HUY ĐỘNG NHÀ THẦU CÓ NĂNG LỰC THAM GIA THI CÔNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC CHÂU ĐỐC - CẦN THƠ - SÓC TRĂNG

16/06/2022 18:51

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ trong bước triển khai Dự án cần chỉ đạo nghiên cứu phân chia giá trị gói thầu xây lắp một cách hợp lý để có thể huy động toàn bộ các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công các dự án.

 

Toàn cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung, làm rõ năng lực và số lượng của các đơn vị thi công đường cao tốc trên cả nước để làm rõ nguồn lực có thể bố trí được cho Dự án nhằm làm rõ tính khả thi trong việc triển khai Dự án.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có khoảng 344 nhà thầu có Chứng chỉ năng lực thi công công trình giao thông hạng I là những nhà thầu đáp ứng năng lực thi công các dự án cao tốc. Hiện nay, riêng các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (654km) và dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (23km) có khoảng 48 nhà thầu đang tham gia thi công; theo tiến độ yêu cầu các dự án trên phải hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2022 và 2023. Do đó, với lực lượng nhà thầu nêu trên có khả năng thực hiện các dự án đáp ứng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong bước triển khai Dự án cần chỉ đạo nghiên cứu phân chia giá trị gói thầu xây lắp một cách hợp lý để có thể huy động toàn bộ các nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm tham gia thi công các dự án.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị bổ sung các quy định về báo cáo định kỳ và giám sát của các cơ quan của Quốc hội để bảo đảm việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt cũng như tiến độ và chất lượng của dự án; đề nghị bổ sung nội dung tổ chức Đoàn giám sát 6 tháng một lần việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc biệt, tiến độ và chất lượng của Dự án; đề nghị bổ sung nội dung thành lập Đoàn giám sát của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giám sát ngay từ đầu và hằng năm có báo cáo trước Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh 

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, theo quy định của khoản 8 Điều 79 Luật Đầu tư công, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia. Như vậy, Luật Đầu tư công đã có quy định yêu cầu Chính phủ phải báo cáo Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia, tuy nhiên, do tính chất quan trọng của dự án này, trong dự thảo Nghị quyết đã có quy định yêu cầu Chính phủ hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án tại điểm b khoản 2 Điều 3 dự thảo Nghị quyết. Đồng thời, đã giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Quy định như vậy là đầy đủ cơ sở để các cơ quan có thể giám sát việc thực hiện Dự án theo quy định pháp luật có liên quan. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn về tác động của Dự án, đặc biệt là liên quan đến dự án BOT song hành với tuyến này; cần có tính toán để gia hạn, giãn tiến độ cho Dự án theo hình thức BOT trước đây cho phù hợp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, bên cạnh những tác động tích cực khi Dự án đưa vào khai thác thì tác động tiêu cực sẽ làm giảm doanh thu của dự án BOT trên các tuyến quốc lộ hiện hữu song hành, cụ thể là dự án BOT Quốc lộ 91 song hành với dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Tuy nhiên tác động là không lớn do đường cao tốc thu phí cao hơn so với quốc lộ, các phương tiện di chuyển chặng ngắn sẽ vẫn sử dụng quốc lộ. Việc định lượng mức độ ảnh hưởng đến dự án BOT chỉ có thể xác định khi đường cao tốc đưa vào khai thác. Do vậy, trong bước triển khai tiếp theo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan có liên quan phối hợp với các địa phương nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp dự án BOT đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng, doanh thu thực tế và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm tuân thủ các điều kiện hợp đồng, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nhu cầu sử dụng vật liệu đặc biệt là cát đối với Dự án là rất lớn, trong khi vùng đồng bằng Sông Cửu Long đang gặp khó khăn và khan hiếm nguồn cát san lấp.  Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về khả năng cung cấp vật liệu xây dựng, theo số liệu tính toán, khảo sát sơ bộ trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trữ lượng nguồn cung cấp đã đáp ứng nhu cầu vật liệu của Dự án; Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tiến độ và chất lượng của công trình. Hiện nay, Chính phủ đang trình Quốc hội cơ chế đặc thù cho Cần Thơ, trong đó cho phép nạo vét tận thu luồng Định An, đồng thời, điều tiết vật liệu xây dựng giữa các địa phương và khu vực, theo báo cáo là đủ đáp ứng nhu cầu của Dự án. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển, tro xỉ nhà máy nhiệt điện than làm vật liệu san lấp.

Minh Hùng