ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC MẪU CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI

18/08/2021

Chiều 18/8, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Toàn cảnh Phiên họp 

Trình bày Tờ trình về việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Luật tổ chức Quốc hội và nhiều đạo luật khác đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Trong đó, có nhiều quy định mới cần triển khai thực hiện như việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Quốc hội, thực hiện tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách theo mục tiêu đã đề ra; giảm hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm công tác ở các cơ quan hành pháp. Quy định số lượng với tỉ lệ hợp lý giữa lãnh đạo, uỷ viên thường trực, uỷ viên chuyên trách của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội theo hướng giảm số lượng cấp phó và uỷ viên thường trực. Ngoài ra, việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã và đang đặt ra yêu cầu đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, bảo đảm tính kế thừa, tính chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong hoạt động của đại biểu dân cử.

Do đó, việc ban hành Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết, tạo sự thống nhất về nguyên tắc trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, pháp luật về tổ chức và hoạt động trong các cơ quan của Quốc hội; bổ sung những nội dung cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động để thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban, Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Uỷ ban và các đại biểu Quốc hội là thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh 

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Nghị quyết được xây dựng dựa trên quan điểm: Phù hợp với khuôn khổ pháp lý hiện hành về địa vị pháp lý, tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội; Phù hợp với định hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội. Giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; thể chế hóa chủ trương đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, khắc phục hạn chế, bất cập. Đồng thời, xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát huy kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban các nhiệm kỳ trước; Điều chỉnh cơ bản lề lối, cách thức làm việc và các mối quan hệ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội;  Đề cao trách nhiệm cá nhân và phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội chuyên trách và các thành viên trong thực hiện nhiệm vụ;….

Cho biết về bố cục và nội dung của Quy chế, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu rõ: Dự thảo Quy chế làm việc mẫu được bố cục gồm 4 chương với 37 điều. Trong đó, tại Chương III sẽ quy định chi tiết về quy trình, trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động, bao gồm: xây dựng và thực hiện chương trình công tác; trách nhiệm chuẩn bị thẩm tra, tham gia thẩm tra các dự án, dự thảo, báo cáo, đề án do các cơ quan khác của Quốc hội chủ trì; tham gia thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội, dự toán và quyết toán ngân sách hằng năm; tổ chức phiên họp toàn thể , các hoạt động lấy ý kiến, tham vấn công chúng…; mối quan hệ công tác với các cơ quan trong bộ máy nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Thảo luận tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thể hiện quan điểm thống nhất cao với nhiều nội dung tại dự thảo Quy chế mẫu do Ban Công tác đại biểu trình. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, cần làm rõ và bổ sung chi tiết hơn tại khoản 4, Điều 19 về nội dung phối hợp giữa Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cần bổ sung 4 nội hàm trong công tác phối hợp, cụ thể: Phối hợp trong việc xây dựng nội dung chương trình, trình tự thủ tục các kỳ họp Quốc hội, kỳ họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của lãnh đạo Quốc hội; Phối hợp trong chuẩn bị nội dung dự thảo các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phối hợp trong xây dựng các báo cáo tổng hợp tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Quốc hội; Phối hợp trong phục vụ các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, tài chính,…cho hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; Phối hợp trong quản lý cán bộ công chức phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội.

Đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban Công tác đại biểu trong việc xây dựng Dự thảo Quy chế mẫu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, về nội dung Quy chế cân nhắc bổ sung và làm rõ thêm quy định về Tiểu ban. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cần quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban; mối quan hệ giữa Tiểu ban với Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban; …. Ngoài ra, cũng phải xác định rõ chế độ trách nhiệm của Tiểu ban; Tiểu ban sẽ hoạt động theo chế độ trách nhiệm tập thể hay cá nhân? Giá trị của báo cáo nghiên cứu, báo cáo đề xuất của Tiểu ban được xác định như thế nào cũng cần làm rõ hơn?. Liên quan đến quy định về Nhóm nghiên cứu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đây chỉ là một cơ chế, cách thức làm việc của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, do đó nên để linh hoạt không cần quy định cứng vào Quy chế.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị, cần có Tổng kết đánh giá việc xây dựng ban hành thực hiện Quy chế làm việc (hoạt động) của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban vừa qua làm cơ sở để xây dựng, ban hành Quy chế mới; Làm rõ hơn sự cần thiết và mục đích ban hành văn bản; căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn, yêu cầu đặt ra trong việc đổi mới lề lối làm việc. Đồng thời, trong quan điểm chỉ đạo cần bổ sung: “Giữ vững, tăng cường sự Lãnh đạo của Đảng; thể chế hóa chủ trương đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, khắc phục hạn chế, bất cập…”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành Quy chế làm việc mẫu. Đây là nội dung đã được nghiên cứu khảo sát tất cả cơ quan của Quốc hội, trình với Đảng đoàn Quốc hội, ban hành trong Chương trình Hành động của Đảng đoàn Quốc hội nhằm thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng.

Cho ý kiến vào nội dung cụ thể của Quy chế, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục làm rõ hơn quy định về Tiểu ban. Trong đó, tại khoản 5 bổ sung thêm nội dung “thành viên khác của Tiểu ban là các thành viên Nhóm nghiên cứu mà không phải là người của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và không phải là Đại biểu Quốc hội thì hoạt động theo chế độ chuyên gia, cộng tác viên ”. Chế độ chuyên gia, công tác viên này sẽ theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, cũng cần phải có quy định tại Điều 15 về hình thức họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban;….

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn 

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình nghiên cứu, sự phối hợp và chuẩn bị kỹ lưỡng của Ban Công tác đại biểu trong việc xây dựng Quy chế làm việc mẫu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Dự thảo văn bản có nhiều nội dung đáp ứng với định hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội; có kế thừa, phát huy kinh nghiệm tổ chức hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội qua các nhiệm kỳ.

Tại phiên họp, với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc định hướng chung và giao Ban Công tác đại biểu chủ trì phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội rà soát thống nhất các nội dung, hoàn thiện Nghị quyết để gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành./.

Lê Anh - Minh Thành

Các bài viết khác