ĐIỀU CHỈNH MỨC LƯƠNG CƠ SỞ TỪ 1,8 TRIỆU ĐỒNG LÊN 2,34 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG TỪ NGÀY 01/7/2024
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13.
Tại Kỳ họp thứ 7, Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết số 42-NQ/TW và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước. Đồng thời, bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển; những nội dung trong các Nghị quyết của Trung ương đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện thì triển khai ngay; những vấn đề còn khó khăn, bất cập thì tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội, nhằm tạo được đồng thuận xã hội,..; Cải thiện đời sống người hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu cơ bản nhất trí với quan điểm cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách nhà nước và các nội dung khác đã nêu tại Báo cáo số 329/BC-CP.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng nhận định, nội dung đề xuất của Chính phủ trong việc thực hiện tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW. Theo đó, thực hiện đầy đủ 02 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp; thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công.
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cho rằng, Chính phủ đã rất nỗ lực khi thể chế hóa, triển khai Nghị quyết 27 NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, thời gian vừa qua từ triển khai thực tế cho thấy, vẫn còn một số khó khăn, bất cập liên quan đến một số nội dung như: xây dựng bảng lương mới, sắp xếp lại các chế độ phụ cấp, xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm;... Vì vậy, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 83 ngày 21/6/2024 thống nhất về chủ trương. Theo đó, Chính phủ đã đề xuất thực hiện đầy đủ hai nội dung cải cách tiền lương trong khu vực doanh nghiệp và thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương đối với khu vực công.
Đại biểu cũng bày tỏ, hoàn toàn thống nhất với Báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cũng cần xem xét, đánh giá một số tác động, ảnh hưởng đến yếu tố giá và lạm phát. “Cần xây dựng giải pháp, tức là chuẩn bị nguồn sử dụng phục vụ cải cách tiền lương từ nguồn tích lũy, giảm thiểu tối đa tác động đến yếu tố tăng giá hoặc là liên quan đến lạm phát. Ngoài ra, liên quan đến yếu tố lạm phát cũng cần thiết phải xem xét các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng chiến lược,…”
Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận Tổ
Về mặt dài hạn, đại biểu đề nghị, cần phải thực hiện tốt các chính sách về tài khóa, tiền tệ để kiểm soát, ổn định được kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế và đặc biệt là thúc đẩy để phát triển kinh tế trong thời gian sắp tới;…
Cũng tại Phiên thảo luận, cho ý kiến về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Góp ý vào nội dung cụ thể, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn nhất trí đưa vào Nghị quyết kỳ họp 7: "Cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh".
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo sớm có văn bản tổ chức thực hiện: Nghị quyết 135 ban hành tháng 11/2020 nhưng đến tháng 4/2021 Ngân hàng Nhà nước mới ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05 tháng 4 năm 2021 quy định về tái cấp vốn đối với các TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, đề nghị đánh giá kỹ hơn nguyên nhân và trách nhiệm tại sao để thua lỗ kéo dài; chỉ đạo khẩn trương xây dựng Đề án tái cơ cấu VNA;
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ có giải pháp quyết liệt để hợ trợ ngành hàng không nói chung chứ không chỉ riêng VNA, cần hỗ trợ cả VJ và các hãng khác. Hiện nay, số tàu bay đang giảm sút, đề nghị có giải pháp hỗ trợ các hãng duy trì, bổ sung đội tàu bay và đưa vào khai thác một số tàu bay đang bị bỏ không.
***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 13:
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 13
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam điều hành phiên thảo luận
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang và tỉnh Đắk Lắk tại phiên thảo luận Tổ 13
Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tham dự phiên thảo luận Tổ
Thảo luận tại Tổ 13 về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024; Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội./.