GIÁM SÁT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI: TRÌNH TỰ, THỦ TỤC ĐẦU TƯ THIẾU THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ

09/08/2024 10:34

Từ năm 2015 đến năm 2023, cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội được triển khai, với quy mô trên 567 nghìn căn, góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Qua làm việc với một số bộ, ngành, địa phương, thành viên Đoàn giám sát chuyên đề của Quội hội đã chỉ rõ: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn này vẫn còn những vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư dự án; đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…

KIẾN NGHỊ CỤ THỂ CÁC GIẢI PHÁP LÀM CƠ SỞ BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT SAU GIÁM SÁT VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ Ở XÃ HỘI

Báo cáo của Bộ Xây dựng gửi Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở từ năm 2015 đến hết năm 2023 nêu rõ: Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2023, trên địa bàn cả nước có khoảng 800 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô trên 567.000 căn. Thực hiện Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, cả nước đã quy hoạch hơn 1.300 khu đất với quy mô trên 8.600 ha làm nhà ở xã hội. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang triển khai đầu tư xây dựng thí điểm 02 Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Hà Nam và Tiền Giang, với gần 2 nghìn căn hộ.

Dự án Thiết chế Công đoàn tại tỉnh Tiền Giang

Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở tại các địa phương cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: các quy định về trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt dự án nhà ở xã hội liên quan đến nhiều quy định pháp luật, chưa có quy trình thống nhất nên việc thực hiện còn lúng túng, chậm trễ, kéo dài; vướng mắc về thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; vướng mắc trong thực hiện quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội; quy định về dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội tại dự án nhà ở thương mại; nguồn lực thực hiện chương trình...

Những tồn tại, bất cập nêu trên cũng được thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ trong các buổi làm việc với bộ, ngành, địa phương. Trong đó, đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác thẩm định giá nhà ở xã hội trong dự thảo Nghị định về quản lý và phát triển nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2024.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, mặc dù các bộ ngành, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Tuy vậy, qua giám sát tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn liên quan đến thể chế, chính sách, trong đó có địa phương phản ánh hệ thống pháp luật thay đổi nhanh, nên khó thích ứng. Các quy định về phân cấp, ủy quyền cho địa phương trong việc ban hành văn bản pháp luật chưa đủ rõ ràng khiến mỗi địa phương có cách hiểu và thực hiện khác nhau.

Còn sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản hiện hành, điển hình như Bộ Xây dựng quy định miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích 20% quỹ đất nhà ở xã hội, nhưng Bộ Tài chính quy định vẫn phải đóng tiền sử dụng đất đối với phần diện tích này, nên địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, bên cạnh tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở có hiệu lực từ tháng 8/2024, Bộ Xây dựng cần theo dõi và kịp thời có ý kiến đối với những văn bản của bộ, ngành, Chính phủ ban hành có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để có sự tham mưu, điều chỉnh đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Về tổ chức thực hiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Phương nêu rõ, phần lớn các địa phương không hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở đã đề ra; chưa có nhiều địa phương bố trí quỹ đất độc lập để phát triển nhà ở xã hội; việc tiếp cận gói hỗ trợ tín dụng phát triển nhà ở cũng gặp nhiều khó khăn về thủ tục, đối tượng được hưởng.

Đối với trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội, thành viên Đoàn giám sát đề nghị ban hành quy định lựa chọn nhà đầu tư riêng trong lĩnh vực nhà ở xã hội, xây dựng theo quy trình rút gọn, trong đó xác định rõ mục tiêu đầu tư, mục tiêu xây dựng; quy định hướng dẫn chuyển tiếp cụ thể đối với các trường hợp đã lựa chọn nhà đầu tư qua hình thức đấu giá, đấu thầu mà chưa làm thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở; giao thẩm quyền cho địa phương quy định tiêu chí ưu tiên xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước.

Về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đối với quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn trường hợp văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư quy định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải bàn giao quỹ đất 20% cho nhà nước sau khi đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, chủ đầu tư có nguyện vọng trực tiếp đầu tư nhà ở xã hội trên quỹ đất này, thì UBND tỉnh có được phép điều chỉnh văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư để giao cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại hay không, hay phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư khác?

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh

Liên quan đến giá bán nhà ở xã hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Mạnh phản ánh thực tế tại mỗi địa phương có cách xác định giá bán nhà ở xã hội khác nhau, mặc dù suất đầu tư nhà ở xã hội tương đương nhau và đều được miễn tiền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, phương pháp xác định lợi nhuận thu được từ việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội cũng không có hướng dẫn cụ thể về phương pháp dẫn đến còn nhiều cách hiểu và cách làm khác nhau giữa các địa phương. Nội dung này đang gây lúng túng trong việc xác định giá nhà ở xã hội, đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn cụ thể để thống nhất trong cách áp dụng trên thực tế.

Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh cũng cho rằng, pháp luật đã cho phép nhà nước có thể sử dụng vốn đầu tư công để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho thuê hoặc thuê mua; có thể dụng các nguồn từ trái phiếu, vay các nguồn ưu đãi, vay từ các quỹ hợp pháp khác với lãi suất thấp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, hiện nay nhà nước vẫn chưa dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu triển khai thực hiện, có như vậy mới hoàn thành được mục tiêu trong Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030”.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam

Về đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Hải Nam cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, cần có những chính sách thấu đáo, xét duyệt đúng đối tượng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người có thu nhập thấp.

Qua giám sát cho thấy, việc rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội để phát hiện trùng lặp mới chỉ dừng lại ở quy mô cấp tỉnh, mà chưa có sự liên thông với các địa phương trên toàn quốc, dễ dẫn tới tình trạng người mua nhà ở xã hội tại địa phương này nhưng tiếp tục đăng ký tại các địa phương khác. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở để chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội xác định được nhu cầu của người dân để triển khai đầu tư dự án. Do đó, cần sớm hoàn thành xây dựng, áp dụng thống nhất trên cả nước hệ thống công cụ rà soát, quản lý đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, giúp cho công tác xét duyệt được nhanh chóng, thuận lợi và hạn chế trục lợi chính sách.

Lan Hương

Other news