổi tên, sửa đổi, bổ sung  2 điều của Luật, đồng thời tiếp thu, sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh một số nội dung đã được tiếp thu, giải trình trong Báo cáo số 377/BC-CP, hầu hết các nội dung trong các nhóm vấn đề theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được tiếp thu, bổ sung và đang được giải trình với lý do cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể và toàn diện, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề nghị chưa quy định những nội dung này trong dự án Luật trình lần này. Do đó, ý kiến này cho rằng cần phải được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung thêm các vấn đề theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát các vấn đề còn vướng mắc trong thực tiễn để đề xuất, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo, giải trình rõ về phương hướng, lộ trình xử lý các vấn đề còn lại.

Dự án Luật cần giải quyết được những vấn đề phát sinh, liên quan đến điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê quốc gia

Gợi ý cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Tại Phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và thông báo kết luận phiên họp đề nghị Chính phủ làm rõ 7 nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Luật Thống kê và đề nghị cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào tháng 10/2021.

Tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe các Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để hoàn thiện dự án luật. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng các nội dung trong nhóm vấn đề theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa được tiếp thu, bổ sung, đang được giải trình và cần được nghiên cứu một cách tổng thể, toàn diện.


Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên thảo luận.

Nhiều nội dung cơ quan thẩm tra cũng đề nghị chưa được tiếp thu, giải trình. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị bố trí thêm phiên họp chuyên đề của Quốc hội vào thời gian phù hợp cuối năm 2021 để xem xét dự án Luật này cùng với các nội dung cấp bách khác hoặc lùi thời gian để trình Quốc hội xem xét dự án Luật tại kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trước tiên cho phép sửa đổi một số điều và bổ sung nội dung trong danh mục, điều chỉnh lại nội dung trong danh mục các chỉ tiêu thống kê. Về lâu dài, phải nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng thể, chọn lọc để đánh giá tác động nhiều mặt đối với lại việc ban hành Luật Thống kê.

Về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật rà soát kỹ, không để xảy ra việc chỉ trình Quốc hội sửa mục phụ lục chỉ tiêu thống kê, sau đó một thời gian ngắn lại đề nghị sửa đổi luật. Việc xem xét thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp hay 2 kỳ họp tùy thuộc vào chất lượng của dự án Luật. Căn cứ vào hồ sơ dự án Luật, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật, làm rõ các nội dung Thường vụ đề nghị.

Cho ý kiến tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao tinh thần cầu thị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan được Chính phủ tham mưu để trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Tiếp thu từ Phiên họp lần trước, Bộ đã phối hợp với các cơ quan để chỉnh lại hồ sơ và đổi tên từ dự án chỉ sửa đổi phụ lục sang dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối với dự án Luật cũng rất công phu, trách nhiệm, đúng với những ý kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận tại Phiên họp lần trước.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đóng góp ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, có một số nội dung mà cơ quan soạn thảo và thẩm tra cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn. Ví dụ như vấn đề gia tăng giá trị của chỉ tiêu thống kê bằng cách là những đặt hàng, xuất bản những ấn phẩm thống kê đã có biên soạn làm giá trị gia tăng thêm. Hay ví dụ như thống kê ở bên ngoài các cơ quan Nhà nước, vai trò giám sát của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước...

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần tiếp thu, sửa đổi Điều 18, 19 sao cho giải quyết được những vấn đề phát sinh, liên quan đến điều chỉnh các chỉ tiêu thống kê quốc gia, nhất là tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ tiêu thống kê liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố thường trực Trung ương, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô... Việc rà soát này là việc làm định kỳ, thường xuyên của thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.

Trong quá trình thực hiện rà soát, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể phối hợp và lắng nghe ý kiến đóng góp của các ngành, các địa phương để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội khóa XV xem xét trong Kỳ họp thứ 2. Nếu thấy các ngành nào có những vấn đề gì vướng mắc thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ủy ban Kinh tế có thể hướng dẫn rõ hơn.

Nêu quan điểm đối với dự án Luật, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhất trí cao với việc đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê thành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ ba để luật hóa những yêu cầu về đổi mới pháp luật về thống kê.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, dự án Luật là một bộ công cụ để phục vụ cho hoạt động điều hành đất nước nên cũng cần thiết cho ý kiến sớm. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo và thẩm tra dự án Luật rà soát kỹ những chỉ tiêu để đảm bảo sát thực tiễn và cũng đảm bảo được dự báo trong thời gian ngắn hạn.


Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nêu quan điểm.

Cũng tại Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về chỉ tiêu thống  kê cần phù hợp với từng vùng miền, vùng dân tộc thiểu số; các Bộ ngành, lĩnh vực.

Phát biểu kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo và thẩm tra đã nỗ lực, có trách nhiệm trình tự dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê cũng như đánh giá cao những ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đố với dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra tiếp thu đầy đủ các nhóm vấn đề theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 3 và để bổ sung báo cáo đánh giá tác động, báo cáo thẩm định của Bộ Tư pháp và các báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật đối với các nội dung mới, bổ sung; Thống nhất điều chỉnh một số điều theo như đề nghị của Chính phủ; Thống nhất đưa vào chương trình sửa đổi tên, áp dụng quy trình rút gọn thảo luận và thông qua tại một kỳ họp là kỳ họp thứ 2 của Quốc hội.

Cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cũng lưu ý bổ sung các nội dung để đảm bảo chất lượng, độ tin cậy chính xác của thông tin, thống kê việc xử lý khi có sự khác biệt không thống nhất trong số liệu cùng một chỉ tiêu thống kê; Việc điều chỉnh cách tính, đánh giá lại một số chỉ tiêu thống kê; Nâng cao chất lượng công tác thống kê của các Bộ, ngành đối với nhiệm vụ được phân công; Vai trò của cơ quan thống kê trung ương trong việc thẩm định số liệu thống kê của các Bộ, ngành; Tiếp cận, chia sẻ, phổ biến kết quả điều tra, thống kê sau khi đã được công bố; Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thống kê. Đây là những vấn đề căn cơ đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo chất lượng công tác thống kê thích hợp theo tình hình mới và đảm bảo đánh giá tác động tổng thể.


Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu Kết luận tại Phiên thảo luận.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cần làm rõ tiếp thu, giải trình các ý kiến của cơ quan thẩm tra. Lưu ý một số nội dung có liên quan đến việc các chỉ tiêu thống kê, đó là làm rõ việc phải thống nhất với cơ quan thống kê Trung ương trước khi công bố thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, quy định chuyển tiếp sau khi sửa đổi luật cần xác định rõ, rà soát, cân đối số lượng chỉ tiêu giữa các nhóm. Một số chỉ tiêu khá nhiều nhưng vẫn thiếu các chỉ tiêu mang tính đo lường, tổng hợp, cần nghiên cứu để bổ sung đối với các chỉ tiêu liên quan đến vùng và liên kết vùng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải còn đề nghị các cơ quan nghiên cứu để phản ánh và đo lường được mức độ phát triển kinh tế vùng hay mức độ liên kết kinh tế trong vùng và giữa các vùng, mức độ phát triển và đóng góp của kinh tế đô thị; Nghiên cứu về việc đối với các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới, nhóm chỉ tiêu liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chỉ tiêu về nhóm tiền tệ, bảo hiểm, chứng khoán; Bổ sung nhóm chỉ tiêu có liên quan đến dân tộc, miền núi và các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan soạn thảo của Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra, có thể trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và làm căn cứ để rà soát, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua. Đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục xem xét, hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến./.

Bích Lan-Minh Thành

Các bài viết khác