ĐBQH LÊ MINH NAM: TẠO HÀNH LANG PHÁP LÝ HỖ TRỢ THÚC ĐẨY ỨNG DỤNG 4.0

12/06/2023 12:48

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho rằng cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện, kiến tạo, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng 4.0. Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức về khả năng hấp thụ 4.0 để lựa chọn những chính sách phù hợp với năng lực, tiềm năng, thế mạnh và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

 

Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang

Ưu tiên bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số

Tại phiên họp, đề cập tới cuộc cách cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0), đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, để kịp thời ứng dụng 4.0, Bộ Chính trị, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có các Nghị quyết, Quyết định để chỉ đạo, định hướng và tổ chức thực hiện ứng dụng 4.0. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đang chuẩn bị được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế số. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học, công nghệ 4.0 phát triển như vũ bão với những tiến bộ nhảy vọt, đại biểu cho rằng cần đánh giá đúng thực trạng và chủ động xây dựng kịch bản khai thác những giá trị tích cực cũng như lựa chọn các giải pháp ứng phó để không tụt hậu và đề ra các giải pháp nhằm chống chọi với những tác động tiêu cực, mặt trái của 4.0. Theo đó, cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện và kiến tạo, hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng 4.0. Trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức về khả năng hấp thụ 4.0 để lựa chọn những chính sách phù hợp với năng lực, tiềm năng, thế mạnh và hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Ưu tiên bố trí nguồn lực, vật lực, tài lực đúng mức để tạo cơ sở hạ tầng số và các điều kiện nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp công cụ, phương tiện, giải pháp cho chuyển đổi số. 

Đồng thời cần quan tâm đề ra chính sách để kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp và người dân cùng nỗ lực phối hợp ứng dụng 4.0. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực cần thiết để đẩy mạnh thực hiện. Thực tế cho thấy, ứng dụng 4.0 trong hoạt động công vụ trong cung ứng dịch vụ công đã đạt được những kết quả tích cực. Nhưng việc dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng 4.0 cần phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa thì doanh nghiệp mới là chủ thể quan trọng tạo nên giá trị tăng trưởng phát triển. Bên cạnh đó, cần giải quyết tình trạng nhiều người dân chưa có thói quen giải quyết thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, chỉ quen nộp hồ sơ và lấy kết quả trực tiếp. Nhiều người dân cũng chưa từng tiếp xúc công nghệ thông tin như máy vi tính, internet, điện thoại thông minh dẫn đến không thể sử dụng nên đã ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai 4.0.

Cần có giải pháp chủ động ứng phó với hệ lụy tiêu cực của 4.0​

Theo đại biểu, thời gian gần đây, số lượng các cuộc tấn công các trang mạng nhằm đánh cắp thông tin, đánh cắp thành tựu khoa học, công nghệ, sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng, tình trạng tội phạm lợi dụng ứng dụng công nghệ để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp vẫn diễn ra phức tạp, khó lường. Vì vậy, đề nghị có giải pháp cả về pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo an ninh, an toàn cho hệ thống. Cần coi việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là quan trọng và cần thiết, ngang bằng với việc triển khai ứng dụng nhằm đảm bảo ứng dụng hiệu quả, an toàn và bền vững.

Đặc biệt, cần có giải pháp chủ động ứng phó với hệ lụy tiêu cực của 4.0 liên quan đến tình trạng mất việc làm, thất nghiệp đang tạo nên những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội. Theo đánh giá tác động của 4.0, Viện Toàn cầu McKinsey ước tính đến năm 2030 sẽ có khoảng 400 đến 800 triệu việc làm trên toàn thế giới sẽ được thay thế bằng công nghệ tự động hóa. Còn theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, tính đến 2030,    Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số, dẫn đến sự thay đổi về mô hình sản xuất, văn hóa, kinh doanh, mô hình tổ chức. Theo đó, có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao; 18% có rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp…

Cũng theo số liệu quý 1/2023 của Tổng cục thống kê, lực lượng lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng tại Việt Nam có khoảng 17,3 triệu người; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 13,8 triệu người. Như vậy, nếu tính theo tỷ lệ khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, số lượng lao động bị ảnh hưởng tiêu cực khi ứng dụng 4.0 là rất lớn, đến năm 2030 có thể lên ngưỡng hàng chục triệu người. Hơn nữa, với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ thấp cùng với năng suất lao động không cao thì sẽ phải chịu tác động nặng nề hơn. Tỷ lệ thất nghiệp về cơ cấu do tác động của 4.0 các năm tới sẽ là rất lớn, là một thách thức nguy hiểm, khó lường.

Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng phải coi đây là rủi ro tiềm ẩn nghiêm trọng để có giải pháp ứng xử tổng thể, toàn diện, phù hợp, chủ động và theo lộ trình. Đồng thời xem xét để hoạch định tái cấu trúc sản xuất kinh doanh, ngành, nghề kinh doanh cũng như chuyển dịch cơ cấu việc làm nhằm kịp thời thích ứng. Nguy cơ vẫn đang lơ lửng nên cần phải chủ động hơn, tránh để "nước tới chân mới nhảy"./.

Minh Thành