"DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM 2021" – DƯ ÂM CHÍNH SÁCH VÀ TÁC ĐỘNG THỰC TIỄN

17/09/2022 12:25

Tinh thần của ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021'' đã lan tỏa, tạo dư âm chính sách và hiệu quả thực tiễn rõ rệt, là cơ sở vững chắc dẫn lối cho chặng đường phát triển bền vững. Tiếp nối thành công, ''Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022'' được tổ chức vào ngày 18/9 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) được kỳ vọng là ''ngân hàng giải pháp'' tiếp tục củng cố cho nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022"

PGS.TS Doãn Hồng Nhung: "Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2022" cơ hội để hiến kế và đề xuất các giải pháp về thể chế, chính sách 

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2021

Năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV cũng là năm đặc biệt với nhiều sự kiện lớn của đất nước. Tuy nhiên đây cũng là năm đất nước ta phải đối mặt với diễn biến phức tạp, khó lường của đại dịch COVID-19 tác động đến đời sống người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh, hoạt động của các cơ quan, tổ chức. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân đã chịu ảnh hưởng rất tiêu cực. Tình thế đặc biệt này đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ cần đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam, các chính sách ứng phó đối với đại dịch; đề xuất, khuyến nghị chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời, chuẩn bị những điều kiện cơ bản và các kịch bản phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương tổ chức "Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021" để tập hợp ý kiến các chuyên gia, tìm kiếm các giải pháp đột phá nhằm thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa phát triển kinh tế xã hội.

Diễn đàn Kinh tế năm 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” đã diễn ra sau khi Quốc hội khóa XV hoàn tất chương trình Kỳ họp thứ 2. Tại Kỳ họp đó, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết giao Chính phủ xây dựng và triển khai theo thẩm quyền Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế. Nghị quyết của Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ 02 chương trình này, phục vụ cho mục tiêu phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét.

Diễn ra trọn vẹn ngày 05/12/2021, Diễn đàn chia thành 2 phiên. Phiên toàn thể buổi sáng và tọa đàm cấp cao với chủ đề: “Một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam”. Phiên buổi chiều, gồm chuyên đề 1: “Phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế” và chuyên đề 2: “Bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế”.

Tại Diễn đàn, các diễn giả, các nhà khoa học đã cập nhật, đánh giá những vấn đề mới nhất về tình hình phòng, chống dịch bệnh trên toàn thế giới; phân tích, đánh giá, dự báo xu hướng và tác động của dịch bệnh, thực trạng của nền kinh tế thế giới hiện nay, xu hướng của thời gian tới-giai đoạn toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập rất sâu và rộng với nền kinh tế thế giới. Đồng thời, các diễn giả đã chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế cũng như những gợi ý chính sách, những ý kiến đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam, những kiến nghị đề xuất cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội, các gợi ý chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021

Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nêu rõ, Diễn đàn đã toát lên thông điệp: Chúng ta cần phải tự cường, phải có ý thức đứng trên đôi chân của mình, không ngừng cải thiện năng lực quản trị quốc gia, năng lực quản trị doanh nghiệp. Quan trọng nhất, là tinh thần đồng hành cùng nhau như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, trong tình hình gian khó, muốn đi xa trong điều kiện đường xá gập ghềnh, khó khăn, thách thức thì cần phải đoàn kết sát cánh bên nhau trong nước, quốc tế và khu vực.

Thành quả đáng tự hào nhất của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 được thể hiện rõ nét ở việc trong năm vừa qua, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt và khá đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ cũng như các chính sách vĩ mô khác nhằm khắc phục thiệt hại và hỗ trợ phục hồi kinh tế trong đại dịch. Những ý kiến thảo luận chính sách tại Diễn đàn Kinh tế năm 2021 là cơ sở để chỉ một tháng sau đó, Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách, để hỗ trợ kịp thời cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó quyết nghị nhiều chính sách quan trọng như miễn, giảm thuế, đầu tư phát triển y tế, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV

Cho đến nay, các chính sách đã từng bước đi vào cuộc sống, vừa có tác động trước mắt, vừa có tác động lâu dài và nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của dư luận trong nước cũng như quốc tế. Cụ thể, đại dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, phát triển nhanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh đó, an sinh xã hội và đời sống của người dân cơ bản được bảo đảm, nhất là với các đối tượng người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Sau gần một năm nhìn lại, nhiều chính sách được hoạch định từ Diễn đàn Kinh tế năm 2021 đã được thực thi và mang lại hiệu quả thực tiễn rõ nét trong đời sống, đặc biệt là trong ổn định kinh tế vĩ mô trước các biến động khó lường của tình hình quốc tế, trong việc đảm bảo đời sống người lao động và an sinh xã hội, phục hồi thị trường lao động, việc làm… Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá rằng, bên cạnh ý nghĩa sâu sắc là góp ý chính sách một cách thẳng thắn, trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế 2021 còn thành công trên phương diện thu hút được các nhà làm chính sách, những chuyên gia hàng đầu cả trong nước và quốc tế và các bộ, ngành, địa phương cùng tụ hội lại với nhau, phát huy trí tuệ tập thể, vì mục đích chung, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nhìn lại bối cảnh đặc biệt khi đó, đánh giá lại các biện pháp đặc biệt mà Quốc hội, Chính phủ đã kiên quyết thực hiện, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cùng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tại Diễn đàn Kinh tế 2021, cơ quan tổ chức cùng các học giả, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã có những quyết định sáng suốt dựa trên bản lĩnh vững vàng trước khó khăn. Ngay trong tình huống cấp bách, khó khăn chưa từng có khi phải phòng, chống dịch bệnh hàng ngày, Lãnh đạo Quốc hội, đặc biệt là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu, các học giả, chuyên gia đã có tầm nhìn xa rộng, bản lĩnh vững vàng và sự tự tin lớn vào nội lực đất nước, để không chỉ bàn việc chống dịch, việc phục hồi sau dịch bệnh, mà còn bàn về vấn đề phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, tinh thần của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 đã lan tỏa, tạo dư âm chính sách và hiệu quả thực tiễn rõ rệt đến hôm nay, và thành công của Chương trình đó vẫn đang tiếp tục dẫn lối cho chặng đường phát triển bền vững sắp tới.

Trên cơ sở thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp tổ chức Diễn đàn với tên gọi mới "Diễn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022" có chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững. Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022", được tổ chức sẽ bổ sung thêm luận cứ khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, tham vấn các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng với bám sát diễn biến, tình hình, từ đó có phân tích, dự báo, kịp thời đề xuất các giải pháp chính sách giảm thiểu tác động tiêu cực, nắm bắt các cơ hội, thời cơ, đặc biệt là đối với chính sách tài khóa, tiền tệ, chính sách an sinh-xã hội..., đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển bền vững.

Các ý kiến phát biểu thẳng thắn, khách quan, đa chiều và có cơ sở tại Diễn đàn sẽ là nguồn tư liệu quý để các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, tham khảo để tham mưu, hoạch định các chính sách quan trọng cho sự phát triển đất nước trong thời gian tới./.

Minh Hùng

Other news