Công bố lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật và 1 Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua

20/12/2024 16:32

Chiều 20/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo, công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật, Pháp lệnh được Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.

Dự buổi họp báo có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi họp báo, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố 9 luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8 và 1 Pháp lệnh vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV thông qua.

Cụ thể, 9 luật vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Tư pháp người chưa thành niên năm 2024; Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024; Luật Phòng không nhân dân năm 2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công năm 2024; Luật Điện lực năm 2024. Đồng thời, công bố Pháp lệnh Chi phí tố tụng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11/12/2024.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giới thiệu những nội dung mới của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024.

Tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản

Giới thiệu những nội dung mới của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy nêu rõ, Luật thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ.

Luật đã thể chế hoá đầy đủ các quan điểm của Đảng và Nhà nước đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, tài nguyên địa chất, khoáng sản vừa là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được điều tra, đánh giá và lập quy hoạch, kế hoạch thăm dò đầy đủ, quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.

Tạo hành lang pháp lý toàn diện trong việc bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, an toàn lao động; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động khoáng sản.

Luật đã quy định rõ nội dung và trách nhiệm của Nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động điều tra cơ bản địa chất.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy

Luật đã bỏ thủ tục đăng ký khảo sát thực địa để lập đề án thăm dò khoáng sản. Trường hợp này, tổ chức, cá nhân chỉ cần gửi văn bản thông báo đến UBND cấp tỉnh nơi có khu vực dự kiến thăm dò khoáng sản trước khi tiến hành khảo sát. Quy định một số trường hợp không phải thực hiện đóng cửa mỏ khoáng sản; một số trường hợp chỉ phải lập, thực hiện phương án đóng cửa mỏ thay vì đề án đóng cửa mỏ. Luật có hiệu thi hành từ ngày 01/7/2025.

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược gồm 3 điều. Luật có một số nhóm điểm mới liên quan đến chính sách nhà nước về dược và đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; cắt giảm, đơn giản hóa một số điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền; quản lý xuất khẩu, nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế...

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Luật được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế thể hiện rõ tinh thần cải cách hành chính, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh, giảm hồ sơ giấy tờ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phân cấp, phân quyền tối đa, tạo thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức; bảo đảm bình đẳng giới và phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

So với Luật hiện hành, Luật có 8 nhóm điểm mới liên quan đến việc sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia; quy định về khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quy định mức hưởng bảo hiểm y tế khi thực hiện thông cấp khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo hướng dẫn không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng đối với một số trường hợp.

Theo đó, 2 luật trên đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam gồm 3 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.

Đáng chú ý, Luật nâng hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như sau: Cấp úy từ 46 lên 50 tuổi, Thiếu tá từ 48 lên 52 tuổi, Trung tá từ 51 lên 54 tuổi, Thượng tá từ 54 lên 56 tuổi, Đại tá nam từ 57 lên 58 tuổi, nữ từ 55 lên 58 tuổi; cấp Tướng nam giữ nguyên 60, nữ từ 55 lên 60 tuổi. Theo đó, Luật không phân biệt tuổi phục vụ tại ngũ giữa nam với nữ và không quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với nữ sĩ quan có quân hàm Đại tá là phù hợp với thực tiễn.

Trung tướng Đỗ Xuân Tụng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam

Về Luật Phòng không nhân dân năm 2024 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, gồm 7 chương, 47 điều.

Việc xây dựng Luật nhằm tạo khung pháp lý chung cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân; quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay khác và bảo đảm an toàn phòng không, nâng cao hiệu quá pháp lý của hệ thống pháp luật về phòng không nhân dân; góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc vùng trời Tổ quốc Việt Nam, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế-xã hội.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian phát triển

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.

Mục tiêu ban hành Luật nhằm kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian phát triển; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách triệt để thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung Luật được đề xuất theo 3 nguyên tắc: Lựa chọn những quy định có mâu thuẫn, bất cập, yêu cầu cấp bách phải sửa ngay để tháo gỡ vướng mắc về thể chế, khắc phục điểm nghẽn, tạo không gian cho phát triển; cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân quyền theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm"; tập trung vào các nội dung đã xác định rõ phương án sửa đổi, đồng thuận cao, độc lập, có thể kế thừa khi sửa đổi, bổ sung toàn diện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm

Luật Đầu tư công có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025; cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn. Đó là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn nước ngoài; đơn giản hóa trình tự, thủ tục, bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, Luật Điện lực gồm 9 chương, 81 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2025. Đáng chú ý, quy định về điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới là nội dung hoàn toàn mới tại Luật Điện lực năm 2024.

Trong đó, Luật quy định các nội dung về quy định chung trong phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; điều tra cơ bản về tài nguyên điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; cải tạo, sửa chữa, thay thế thiết bị nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới; tháo dỡ công trình thuộc dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới. Luật quy định chung về phát triển điện gió ngoài khơi; khảo sát dự án; chấp thuận hoặc quyết định chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi, lựa chọn nhà đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.

Tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm

Theo Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến, Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 10 chương, 179 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Luật được xây dựng nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội; tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến

Đồng thời xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm các quyền cơ bản của người chưa thành niên trong xử lý chuyển hướng, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng...

Luật quy định 16 nguyên tắc nhân văn, tiến bộ và đặc thù để bảo vệ người chưa thành niên trong tư pháp hình sự; 12 biện pháp xử lý chuyển hướng; 10 biện pháp ngăn chặn; 2 thủ tục tố tụng riêng biệt (đối với người chưa thành niên là: người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội; bị hại, người làm chứng); đồng thời cải cách chính sách hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên theo hướng nhân văn, tiến bộ hơn...

Ngày 11/12/2024 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng gồm 12 chương, 73 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2025. Pháp lệnh quy định về một số chi phí tố tụng; tạm ứng chi phí tố tụng; trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng; kinh phí chi trả chi phí tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí dự buổi họp báo.

Việc xác định chi phí, tạm ứng chi phí, trách nhiệm chi trả, nghĩa vụ chịu chi phí, kinh phí chi trả chi phí trong quá trình Tòa án nhân dân xem xét, quyết định đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính được thực hiện theo quy định của Pháp lệnh. Án phí, lệ phí Tòa án không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh.

Một số hình ảnh tại họp báo:

Quang cảnh buổi họp báo.

Đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội dự họp báo.

Đại diện các bộ, ngành dự họp báo.

Phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí dự buổi họp báo.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy giới thiệu những nội dung mới của Luật Địa chất và Khoáng sản 2024.

Tại buổi họp báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí và đại diện các Bộ, ngành đã trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến các Luật, Pháp lệnh được công bố.

Trọng Quỳnh