Thông cáo phiên họp thứ 29 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XII

20/03/2010

Từ ngày 15 đến ngày 19 tháng 3 năm 2010, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 29 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 3 dự án luật đã được Quốc hội thảo luận lần đầu tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XII, bao gồm: Luật bưu chính; Luật nuôi con nuôi; Luật thuế nhà, đất. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 3 dự án luật trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII, đó là: Luật thuế môi trường; Luật khoáng sản (sửa đổi); Luật biển Việt Nam.

- Về dự án Luật thuế môi trường: Trong thời gian qua, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái và sự phát triển bền vững của đất nước. Trong khi đó, nhiều hành vi gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường chưa được xử lý nghiêm minh, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa cao. Thực trạng này đòi hỏi phải ban hành Luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, nhằm xử lý các hành vi gây tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao chất lượng môi trường sống; tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường; bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế bảo vệ môi trường. Đồng thời, bảo đảm việc thực hiện các cam kết quốc tế, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới.

- Về dự án Luật khoáng sản (sửa đổi): Luật khoáng sản được thông qua năm 1996 và sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2005 là cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển công nghiệp khai khoáng và tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước về khoáng sản. Tuy nhiên, sau 13 năm thi hành, Luật đã bộc lộ một số bất cập, như các quy định về khoáng sản chưa được đồng bộ với các hệ thống văn bản pháp luật khác; chưa có cơ chế huy động nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khai khoáng; nội dung phân cấp thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản chưa hợp lý; công tác tổ chức, lập, thực hiện quy hoạch khoáng sản còn bất cập; tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành về khoáng sản chưa đủ mạnh… Do vậy, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm khắc phục những bất cập trên, đồng thời, đảm bảo điều chỉnh các chính sách phù hợp với cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất về dự kiến chương trình kỳ họp thứ bảy của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chuẩn bị. Dự kiến, Quốc hội khai mạc ngày 20-5-2010 và bế mạc ngày 25-6. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, 2 dự thảo Nghị quyết (10 dự án luật đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu; 2 dự án luật và 2 dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp); cho ý kiến về 10 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước; giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn và một số vấn đề quan trọng khác.

Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, tiếp tục chuẩn bị các dự án, báo cáo… trình Quốc hội đảm bảo tiến độ và chất lượng.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội

Thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội nhằm kịp thời giải quyết những vấn đề bức thiết của cuộc sống, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của nhân dân, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn đối với 3 vị Bộ trưởng, Trưởng ngành là Bộ trưởng Bộ tài chính, Bộ trưởng Bộ xây dựng và Chánh án tòa án nhân dân tối cao về các vấn đề cụ thể sau:

 Đối với Bộ trưởng Bộ tài chính về: quản lý giá cả, giải pháp kiềm chế lạm phát; phát hành và sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ; trách nhiệm quản lý nhà nước về thuế, hóa đơn đỏ; vốn và tài sản ở các doanh nghiệp nhà nước.

Đối với Bộ trưởng Bộ xây dựng về: quản lý nhà nước về bảo đảm an toàn lao động trong xây dựng; quản lý các khu đô thị; quy hoạch xây dựng.

Đối với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về: việc đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm thẩm phán; thực hiện việc tăng thẩm quyền xét xử của tòa án cấp huyện, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác xét xử, thực trạng công tác xét xử về tranh chấp đất đai.

Phiên chất vấn đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm theo dõi. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành, đồng thời giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu ra nhằm tạo chuyển biến tích cực trong quản lý điều hành thời gian tới.

5. Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu bay; đồng thời, nghe báo cáo kết quả chuyến thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Ấn Độ và In-đô-nê-si-a của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam.

(Văn phòng Quốc hội)