CẦN GIẢI TRÌNH RÕ NỘI DUNG QUY ĐỊNH VỀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI

31/08/2023 18:51

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan soạn thảo cần giải trình rõ nội dung quy định về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trình bày Tờ trình dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2024, chi phí quản lý BHXH được thực hiện theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, theo đó mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Việc xác định chi phí quản lý chỉ tính trên dự toán thu BHXH được Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu, đánh giá tác động và báo cáo Quốc hội về việc xác định chi phí quản lý chỉ tính trên dự toán thu BHXH để xem xét một cách tổng thể khi sửa đổi Luật BHXH. Vấn đề này, Chính phủ đã có giải trình cụ thể và ghi nhận.

Về đề xuất sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 125, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về việc xác định tính chi phí quản lý BHXH, dự thảo Luật đề xuất 02 phương án tại khoản 2 Điều 125, cụ thể như sau:

Phương án 1: "Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi BHXH (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH) và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.” Về ưu điểm, đây là phương án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện trong giai đoạn vừa qua (2016-2024). Phương án này thể hiện được hai nhiệm vụ lớn mà cơ quan BHXH đang được giao thực hiện đó là thu và giải quyết chi trả các chế độ BHXH. Về số tương đối, tính trên cơ sở dự toán thu, chi BHXH sẽ nhỏ hơn so với chỉ tính trên dự toán thu BHXH.

Về nhược điểm, phương án này không đảm bảo thống nhất giữa BHXH, BHTN, BHYT; khó khăn hơn trong việc kiểm soát tỷ lệ tối đa so với phương án 2 do phải tính trên 2 yếu tố: Tốc độ tăng thu BHXH (đối tượng tham gia và tiền lương làm căn cứ đóng BHXH) và tốc độ tăng chi BHXH (đối tượng thụ hưởng và mức hưởng chế độ BHXH).

Phương án 2: “Mức chi phí quản lý BHXH được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu BHXH và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH.” Ưu điểm của phương án này là đảm bảo thống nhất giữa BHXH, BHTN, BHYT và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế (nhiều nước đặc thù khác so với Việt Nam, đó là cơ quan thực hiện thu và chi trả là các cơ quan độc lập); mang ý nghĩa khuyến khích, tập trung thực hiện hiệu quả công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH; việc kiểm soát tỷ lệ tối đa sẽ dễ dàng hơn do chỉ dựa trên tốc độ tăng thu BHXH.

Các đại biểu tại phiên họp

Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chi phí quản lý BHXH không thể hiện được hai nhiệm vụ lớn mà cơ quan BHXH đang được giao thực hiện đó là thu và giải quyết chi trả các chế độ BHXH. Về số tương đối (tỷ lệ %), phương án xác định chi phí quản lý trên dự toán thu sẽ cao hơn so với phương án xác định chi phí quản lý tính trên cơ sở dự toán thu, chi BHXH.

Thẩm tra dự án luạt này, về đưa “bảo hiểm hưu trí bổ sung” vào phạm vi điều chỉnh quy định tại Điều 1, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, chính sách bảo hiểm hưu trí bổ sung đã được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và giao cho Chính phủ quy định chi tiết về chính sách này do tại thời điểm sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 là vấn đề mới, chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Qua 8 năm thực hiện, chính sách này chưa đạt kết quả như mong muốn, báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cũng chưa đánh giá kỹ về việc thực hiện chính sách này. Việc tiếp tục giao cho Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 5 của dự thảo Luật là chưa phù hợp. Đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng về việc thực hiện chính sách này và cần có quy định những nội dung mang tính chất nguyên tắc cơ bản về chế độ hưu trí bổ sung trong dự thảo Luật để bảo đảm tính minh bạch và làm căn cứ trong tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Về việc đưa nội dung “khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội đã được quy định trong Luật hiện hành (từ Điều 118 đến điều 122), song không được ghi trong điều về phạm vi điều chỉnh. Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung này tại Điều 1 quy định về phạm vi điều chỉnh.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường và Thường trực Ủy Xã hội đề nghị cân nhắc, giải trình, làm rõ tính mới, đặc thù để đưa nội dung khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội tại Điều này, cũng như trong toàn bộ dự án Luật vì: Dự án Luật đang sử dụng các thuật ngữ khác nhau đó là: xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, xử lý vi phạm trong bảo hiểm xã hội dẫn đến khó hiểu về sự khác nhau giữa các thuật ngữ và không rõ ranh giới giữa các loại hành vi này, không rõ nội hàm muốn quy định; Các dự án luật khác hiện nay không quy định về nội dung này để đảm bảo các nguyên tắc chung về xây dựng pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 5 và khoản 3 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Toàn cảnh phiên họp

Ngoài ra, về bố cục của dự thảo Luật, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã kế thừa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và được thiết kế với 09 chương 136 điều trong đó giữ nguyên 14 điều, sửa đổi 102 điều, bổ sung mới 21 điều, bỏ 01 điều. Về cơ bản Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với bố cục của dự thảo Luật, tuy nhiên, qua ý kiến tham gia thẩm tra và góp ý của các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Chính phủ nghiên cứu sắp xếp các chương, điều để bảo đảm tính hợp lý, logic, thống nhất về mặt kết cấu như các luật khác đã được ban hành và thuận tiện theo dõi trong quá trình tổ chức thực hiện như: Đưa nội dung Chương II trước chương IX của dự thảo; Cân nhắc chương quy định về khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm; Sắp xếp lại thứ tự các chương, cân nhắc vị trí của chương “Trợ cấp hưu trí xã hội” cho phù hợp… 

Minh Hùng