TÍNH TOÁN KỸ LƯỠNG CÁC GIẢI PHÁP, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ NGUỒN LỰC HỖ TRỢ CHO TỔNG CÔNG TY HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

25/06/2024 15:16

Chiều 25/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ CHO BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG

Toàn cảnh Phiên họp

Chính phủ trình phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội.

Theo đó, trên cơ sở ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội (viết tắt là Nghị quyết số 135/2020/QH14) và đề xuất phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn.

Căn cứ Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có liên quan đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể:

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 194/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2021 về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi TCTD cho VNA vay theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 05 tháng 4 năm 2021 quy định về tái cấp vốn đối với các TCTD sau khi TCTD cho VNA vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của VNA do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đã có nhiều cuộc làm việc và các văn bản chỉ đạo, đồng hành cùng VNA thực hiện, hoàn thành các giải pháp đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình

Với việc kết hợp triển khai tổng thể các giải pháp, nhất là gói giải pháp thanh khoản 12.000 tỷ đồng đã có tác động tích cực, mang lại hiệu quả, cụ thể đảm bảo vốn chủ sở hữu của VNA trên Báo cáo tài chính năm 2021 không bị âm  qua đó cổ phiếu HVN không bị hủy niêm yết bắt buộc tại Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh và vẫn duy trì khả năng thanh khoản, củng cố niềm tin, uy tín, hình ảnh của VNA đối với cổ đông, công chúng, đặc biệt là các TCTD để duy trì hạn mức vay vốn hàng năm.

VNA đã tổ chức triển khai hàng loạt các giải pháp cấp bách và xây dựng Đề án tổng thể các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 (Đề án tổng thể) để VNA sớm phục hồi và phát triển bền vững, xử lý giảm lỗ, thực hiện có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và quan tâm đến quyền lợi người lao động.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã phát sinh nhiều vấn đề mới và nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế nên VNA không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Về sự cần thiết đề xuất phương án gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, khoản vay tái cấp vốn đã được triển khai vào năm 2021 và đến tháng 7/2024 VNA bắt đầu phải trả nợ khoản vay này.

Thời điểm Chính phủ đề xuất Quốc hội về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho VNA dựa trên cơ sở các đánh giá, dự báo về dịch bệnh Covid-19 và phương án kinh doanh của VNA vào năm 2020. Tuy nhiên, thực tế đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài hơn nhiều so với các dự báo đã gây ra hậu quả vô cùng nặng nề cho VNA.

Ngay từ khi đề xuất Quốc hội, VNA xác định nguồn trả nợ vay tái cấp vốn được cân đối chủ yếu từ dòng tiền và nguồn thu từ hoạt động tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư.

Từ giữa năm 2021, VNA bắt đầu xây dựng Đề án tổng thể, bao gồm các nhóm giải pháp tự thân và các giải pháp, chính sách hỗ trợ của nhà nước, trọng tâm là giải pháp phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn điều lệ; thoái vốn của VNA tại một số doanh nghiệp thành viên (giai đoạn 2024-2027). Nếu thực hiện thành công các giải pháp này, VNA sẽ có lợi nhuận từ năm 2024, hết âm vốn chủ sở hữu vào năm 2025, trả hết nợ vay tái cấp vốn vào năm 2027, xóa hết lỗ lũy kế vào năm 2032 và đủ năng lực để sớm phục hồi và phát triển bền vững theo đúng yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Đại biểu tham dự Phiên họp

Hiện nay, do các giải pháp cơ cấu lại khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp và phát hành cổ phiếu tăng vốn của VNA có nhiều nội dung cần xin ý kiến và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt mới có căn cứ để thực hiện, dẫn đến kéo dài chưa thể hoàn thành được ngay, trong khi VNA vẫn đang khủng hoảng nghiêm trọng về tài chính. Do đó, trên cơ sở Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội và các quy định liên quan, xuất phát từ thực tiễn tình hình của VNA hiện nay, VNA cần báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn thêm 03 lần (tối đa đến 31/12/2027) để đảm bảo duy trì khả năng thanh toán của VNA trong ngắn hạn và triển khai đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu theo lộ trình.

Vì vậy, ngày 15 tháng 5 năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-CP đồng ý báo cáo Quốc hội cho phép gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.

Trên cơ sở các nội dung báo cáo, Chính phủ kiến nghị Quốc hội:

1. Xem xét bổ sung nội dung Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn vào Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

2. Thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a Khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội, thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 05 năm; lãi suất 0%/năm; không tài sản bảo đảm.

Việc gia hạn dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng được thực hiện sau khi các tổ chức tín dụng gia hạn thời hạn trả nợ đối với khoản vay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội.

Tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA

Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, Ủy ban Kinh tế được giao chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (VNA). Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp toàn thể để thẩm tra và có Báo cáo số 2902/BC-UBKT15 ngày 24/6/2024 báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra

Về sự cần thiết phải gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho VNA.

Ủy ban Kinh tế thấy rằng tình thế đối với VNA hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA – là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này. Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh Chương trình Kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều giải pháp hỗ trợ ngành hàng không, như giảm thuế đối với nhiên liệu bay, giảm 50% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa..., do đó cần bổ sung đánh giá về kết quả của những giải pháp này đối với tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và VNA nói riêng, những vấn đề còn phải tiếp tục tháo gỡ của ngành hàng không (gồm cả những doanh nghiệp hàng không khác) để có giải pháp tổng thể, phù hợp.

Có ý kiến đề nghị làm rõ thêm về nhận định tại Tờ trình của Chính phủ khi cho rằng đây là giải pháp có tính khả thi và phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Ngoài giải pháp nêu tại Tờ trình, còn có giải pháp nào khác có thể triển khai, tháo gỡ khó khăn cho VNA?  

Có ý kiến cho rằng việc quan tâm đến quyền lợi của người lao động theo điểm d khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135 chưa được phân tích cụ thể, chi tiết, toàn diện trong Tờ trình cũng như Phụ lục kèm theo. Chính phủ cần có đánh giá cụ thể việc thực hiện giải pháp này, đồng thời, rút ra bài học để có thể thực hiện tốt hơn việc bảo đảm việc làm, đời sống người lao động cũng như bảo đảm nhân sự cho hoạt động của VNA trong thời gian tới, khi được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn.

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Về phương án đề xuất gia hạn trả nợ khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với đề xuất của Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được tự động gia hạn thêm 03 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho VNA vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị quyết số 135. Trong tình thế cấp thiết, cấp bách như Chính phủ báo cáo, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho VNA. Xét về quan hệ tín dụng, VNA vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ, do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để VNA cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Để làm rõ hơn tính khả thi và hiệu quả của phương án, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ:

Phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của VNA. Theo Phụ lục kèm Tờ trình Chính phủ, dòng tiền mới chỉ dự kiến trong năm 2024, chưa chứng minh được khả năng trả nợ phù hợp với thời gian đề nghị gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn. Đồng thời, dự báo về các rủi ro tiềm ẩn, các kịch bản ứng phó, kế hoạch giảm thiểu rủi ro tương ứng đối với hoạt động của VNA.

Bổ sung, đánh giá rõ hơn về khả năng, tính khả thi khi thực hiện một số biện pháp khác kết hợp với phương án gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn để bảo đảm tháo gỡ khó khăn, tăng cường năng lực tài chính, bảo đảm hoạt động liên tục của VNA. Đề nghị báo cáo trường hợp chỉ có biện pháp gia hạn trả nợ vay tái cấp vốn có giúp cho VNA cải thiện được tình hình tài chính và vượt qua khó khăn hay không; đánh giá về khả năng Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội có giải pháp hỗ trợ VNA trong thời gian tới.

Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ cho VNA, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.

Ngoài ra, theo Tờ trình của Chính phủ, để bảo đảm tính công khai, minh bạch giữa các cổ đông VNA và với các doanh nghiệp khác trong ngành hàng không, chỉ xem xét khoản vay tái cấp vốn là khoản hỗ trợ tạm thời của nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp yêu cầu VNA nghiên cứu xây dựng phương án xử lý mức chênh lệch chi phí lãi vay giữa mức lãi suất huy động ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà VNA đang huy động trên thị trường và mức lãi suất vay vốn của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết của Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, cần công khai lãi suất của các hợp đồng tín dụng của các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho VNA để bảo đảm tính minh bạch.

Về nội dung dự kiến đưa vào dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ đề xuất đưa thành 01 khoản tại Điều 1 của dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV; tuy nhiên, cần thống nhất nội dung kiến nghị nêu tại Tờ trình của Chính phủ và nội dung của dự thảo Nghị quyết (việc cho vay tái cấp vốn gồm lãi suất tái cấp vốn, tài sản bảo đảm thuộc thẩm quyền quyết định của NHNN). Đồng thời, đề nghị xác định, bổ sung vào dự thảo Nghị quyết trách nhiệm của các cơ quan trong việc cam kết trước Quốc hội về hiệu quả của việc triển khai Nghị quyết, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, giám sát để việc tổ chức thực hiện bảo đảm đúng quy định...

Một số hình ảnh tại Phiên họp:

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long trình bày Tờ trình về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội

Chủ tịch nước Tô Lâm tham dự Phiên họp

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội

Các đại biểu tham dự Phiên họp

Lan Hương - Phạm Thắng - Nghĩa Đức