Trước đó, trong phiên họp khai mạc chiều 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày các Tờ trình của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 05 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2021-2025 bám sát định hướng của Đảng
Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao các báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội; cho rằng các báo cáo đã bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đánh giá bám sát các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV khi chúng ta triển khai các nội dung, cũng như Kết luận Hội nghị Trung ương 3 mới đây và sát hợp với tình hình thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận
Có ý kiến cho rằng các báo cáo cơ bản toàn diện giai đoạn 2016-2020, đất nước ta ngày càng lớn mạnh, với một nền kinh tế có độ mở rất lớn và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, nếu như năm 2020 không có đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới thì sự phát triển của đất nước rất là trọn vẹn. Qua các năm, hầu như tăng trưởng GDP năm sau cao hơn năm trước, riêng năm 2020 chỉ đạt 2,91%, nhưng cũng là tăng trưởng dương so với các nước ở khu vực Châu Á và trên thế giới. Tuy nhiên, nước ta đang gặp không ít khó khăn và bất cập. Trong đó, nội tại của nền kinh tế chưa mạnh, tăng trưởng nhưng chưa đảm bảo sự bền vững. Tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề, ảnh hưởng rất lớn. Bên cạnh đó, tác động của đại dịch COVID-19 còn đánh giá chưa hết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và người dân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các báo cáo của Chính phủ cần đánh giá sát, đúng và làm nổi bật hơn nữa kết quả, thành tựu của 5 năm trước; đồng thời đánh giá thêm tình hình của năm 2020 vượt khó thế nào, cũng như một số chỉ tiêu đạt thấp hơn kỳ vọng hoặc chưa đạt.
Về kế hoạch tài chính trung hạn đã giải quyết tốt vấn đề chi đầu tư phát triển, bảo đảm các nhu cầu chi thường xuyên. Một số chính sách như cải cách tiền lương chưa được thực hiện đúng lộ trình vì hụt thu do tác động của đại dịch Covid – 19. Cơ cấu thu – chi ngân sách rất tích cực. Nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao (như Hà Nội đạt tới 93%). Chi thường xuyên giảm mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 49% - 51%.... do vậy cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để tạo sự lan tỏa ra các địa phương khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận việc giải quyết tốt nhiệm vụ xử lý nợ xấu, nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt rất thành công trong việc tái cơ cấu nợ. Do đó, cần đánh giá kỹ, nhấn mạnh bài học kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Về đầu tư công, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận về cơ bản trong 5 năm vừa qua chúng ta đã khắc phục được tình trạng đầu tư công dàn trải, số lượng dự án giảm hơn một nửa, hiệu quả tốt hơn. Đặc biệt, sau khi Luật Đầu tư công được sửa đổi và kết hợp với công tác điều hành, năm 2020 tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt mức cao nhất từ trước đến nay, lên đến 97 – 98%. Bên cạnh đó, đề nghị đánh giá thêm việc lần đầu tiên chúng ta vận hành cơ chế đầu tư công trung hạn. Trước đây, chúng ta làm kế hoạch đầu tư công hàng năm, khi chuyển sang kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng có những khó khăn trong công tác điều hành.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị nhấn mạnh vấn đề củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu hàng đầu, phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo an ninh tài chính, an toàn nợ công; Đánh giá thêm về chất lượng tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh, nhân tố về văn hóa, con người, khoa học, công nghệ, tính tự chủ kinh tế và cân đối hơn nữa giữa kinh tế - xã hội, môi trường, quốc phòng an ninh, cải cách tư pháp, đối ngoại.
Quan tâm đến các nhiệm vụ giải pháp thực hiện
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, các quan điểm và hệ thống chỉ tiêu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm tới đã được cụ thể hóa trên cơ sở nghị quyết của Đại hội và được Trung ương đã cho ý kiến. Do đó, vấn đề cần được Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm, đồng thời tập trung bàn sâu về vấn đề giải pháp để tổ chức thực hiện.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, cần đánh giá sâu hơn những điểm yếu ảnh hưởng đến nền tài chính, quy mô trong thu-chi giai đoạn vừa qua, nhất là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá về số doanh nghiệp rút khỏi thị trường để thấy sức mạnh của nền kinh tế, làm rõ thực trạng về tác động của dịch COVID-19 đối với doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở định hướng tài chính cho những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị nên đưa ra những kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm, giai đoạn để có cơ sở cho cả 5 năm. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Một là phải có giải pháp thực hiện triệt để, thắt chặt tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư. Hai là phải đảm bảo tối đa an toàn nợ công, ngưỡng an toàn của nợ Chính phủ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là giải pháp đã được Chính phủ lường trước nhưng cần phải quan tâm hơn nữa để chỉ đạo các ngành, các cấp và các địa phương. Ba là về chính sách kinh tế vĩ mô mang tính dài hạn, phải quan tâm phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy sự kết nối doanh nghiệp trong nước với người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp
Cho rằng các báo cáo đã được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về bức tranh của nền kinh tế cũng như đề xuất các giải pháp rất là khả thi, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phương hướng, nhiệm vụ định ra trong 5 năm tới sẽ làm gì? Đồng thời đề nghị quan tâm đến một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp.
Về nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển đô thị Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, hiện nay đầu tư cho lĩnh vực giao thông thủy và hàng hải còn rất hạn chế, ít được quan tâm, trong khi đây là một lĩnh vực đang có dư địa. Do đó, cần bổ sung thêm nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng của lĩnh vực đường thủy, trong đó có hàng hải và đường thủy nội địa; quan tân đến hệ thống cảng, cảng biển, cảng sông, đặc biệt là các tuyến đường kết nối với các cảng; có cơ chế, chính sách để thúc đẩy đối với phát triển đội tàu, bao gồm tàu vận tải hành khách, tàu vận tải hàng hóa và nguồn nhân lực cho vận tải biển.
Dẫn chứng vùng Tây Nguyên là một vùng cũng rất là tiềm năng, đất đai màu mỡ, trù phú, khí hậu trong lành và môi trường rất thuận lợi, nhưng hiện tại mỗi tỉnh phát triển theo cách riêng. Nêu rõ, vấn đề đặt ra ở đây là liên kết, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng cần phải quan tâm và nghiên cứu để bổ sung cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo đối với liên kết vùng, khắc phục tình trạng tỉnh nào biết tỉnh ấy, cần phải xây dựng cơ chế để có chỉ đạo, giao ban, phải có người chỉ huy, phải phân công nhiệm vụ. Đồng thời cần phải có một giải pháp về cải cách hành chính, nghiên cứu thí điểm việc cải cách thủ tục hành chính hay liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu.
Cùng quan điểm về việc làm rõ các nhiệm vụ, giải pháp, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đặt vấn đề cần làm rõ hơn hướng đi của việc xây dựng hạ tầng chiến lược trong 5 năm tới về các nội dung như hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cần có trọng tâm của các loại hạ tầng này như thế nào, làm cơ sở xây dựng cơ chế cho từng loại hạ tầng; Đề nghị làm rõ hơn về vùng động lực và cực tăng trưởng để thực sự đi vào thực tiễn và tạo được sự lan tỏa trong thời gian tới. Làm rõ cơ chế, chính sách cho vùng động lực và cực tăng trưởng. Đề nghị xác định rõ cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo hay như họp Trung ương có dùng từ là "nhạc trưởng" để điều hành vùng, liên vùng.
Cho rằng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Báo cáo của Chính phủ đề cấp đến "cá thể hóa trách nhiệm" và cho rằng đây là một chế định hay, thể hiện việc chúng ta có những bước cụ thể hơn về khâu tổ chức thực hiện, song Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng cho rằng cần phải được cụ thể bằng những quy định để thể hiện cá thể hóa trách nhiệm này, quy định trách nhiệm của các cơ quan từ trung ương đến địa phương như thế nào, trong đó có chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh, nhưng phân cấp, phân quyền phải đi liền với hậu kiểm. Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị quan tâm hơn, dày công hơn cho phần tổ chức bộ máy và tổ chức thực hiện./.