XÂY DỰNG NỀN HÀNH CHÍNH DÂN CHỦ, CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI, TINH GỌN, HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ

01/02/2023 18:04

Triển khai các Luật đã được Quốc hội thông qua, nhằm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, vừa qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2603/QĐ-BTP ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Tư pháp

Gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng

Triển khai các Luật đã được Quốc hội thông qua, nhằm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, vừa qua Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2603/QĐ-BTP ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2023 của Bộ Tư pháp.

Theo đó, Kế hoạch được ban hành nhằm hướng tới mục đích tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân, trên cơ sở những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn 2021 - 2030. Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 và hoàn thành các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp theo Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó tập trung thực hiện các trọng tâm cải cách hành chính theo chỉ đạo chung của Chính phủ là: Cải cách thể chế; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng cao; xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đáp ứng yêu cầu phát triển chung.

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng hướng tới mục tiêu tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ triển khai thực hiện công tác cải cách thể chế, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong các lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính; gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác chuyên môn và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài.

Để thực hiện hiệu quả, triển khai đồng bộ các hoạt động hướng tới mục tiêu trên, Kế hoạch đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, trước hết là cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản, chỉ đạo chung về cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ. Tổ chức giao ban công tác cải cách hành chính hoặc thực hiện lồng ghép nội dung vào các cuộc họp giao ban lãnh đạo Bộ, giao ban cấp vụ, giao ban Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ định kỳ. Tích cực thực hiện các hoạt động tuyên truyền cải cách hành chính tại Bộ, trong đó chú trọng cải tiến và nâng cao chất lượng thông tin trên Trang thông tin Cải cách hành chính thuộc Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Cùng với đó, Kế hoạch nêu rõ, cần chú trọng thực hiện có hiệu quả việc bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ về thực hiện cải cách hành chính tại Bộ Tư pháp; tiếp tục gắn việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính với công tác thi đua, khen thưởng tại Bộ. Khuyến khích việc đề xuất và áp dụng sáng kiến trong công tác cải cách hành chính; ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2023 của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung theo yêu cầu tại Quyết định số 876/QĐ-BNV ngày 10/11/2022 của Bộ Nội vụ phê duyệt Đề án “Xác định Chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” giai đoạn 2022 - 2030.

Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật

Đối với nội dung về cải cách thể chế, Kế hoạch xác định sẽ tiếp tục quán triệt và thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; Chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kế hoạch số 11/KH-TW ngày 28/11/2022 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW; Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục tham mưu thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng Định hướng xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội.

Cũng theo Kế hoạch, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp; tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các văn bản QPPL được giao chủ trì soạn thảo, đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra. Bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính (TTHC); theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo. Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra VBQPPL, nhất là tăng cường các đoàn công tác liên ngành, kiểm tra văn bản theo địa bàn, lĩnh vực; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận theo đúng quy định. Tiếp tục tham mưu tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát VBQPPL để rà soát, xử lý các quy định pháp luật bất cập, không còn phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc khi thực hiện. Chú trọng phát huy vai trò của Tổ công tác đối với những việc cụ thể, phức tạp liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành.

Về cải cách thủ tục hành chính, cần triển khai thực hiện các chủ trương, định hướng lớn về cải cách TTHC theo yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 (theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ); Đề án Cổng dịch vụ công quốc gia (ban hành kèm theo Quyết định số 274/QĐ-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ); các nhiệm vụ thường xuyên tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; các nhiệm vụ liên quan đến Đề án Phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 cũng như những nhiệm vụ trọng tâm khác theo chương trình, kế hoạch của Văn phòng Chính phủ.

Thêm vào đó, cần kiểm soát chặt chẽ TTHC trong văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm công tác kiểm soát TTHC phải gắn liền với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, quy định về TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật phải được kiểm soát ngay từ khi lập đề nghị xây dựng, soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thông qua việc đánh giá tác động của TTHC, tính toán chi phí tuân thủ TTHC, bảo đảm chỉ ban hành TTHC thật sự cần thiết, hợp pháp, hợp lý và phù hợp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác rà soát, đơn giản hóa TTHC, tiến hành rà soát, đánh giá thường xuyên quy định TTHC thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý của Bộ; đề xuất các phương án giản hóa TTHC đồng thời, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc thực hiện theo thẩm quyền các hoạt động thực thi phương án nhằm hoàn thiện quy định có liên quan. Thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong tiếp nhận, giải quyết TTHC, bảo đảm 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn và 100% các hồ sơ TTHC tiếp nhận, giải quyết tại các cơ quan, đơn vị được theo dõi trạng thái xử lý trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.

Minh Hùng