HÌNH ẢNH ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

22/04/2020

Chiều ngày 22/4 tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về cơ bản, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật và nhận thấy, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật về điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, xóa đăng ký thường trú, quản lý cư trú đối với người không đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú... để bảo đảm các quy định này không gián tiếp tạo thành các rào cản đối với công dân trong việc thực hiện quyền tự do cư trú. 

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cũng cơ bản tán thành với sự cần thiết và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính kết nối hạ tầng thông tin, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời đánh giá thêm về sổ hộ khẩu điện tử, cụ thể thông tin thêm về kinh nghiệm các nước quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại phiên họp:

Chiều ngày 22/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Cư trú (sửa đổi).

Trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Cư trú để tiếp tục thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về quyền tự do cư trú của công dân, tạo hành lang pháp lý bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân. 

Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, các quy định của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ cũng như Bộ Công an khi trình dự án Luật này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hiện nay dòng dịch chuyển lao động, cư trú của chúng ta trong thời kỳ mới đã khác trước rất nhiều, tình trạng di cư lao động diễn ra phổ biến, lao động nông thôn dịch chuyển về đô thị… do vậy, cần phải có phương thức quản lý mới kịp thời về cư trú.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự án Luật Cư trú (sửa đổi) liên quan đến nhiều bộ luật, luật khác, cả về dân sự, kinh tế, hình sự, hành chính…, nhất là liên quan đến các thủ tục về sổ hộ khẩu nên cần cân nhắc kỹ lưỡng để không phát sinh vấn đề pháp lý liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính kết nối hạ tầng thông tin, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời đánh giá thêm về sổ hộ khẩu điện tử, cụ thể thông tin thêm về kinh nghiệm các nước quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, việc quản lý theo mã số định danh sẽ giúp biết người dân đi đến đâu nhanh chóng, dễ theo dõi cho các cơ quan chức năng. Việc bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu để thay thế bằng quản lý theo mã số định danh cá nhân, cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú là phương thức tiến bộ, mà từ lâu nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết của Luật sửa đổi này; đồng thời nhất trí bổ sung dự án Luật này vào chương trình năm 2020; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự cố gắng của Bộ Công an trong thời gian ngắn đã đưa ra một số chính sách lớn nhất là mục tiêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp rà soát các quy định để quy định cụ thể bảo đảm quyền tự do công dân, để sau khi Luật có hiệu lực có thể thi hành được ngay.

Nghĩa Đức