KẾT LUẬN CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI TẠI PHIÊN HỌP THỨ 32

25/03/2019

Từ ngày 11 đến 13/3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 32 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để cho ý kiến về 06 nội dung và thông qua 04 Nghị quyết. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội trân trọng thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp như sau:

1. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước để thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và khắc phục một số vướng mắc của Luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước:

- Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung các nội dung thật sự cần thiết, bám sát tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW và thực tiễn qua 3 năm thi hành Luật; tập trung vào một số nội dung liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan liên quan; các quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động Kiểm toán nhà nước, tránh chồng chéo trong quy định về thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước với các cơ quan chức năng.

 Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Không mở rộng đối tượng kiểm toán, đơn vị được kiểm toán như dự thảo Luật vì phạm vi quá rộng, trường hợp cần thiết chỉ làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán.

- Cân nhắc quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Kiểm toán nhà nước. 

- Tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc việc Kiểm toán nhà nước ra quyết định truy thu các khoản nộp ngân sách nhà nước, bảo đảm thống nhất với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến và chuẩn bị thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và hệ thống pháp luật hiện hành. 

- Cân nhắc về việc sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nghiên cứu kỹ về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết khiếu nại kết quả kiểm toán. Giữ việc bổ nhiệm kiểm toán viên theo quy định hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 32 và hoàn thiện hồ sơ, bổ sung ý kiến của Chính phủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật, thể hiện rõ quan điểm về điều kiện, chất lượng dự án Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

2. Về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và tên gọi, nội dung của dự thảo Luật như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7; dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa được các nghị quyết của Đảng, phù hợp với quy định có liên quan của Hiến pháp năm 2013. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo:

- Tiếp tục rà soát, bám sát chủ trương của Đảng về yêu cầu tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách tiền lương và phụ cấp.

- Cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, tránh “chính quy hóa” lực lượng này; rà soát nội dung tránh chồng chéo hoặc nhắc lại nội dung đã được quy định trong các luật chuyên ngành; sắp xếp bố cục cho hợp lý.

- Làm rõ hơn về vị trí, chức năng của dân quân và của tự vệ để có quy định cho rõ ràng, cụ thể, phù hợp về quy mô tổ chức, độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, nhiệm vụ, huấn luyện, đào tạo và việc thực hiện chế độ, chính sách.

- Đánh giá thêm việc bố trí sĩ quan quân đội đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay trong thời bình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, đồng thời tương ứng về chế độ, chính sách với Công an xã đang xây dựng chính quy.

- Quy định rõ hơn về điều kiện thành lập tự vệ trong doanh nghiệp; bảo đảm khả thi và công bằng về quyền, nghĩa vụ thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội thẩm tra chính thức dự án Luật theo quy trình để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

3. Về dự án Luật Kiến trúc

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao và thống nhất với những nội dung lớn trong tiếp thu, giải trình do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan trình, đồng thời lưu ý một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật như sau: 

- Về phạm vi điều chỉnh: Thống nhất phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật về 02 nhóm chính sách là quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc.

- Về chính sách của nhà nước trong hoạt động kiến trúc: Cần tiếp tục rà soát bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn, cũng như khả năng của ngân sách nhà nước nhằm phát huy năng lực sáng tạo và thúc đẩy xã hội hóa.

- Về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc: thống nhất sự cần thiết quy định nội dung này trong dự thảo Luật để phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam và hạn chế kiến trúc ngoại lai, phản cảm, phá vỡ cảnh quan kiến trúc mang tính lịch sử, văn hóa truyền thống. Cần có những quy định mang tính định hướng nhằm khuyến khích và hướng dẫn tổ chức, cá nhân giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.

- Về quy chế quản lý kiến trúc: Nhất trí với quy định về Quy chế quản lý kiến trúc trong dự thảo Luật để làm căn cứ quản lý hoạt động kiến trúc; không quy định về quy chế quản lý kiến trúc cấp xã. 

- Về Hội đồng kiến trúc: Nhất trí với quy định về Hội đồng kiến trúc quốc gia, Hội đồng kiến trúc cấp tỉnh được thành lập khi cần thiết và làm việc kiêm nhiệm, tự giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ.

- Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc: Thống nhất với quy định về chứng chỉ hành nghề kiến trúc, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập Hội đồng xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc bao gồm đại diện cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quyết định số lượng thành viên của Hội đồng cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Sau khi Hội đồng thông qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo thẩm quyền. 

- Về quản lý nhà nước về kiến trúc: Đề nghị rà soát lại “Chương IV trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc” để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý như thời gian vừa qua đối với kiến trúc đô thị, kiến trúc nông thôn; làm rõ chủ thể có vai trò quản lý thống nhất nhằm bảo đảm tính đồng bộ, hài hòa về kiến trúc. 

Giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu ý kiến nêu trên và hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình tiếp thu và dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội.

4. Về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình tại phiên họp này đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến Nhân dân, ý kiến đại biểu Quốc hội, cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra, Ban soạn thảo và các cơ quan liên quan cần tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, trong đó lưu ý thêm các vấn đề sau:

- Về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông: Quy định liên thông theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và phù hợp với các luật liên quan. 

- Về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành được thực hiện thống nhất trong cả nước; sách giáo khoa là tư liệu giảng dạy, được thẩm định bởi Hội đồng quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập. Quy định cụ thể Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục và Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phê duyệt, hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa. Việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa phải bảo đảm phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản. Đề nghị Ban soạn thảo phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp tục hoàn thiện nội dung này theo tinh thần Nghị quyết số 88/2014/QH13 và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

- Đối với quản lý nhà nước về giáo dục: Cần rà soát vấn đề phân cấp và trách nhiệm quản lý nhà nước. Đối với việc phân công nhiệm vụ của các bộ, ngành ở một số nội dung, đề nghị giao Chính phủ quy định. 

- Về quyền và nghĩa vụ của giáo viên, nhất là vấn đề đạo đức của giáo viên, hiện nay dư luận đang rất quan tâm, đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy tắc ứng xử của giáo viên, giao rõ thẩm quyền cho Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị ý kiến về nội dung này để giải trình tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (tháng 4/2019).

- Về chính sách đối với người học là người dân tộc thiểu số: Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, bổ sung quy định chính sách trợ cấp và miễn, giảm học phí cho người học là người dân tộc thiểu số ở địa bàn đã được công nhận thoát khỏi vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Về một số nội dung khác như quy định ngày khai giảng, bế giảng; quyền và nhiệm vụ của nhà giáo; trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội: Đề nghị tiếp tục nghiên cứu, làm rõ trong quá trình giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan:

- Tiếp tục hoàn thiện các nội dung trên; rà soát kỹ thuật lập pháp nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đặc biệt là với Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp; báo cáo xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách. 

- Hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật để gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy trình để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7. 

5. Về dự án Luật Thư viện

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Thư viện để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển văn hóa đọc và sự nghiệp thư viện. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ dự án Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tháng 4/2019; đồng thời, lưu ý các vấn đề sau:

- Về chính sách của Nhà nước về phát triển thư viện: Nhà nước cần quan tâm, có chính sách đầu tư khắc phục khó khăn, hạn chế hoạt động thư viện trong nhiều năm qua. Trong điều kiện nước ta hiện nay, Nhà nước cần đầu tư cho hoạt động thư viện theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, trong đó quy định cụ thể, khả thi các chính sách ưu tiên hiện đại hóa, số hóa các thư viện công lập trọng điểm; đẩy mạnh hoạt động liên thông từ các thư viện công lập trọng điểm và thư viện khác đến những nơi có nhu cầu; khuyến khích xã hội hóa, huy động các nguồn lực tham gia phát triển thư viện.

- Về các loại hình thư viện: Làm rõ mô hình tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và việc thành lập, cơ chế hoạt động của các loại hình thư viện, như: thư viện công cộng do Ủy ban nhân dân các cấp thành lập, thư viện đại học, thư viện trường đại học, thư viện viện nghiên cứu, thư viện trường phổ thông, thư viện số, thư viện cộng đồng,... 

- Về phí hoạt động thư viện: Phân định rõ về phí giữa thư viện công lập và ngoài công lập; quy định về các dịch vụ người dùng có trả chi phí phù hợp, tạo điều kiện cho thư viện phát triển, nhất là đối với thư viện ngoài công lập. 

- Về trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp: Quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với hệ thống thư viện trực thuộc.

- Về xếp hạng thư viện: Cân nhắc về sự cần thiết và tính khả thi của quy định này. 

- Về tổ chức, biên chế thư viện: Phải đảm bảo nguyên tắc không làm tăng tổ chức và biên chế theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

- Về hồ sơ dự án Luật: Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, trong đó cần bổ sung phần đánh giá tác động của việc sắp xếp mạng lưới thư viện, tổng kết đánh giá về người sử dụng thư viện trong những năm qua. 

- Về kỹ thuật lập pháp: Chỉnh sửa, hoàn thiện phần giải thích một số thuật ngữ đảm bảo văn phong pháp luật; tiếp tục rà soát kỹ thuật văn bản, đảm bảo tính khả thi và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

6. Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ đọng thuế, tiền phạt và tiền chậm nộp đã tồn tại trong nhiều năm trước để lại, không còn khả năng thu nộp ngân sách nhà nước, đến nay không còn đối tượng để thu nhưng chưa có cơ chế xử lý. Đồng thời cho rằng, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước là đúng thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ: 

- Làm rõ trách nhiệm của đối tượng nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, các bộ, ngành, địa phương liên quan đến nợ đọng thuế trong thời gian qua. 

- Bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định về trách nhiệm và xử lý sai phạm trong việc xóa nợ thuế, bảo đảm tăng cường công tác quản lý thu thuế, kiên quyết chống gian lận, trốn thuế, chây ỳ thuế.

- Căn cứ vào dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 và tình hình thực tế, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 32, ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, rà soát tổng thể những vấn đề còn vướng mắc trong quản lý nợ đọng thuế cần xử lý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm việc xóa nợ thuế chặt chẽ, công bằng, công khai và đúng pháp luật, tránh lạm dụng việc xóa nợ thuế để chây ỳ, trốn thuế, cố tình vi phạm quy định về quản lý thuế gây thất thu ngân sách nhà nước; không ảnh hưởng đến các chính sách khác có liên quan như: chính sách bảo hiểm, chính sách tín dụng…; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019)theo trình tự, thủ tục rút gọn.

7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 04 Nghị quyết:

- Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021;

- Quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018;

- Thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên;

- Thành lập thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

*

*          *

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của Phiên họp.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội