Phát biểu tại Kỳ họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các quyết sách quan trọng đã được Quốc hội thông qua, với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm. Nhờ vậy, tình hình kinh tế xã hội năm 2023 có những chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng đạt mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Công tác THTK, CLP được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực, góp phần huy động, quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, hiệu quả quy định của Luật THTK, CLP, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP. Công tác THTK, CLP đã có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Nhận thức, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên. Nhiều Bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Bên cạnh đó, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong từng lĩnh vực còn một số tồn tại, hạn chế nhất định, đã được phân tích, đánh giá.
5 nhóm giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2024
Đề cập về nhiệm vụ, giải pháp thực hành THTK, CLP năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2024 là năm thứ 4 thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về THTK, CLP của Chính phủ năm 2024, với 9 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp để thực hiện, gồm:
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Thứ nhất: Các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm chỉ đạo thống nhất việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu THTK, CLP năm 2024; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm trong từng lĩnh vực, trong đó phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc, từng cán bộ, công chức, viên chức, gắn với công tác kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đảm bảo việc thực hiện Chương trình đạt hiệu quả.
Thứ hai: Hoàn thiện quy định pháp luật liên quan đến công tác THTK, CLP, đề xuất sửa đổi Luật THTK, CLP năm 2013. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến THTK, CLP bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn.
Thứ ba: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan nhằm nâng cao, thống nhất nhận thức, trách nhiệm về mục tiêu, yêu cầu, ý nghĩa của công tác THTK, CLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình tiên tiến; thực hiện các biện pháp bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí.
Thứ tư: Tăng cường công tác tổ chức THTK, CLP trên các lĩnh vực: quản lý ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý, sử dụng tài sản công; quản lý tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là đối với đất đai; quản lý vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; công tác tổ chức bộ máy, quản lý lao động, thời gian lao động.
Các đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Thứ năm: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong các lĩnh vực theo Luật THTK, CLP và pháp luật chuyên ngành, trong đó tập trung lĩnh vực trọng điểm như đất đai, đầu tư công, xây dựng, tài chính công, tài nguyên, khoáng sản. Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về xử lý vi phạm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các cá nhân để xảy ra lãng phí.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế
Thay mặt cơ quan thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Báo cáo đã thể hiện khái quát, toàn diện các nội dung theo quy định của Luật THTK, CLP; các phụ lục thống kê khá đầy đủ, chi tiết. Nhận thức, trách nhiệm về THTK, CLP được cải thiện, công tác hoàn thiện thể chế, ban hành chương trình THTK, CLP tích cực, chủ động, thể hiện tính kế thừa và phát triển. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác THTK, CLP còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Về công tác hoàn thiện thể chế, chỉ đạo, điều hành: Công tác hoàn thiện thể chế còn có những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, Pháp lệnh tiếp tục diễn ra. Tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội năm 2023 cho thấy, kiến nghị sau giám sát của các cơ quan của Quốc hội chưa được quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Về THTK, CLP trong ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ: Một số quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ không còn phù hợp với thực tế, chậm được sửa đổi, bổ sung; tình trạng vi phạm các định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn xảy ra tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về đổi mới, cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời. Một số quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động khoa học và công nghệ chưa rõ ràng, không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi.
Về THTK, CLP trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng NSNN: Tình trạng chậm phân bổ ngân sách, đặc biệt là phân bổ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2022 đến gần cuối năm mới được thực hiện. Chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại một số Bộ, ngành, địa phương chậm do nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong các báo cáo, trong nhiều năm vừa qua, nhưng chưa có giải pháp kiên quyết và biện pháp khắc phục triệt để, hữu hiệu. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 cho thấy 91/115 Bộ, cơ quan trung ương, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân cả nước, có đơn vị có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch vốn. Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tiếp tục chậm, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình; tỷ lệ giải ngân vốn NSTW nhất là kinh phí sự nghiệp thấp. Trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, có một số mục tiêu chưa đạt yêu cầu; đến 31/01/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của Chương trình mới đạt bằng khoảng 59% kế hoạch vốn.
Mặc dù công tác quản lý thuế đã được tăng cường, song vẫn còn bất cập; tình trạng gian lận, trốn thuế còn lớn, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử; tình hình nợ đọng thuế có xu hướng tăng so với năm 2022.
Về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng tài sản công: Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa đầy đủ; còn nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng NSNN; công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.
Về THTK, CLP trong quản lý, khai thác, sử dụng đất đai, tài nguyên: Kết quả xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu đất đai không đạt tiến độ, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất tại một số địa phương còn chậm; việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chưa sát với nhu cầu; chất lượng lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương chưa cao.
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.
Về THTK, CLP trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước: Tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực thi công vụ dẫn đến trì trệ, kém hiệu quả trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước ở một số cơ quan, tổ chức mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng chậm được khắc phục. Việc chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập còn nhiều khó khăn, vướng mắc; cơ chế tự chủ về tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục đại học còn nhiều bất cập do thiếu quy định pháp luật; cơ chế tự chủ về tài chính, tổ chức bộ máy, nhân lực khoa học và công nghệ còn nhiều điểm chưa phù hợp với đặc thù hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều lĩnh vực dịch vụ công chưa ban hành được giá dịch vụ, chưa thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công sử dụng NSNN nên chưa đạt được các chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp: Công tác cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, tiến độ chậm.
8 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giải quyết
Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Lê Quang Mạnh khẳng định, Ủy ban cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ:
Một là: Tăng cường các biện pháp tổ chức thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, Nghị quyết số 74/2022/QH15 và Chương trình THTK, CLP năm 2024; tập trung giải quyết kiến nghị của cử tri về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về THTK, CLP.
Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Hai là: Rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật THTK, CLP; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức.
Ba là: Có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai Chương trình 3 CTMTQG và các dự án đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ để sớm đưa vào sử dụng các công trình, dự án quan trọng quốc gia góp phần thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, CTMTQG, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.
Bốn là: Đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất; phê duyệt phương án kinh doanh, liên kết kinh doanh của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhằm tránh lãng phí, thất thoát và nguy cơ tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, tài sản công, lao động, …; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.
Năm là: Xử lý các vướng mắc trong thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học và công nghệ; hướng dẫn xác định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; sớm ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực.
Sáu là: Nghiên cứu, có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bảy là: Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, quy định kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp.
Tám là: Có giải pháp hữu hiệu, tăng hiệu quả, THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thông qua ổn định thị trường tiền tệ, tín dụng; điều hành hợp lý tỷ giá, lãi suất; giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong lưu thông, phân phối, tháo gỡ khó khăn cho các thị trường bất động sản, thị trường lao động./.