Thông cáo phiên họp thứ 33 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII

27/08/2010

Từ ngày 20 đến ngày 25 tháng 8 năm 2010, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 33 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về 2 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII: Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ bảy) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua theo quy trình một kỳ họp). Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn chỉnh trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII, đó là: Luật khiếu nại; Luật đo lường; Luật phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự.

- Về dự án Luật khiếu nại: Luật khiếu nại, tố cáo ban hành năm 1998, được sửa đổi, bổ sung các năm 2004, 2005, đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khiếu nại và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Tuy nhiên, sau 12 năm thi hành, quá trình triển khai thực hiện Luật đã bộc lộ những hạn chế bất cập, các quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, nhiều vụ việc khiếu nại, phức tạp, diễn ra gay gắt, có đông người tham gia… chưa được giải quyết dứt điểm và kịp thời. Vì vậy, việc ban hành Luật khiếu nại nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành; đồng thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại hiện nay và xây dựng cơ chế hữu hiệu để giải quyết các khiếu nại hành chính phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và thông lệ quốc tế.

 

- Về dự án Luật đo lường: Thực tế hiện nay, hoạt động đo lường đang diễn ra hàng ngày và giữ vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống ở  từng quốc gia, trên phạm vi  khu vực và toàn thế giới. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách, pháp luật về đo lường và hệ thống, hoạt động đo lường đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển hoạt động đo lường để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Do đó, việc ban hành Luật đo lường là rất cần thiết để giải quyết những bất cập trong hoạt động đo lường hiện nay; bảo đảm hoạt động đo lường thống nhất và chính xác, góp phần bảo đảm công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; đồng thời, điều chỉnh thống nhất và toàn diện hoạt động đo lường nước ta để đáp ứng yêu cầu của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Về dự án Luật phòng, chống mua bán người: Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, đa dạng, tính chất, quy mô và thủ đoạn hoạt động ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Trong khi đó, hệ thống các văn bản pháp luật hiện hành về phòng, chống mua bán người của nước ta còn phân tán, chủ yếu là các văn bản dưới luật, hiệu lực pháp lý chưa cao, chưa mang tính đồng bộ, toàn diện, chưa xác định được rõ cơ chế phối hợp hữu hiệu giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác phòng, chống mua bán người. Trước tình hình đó, việc ban hành Luật này là cần thiết, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong phòng, chống tội phạm mua bán người; đồng thời, nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng, có hiệu lực cao, góp phần khắc phục những hạn chế hiện nay, đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn và bảo đảm hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

- Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự: Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành năm 2005, đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Qua thực tiễn hơn 5 năm thi hành, một số quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhiều quy định chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp với thực tiễn và chưa tương tích với văn bản pháp luật khác, chưa đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, chưa đáp ứng được các yêu cầu cam kết quốc tế đa phương và song phương… Do đó, việc tiến hành sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật này là thực sự cần thiết, nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, từng bước hoàn thiện một cách căn bản hệ thống pháp luật tố tụng nói chung và Bộ luật tố tụng dân sự nói riêng, đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự; đồng thời, tiếp tục góp phần thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến tại phiên họp này, chỉnh lý, hoàn thiện các báo cáo, Tờ trình của 3 dự án Luật khiếu nại; Luật phòng, chống mua bán người; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật tố tụng dân sự để tiếp tục trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại các phiên họp sau. Đối với dự án Luật đo lường, đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý và hoàn chỉnh văn bản trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám đảm bảo tiến độ và chất lượng.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII. Ủy ban thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất về dự kiến chương trình kỳ họp thứ tám của Quốc hội do Văn phòng Quốc hội chuẩn bị. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương triển khai các công việc chuẩn bị để kỳ họp Quốc hội diễn ra đúng dự kiến và đạt kết quả tốt.

4. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ quốc phòng và Bộ công an báo cáo về tình hình Biển Đông, tình hình an ninh, trật tự trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; đồng thời, cho ý kiến về dự thảo báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2011; xem xét, thảo luận và nhất trí với đề nghị của Chính phủ trình Chủ tịch nước ký và phê chuẩn Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi.

(Văn phòng Quốc hội)

 
  • Hội đồng Nhân dân
  • Phiên họp thứ 35
  • Tin hoạt động Văn phòng Quốc hội
  • Phiên họp thứ 34
  • Phiên họp thứ 33
  • Phiên họp thứ 32
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2024
  • Tổng kết công tác HĐND toàn quốc năm 2023, triển khai kế hoạch năm 2024
  • Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5
  • Phiên họp thứ 31
  • Phiên họp thứ 30
  • Phiên họp trong kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV
  • Phiên họp thứ 29
  • Phiên họp thứ 28
  • Phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 27
  • Phiên họp thứ 26
  • Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất
  • Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 4
  • Phiên họp thứ 25
  • Phiên họp thứ 24
  • Phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội giữa kỳ
  • Phiên họp thứ 23
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023
  • Phiên họp thứ 22
  • Hội nghị đại biểu Quốc hội tháng 4/2023
  • Phiên họp thứ 21
  • Phiên họp thứ 20
  • Phiên họp thứ 18
  • Phiên họp thứ 17
  • Phiên họp thứ 16
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022
  • Phiên họp thứ 15
  • Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách
  • Phiên họp bất thường tháng 8
  • Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022
  • Phiên họp thứ 14
  • Phiên họp thứ 13
  • Phiên họp thường vụ ngày 04/6
  • Phiên họp thứ 11
  • Phiên họp thứ 10
  • Phiên họp thứ 9
  • Phiên họp thứ 8
  • Phiên họp thứ 7
  • Phiên họp thứ 6
  • Phiên họp thứ 5
  • Phiên họp thứ 4
  • Phiên họp thứ 3
  • Phiên họp thứ 2
  • Phiên họp thứ 1
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X