NHỮNG CHUYỂN BIẾN SAU KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG

29/03/2024 18:42

Theo dõi sát sao, giám sát đến cùng các vấn đề và nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản, đưa ra những câu hỏi ngắn gọn, xác đáng, đi thẳng trọng tâm - đó là phương pháp làm việc của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nói chung và của Đoàn Lâm Đồng nói riêng tại các kỳ họp Quốc hội. Từ đó, đã phát huy tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội, mặt khác nhiều nội dung Đoàn ĐBQH kiến nghị đã được Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của cử tri tỉnh Lâm Đồng.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH LÂM ĐỒNG: ĐOÀN KẾT, THỐNG NHẤT, NỖ LỰC PHẤN ĐẤU, HOÀN THÀNH TỐT TRỌNG TRÁCH ĐƯỢC GIAO

Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng có nhiều câu hỏi chất vấn tại các phiên họp Quốc hội

Quan tâm đến lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đặt vấn đề chất vấn đối với Chính phủ: “Theo tính toán của Viện Vật liệu xây dựng thuộc Bộ Xây dựng, hiện nay nhu cầu cát xây dựng của cả nước khoảng 130 triệu m3, trong khi lượng cấp phép khai thác là 62 triệu m3/năm, đạt khoảng 50% nhu cầu. Việc khan hiếm cát trên thị trường làm giá thành liên tục tăng cao và xảy ra tình trạng khai thác bất chấp hậu quả dẫn đến một số hệ luỵ như: Làm tăng giá thành đầu tư các công trình xây dựng trên cả nước; vấn nạn “cát tặc” trên cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng độ liều lĩnh, bất chấp tính mạng, làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội; tình trạng khai thác vượt giấy phép được cấp để trục lợi (điển hình như Bộ Công an đã khởi tố một số cán bộ và doanh nghiệp tại An Giang). Mặt khác, thực tế số vụ sạt lở ở các địa phương liên tục tăng lên, gây mất an toàn trong cộng đồng dân cư và ảnh hưởng môi trường sinh thái dọc hai bên bờ sông dẫn đến vấn nạn di dân hoặc phải khẩn trương di dời khoảng 20 ngàn hộ dân đang sinh sống ven các bờ sông có nguy cơ sạt lở mất an toàn tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Cần Thơ... Vậy Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường có biện pháp và giải pháp đồng bộ cụ thể như thế nào để ngăn chặn và khắc phục những hậu quả trước mắt và lâu dài đối với tình trạng nêu trên?”.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH luôn theo dõi sát vấn đề bức xúc cử tri kiến nghị để chất vấn các bộ, ngành Trung ương

Ngày 8/12/2023, Thủ tướng Chính Phủ đã có văn bản trả lời số 1341 về việc trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Tạo như sau: Vấn đề khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, trong đó đã cụ thể hoá các chính sách trong quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản cát, sỏi lòng sông bao trùm từ công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tập kết và sử dụng cát, sỏi lòng sông. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản. Ban hành Công điện số 1087/CĐ-TTg ngày 11/11/2023 về việc tăng cường quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; ngoài ra đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo khác liên quan khai thác cát. Các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Nhờ vậy, hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tình trạng khai thác cát trái phép đã giảm. Tuy nhiên, thời gian gần đây do nhu cầu sử dụng cát tăng mạnh làm mất cân đối lớn về cung - cầu. Việc khan hiếm cát trên thị trường dẫn đến một số hệ luỵ như đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo nêu. 

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, ngăn chặn và khắc phục những hậu quả trước mắt và lâu dài đối với tình trạng nêu trên, thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó đề nghị: Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định số 23, Chỉ thị số 38, Công điện 1087 của Thủ tướng Chính phủ, triển khai đồng bộ các giải pháp sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn tài nguyên cát, sỏi lòng sông. Cương quyết xử lý người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra hoạt động khai thác cát trái phép, kéo dài, gây bức xúc dư luận, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định. 

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, không để xảy ra tình trạng nâng giá, ép giá, bán với giá cao hơn mức giá đã được các địa phương công bố, trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. Khẩn trương hoàn thành công tác nghiên cứu, sử dụng cát biển để thay thế cát sông làm vật liệu xây dựng và san lấp.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 26/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, liên quan đến trách nhiệm của tư lệnh ngành về nội dung đại biểu Nguyễn Tạo nêu, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường (TN & MT) Đặng Quốc Khanh đã tiếp thu, ghi nhận và giải trình thông qua văn bản số 9562/BTNMT-KSVN ngày 9/11/2023. Trước thực trạng như đại biểu nêu, Bộ TN & MT đã có Công văn số 4214 ngày 7/6/2023 đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, khai thác cát, sỏi lòng sông. Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát về việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác cát, sỏi; kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua bán tại bến bãi; yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, tuân thủ các quy định đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng tại các công trình. Bộ cũng chỉ đạo kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan; bố trí điều phối sản lượng khoáng sản khai thác cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đối với vấn đề khai thác, sử dụng cát, sỏi hợp lý gắn với bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ TN & MT cũng đã nghiêm túc nhận trách nhiệm, nắm chắc hiện trạng và giải trình rõ ràng, cụ thể tại Công văn số 8129 ngày 25/9/2023 để đề nghị UBND các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thống kê, cập nhật số liệu, hiện trạng khoáng sản còn lại theo từng giấy phép; phối hợp với các cơ quan chuyên môn, viện nghiên cứu chuyên ngành đánh giá tổng thể hiện trạng các tuyến sông trên địa bàn về đặc điểm địa chất, địa mạo, độ sâu, tác động dòng chảy, dự báo sạt, lở, đánh giá tác động môi trường và biến đổi khí hậu để có phương án phòng, chống sạt lở kịp thời, không khai thác bằng mọi giá, làm cơ sở cho việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên cát bền vững, đảm bảo an toàn cho Nhân dân...

(Theo Báo điện tử Lâm Đồng)