Thông cáo phiên họp thứ 30 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khoá XII

20/04/2010

Từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 4 năm 2010, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 30 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.

1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 5 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, gồm: Luật người khuyết tật; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật an toàn thực phẩm; Luật thi hành án hình sự; Luật trọng tài thương mại. Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo, dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ bảy.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật, gồm: Luật công đoàn (sửa đổi); Luật viên chức; Luật thanh tra (sửa đổi); Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với Luật công đoàn (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị chưa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy để có thêm thời gian chuẩn bị; yêu cầu Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị đối với 3 dự án luật còn lại trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy đảm bảo tiến độ và chất lượng.

3. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học.

Báo cáo giám sát đã khẳng định trong thời gian qua, hệ thống giáo dục đại học đã phát triển rộng khắp cả nước, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; phục vụ tốt cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tuy nhiên, giáo dục đại học vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Báo cáo giám sát cũng đã đề ra các kiến nghị nhằm để khắc phục những hạn chế, bất cập nói trên. Ủy ban thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và việc chuẩn bị báo cáo của Đoàn giám sát. Đồng thời, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến tại phiên họp, tiếp tục hoàn chỉnh Báo cáo để trình Quốc hội tiến hành giám sát tại kỳ họp thứ bảy.

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II (2006-2010); việc quản lý, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án liên quan trực tiếp đến xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn. Việc thực hiện xóa đói giảm nghèo qua Chương trình 135 giai đoạn II và các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án khác trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn từ năm 2006 đến nay đạt được nhiều kết quả, nhất là trên lĩnh vực  xây dựng cơ sở hạ tầng và các chính sách an sinh xã hội, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Mặc dù đạt được một số kết quả bước đầu, nhưng nhìn chung các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn. Việc huy động, quản lý lồng ghép các nguồn lực đầu tư trên địa bàn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo điều hành, sớm có những giải pháp khắc phục những tồn tại, yếu kém, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Trên cơ sở kiến nghị của Đoàn giám sát, các ý kiến phát biểu tại cuộc họp và theo quy định của Luật hoạt động giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề trên.

5. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, trong những năm qua, sự phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ cao đã thúc đẩy nhu cầu đi lại, làm gia tăng nhanh chóng các phương tiện cá nhân, dẫn đến tình trạng ùn tắc và tại nạn giao thông ngày càng trở nên trầm trọng. Vận tải bằng đường sắt là một loại hình vận tải với nhiều lợi thế về khối lượng, thân thiện với môi trường, không ùn tắc và an toàn. Việc ưu tiên xây dựng đường sắt sẽ thúc đẩy giao lưu giữa các vùng kinh tế; đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, tạo điều kiện quy hoạch đô thị, thuận lợi cho phân bổ lại dân cư và cải thiện tình trạng quá tải tại các đô thị lớn; góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Vì vậy, đầu tư xây dựng đường sắt là cần thiết. Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường, các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh  tờ trình, phân tích kỹ hơn ưu điểm, hạn chế của các phương án, khả năng huy động vốn, mối quan hệ của dự án với quy hoạch tổng thể các dự án đầu tư, điều kiện bảo đảm an toàn,…  trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy.

6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2009; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008; xem xét, thông qua về Nghị quyết về biểu thuế suất thuế tài nguyên.

(Văn phòng Quốc hội)