ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI CHO Ý KIẾN VỀ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN THÁNG 8/2021: NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN

21/09/2021 17:57

Theo chương trình phiên họp thứ 3, chiều 21/9, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (tháng 8/2021).

 

Cử tri đề nghị quan tâm giải quyết một số vấn đề cấp thiết trong tình hình dịch bệnh

Trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2021 của Quốc hội về nội dung phản ánh, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 8/2021, ngay sau kết thúc Kỳ họp thứ nhất, ngoài việc triển khai, thực hiện tiếp xúc cử tri theo đúng kế hoạch, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tích cực, chủ động tham gia thực hiện việc kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng chống dịch và giám sát việc thực hiện các biện pháp, chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 ở địa phương.

Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2021 của Quốc hội

Thông qua các hoạt động trên, cho thấy cử tri và Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, sự chung sức, đồng lòng của tầng lớp Nhân dân trong công tác phòng chống dịch COVID -19 và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cử tri đề nghị Chính phủ, bộ ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết một số vấn đề cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, như: đấu thầu tập trung trong việc mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện y tế phục vụ phòng chống dịch; giải pháp hỗ trợ, khuyến khích, động viên về cả vật chất và tinh thần cho các y bác sỹ, nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19 trong khi thực hiện nhiệm vụ; kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính trong thanh toán bảo hiểm y tế do giãn cách xã hội; hướng dẫn quy định về vận tải hàng hóa trong thời gian giãn cách để thống nhất thực hiện tại các địa phương; có hướng dẫn cụ thể về công tác dạy và học năm học 2021–2022 và các năm học tiếp theo để thích ứng với tình hình dịch bệnh hiện nay; sớm có kế hoạch thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em.

Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị xử lý nghiêm minh các trường hợp lợi dụng dịch COVID-19 để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của công dân thông qua việc bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và các vật tư, y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các đối tượng sản xuất và chia sẻ video trên mạng xã hội có nội dung không đúng sự thật về công tác phòng, chống dịch.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực phụ trách, qua các phương tiện thông tin đại chúng, có một số thông tin, phản ánh của dư luận xã hội đã được các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nghiên cứu, xử lý và phản ánh đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời thông tin phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Về kết quả giải quyết, trả lời của cơ quan có thẩm quyền, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, căn cứ vào Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, phân loại và chuyển 807 kiến nghị của cử tri đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, đã có 807/807 kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV được giải quyết, trả lời, đạt 100%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2021

Qua rà soát, tổng hợp và sơ bộ đánh giá kết quả giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền, Ban Dân nguyện nhận thấy các cơ quan đều chú trọng giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri, coi đây là nguồn quan trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý điều hành. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, một số vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân, nhất là hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã được các Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành nghiên cứu ban hành quy định theo hướng đơn giản hoá và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết hồ sơ để người lao động, người sử dụng lao động sớm tiếp nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước…

Về việc tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư, Trưởng Ban Dân nguyện cho biết, trong kỳ báo cáo, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 2.530 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; trong đó có 1.707 đơn không đủ điều kiện xử lý gồm: đơn trùng lặp, đơn gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung (chiếm đến 67,47%). Cũng qua công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, các cơ quan của Quốc hội đã tập trung nghiên cứu sâu hơn về một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp để xem xét, đánh giá và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vụ việc.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình ghi nhận, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề nghị của Ban Dân nguyện các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã tích cực, khẩn trương xây dựng báo cáo công tác dân nguyện hằng tháng để gửi Ban Dân nguyện tổng hợp, báo cáo tại Phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các cơ quan cũng đã thực hiện tốt việc tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; công tác nghiên cứu, đề xuất xử lý đơn thư bảo đảm kịp thời, đúng quy định; công tác theo dõi, đôn đốc và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài ở địa phương cũng đã được các Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm nhiều hơn.

Báo cáo sau tốt hơn báo cáo trước

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2021; đánh giá cao Ban Dân nguyện đã tích cực, chủ động xây dựng đề cương và đề nghị các cơ quan báo cáo kịp thời; ghi nhận báo cáo tháng sau tốt hơn báo cáo tháng trước. Các cơ quan của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã khẩn trương nghiêm túc xây dựng báo cáo theo đúng tiến độ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung thảo luận

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng báo cáo nêu lên được kiến nghị được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm; kiến nghị rõ tên cơ quan có trách nhiệm, tổng hợp kết quả trả lời, theo dõi đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trả lời kiến nghị của cử tri. Báo cáo thể hiện được tình hình tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết trả lời của cơ quan có thẩm quyền nhất là các vụ việc mới phát sinh có tỷ lệ trả lời, giải quyết tương đối cao. Báo cáo đã có đề xuất giám sát đối với một số vụ việc phức tạp, kéo dài và đưa ra kiến nghị cụ thể.

Cơ bản tán thành với nội dung báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận báo cáo sau tốt hơn báo cáo trước; đồng thời đề nghị tiếp tục rà soát kỹ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo nhất là các đơn thư được gửi đến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các vụ việc đại biểu Quốc hội quan tâm đã được chuyển đến cơ quan chức năng để xử lý.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội sát sao hơn, đeo bám hơn trong việc gửi đơn thư, theo dõi, giám sát việc giải quyết của các cơ quan có thẩm quyền. Các cơ quan của Quốc hội cần có sự sàng lọc các vụ việc nổi cộm, điển hình, có tính chất phức tạp kéo dài để cùng với Ban Dân nguyện báo cáo hàng tháng và có tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng sớm giải quyết và phải báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điều này thể hiện sự vào cuộc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi đó bảo đảm hiệu lực giám sát giải quyết đơn thư.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Cho rằng báo cáo của Ban Dân nguyện đã đủ điều kiện để gửi các cơ quan hữu quan để đôn đốc thực hiện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng cùng với việc tăng cường theo dõi giám sát hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giám sát của Quốc hội sẽ đưa công tác dân nguyện, giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri đi vào nề nếp, hiệu lực, hiệu quả hơn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo công tác dân nguyện tháng 8/2021, đánh giá cao sự chuẩn bị của các cơ quan. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục nâng cao chất lượng báo cáo, phân tích làm rõ lý do chậm trễ của việc trả lời, giải quyết khiếu nại, tố cáo và báo cáo theo yêu cầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để nắm bắt, giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu nại tố cáo nhất là các vụ việc phức tạp, kéo dài; đồng thời tăng cường tiếp công dân. Ban Dân nguyện phối hợp với các cơ quan của Quốc hội tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành văn bản yêu cầu các cơ quan xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài và có báo cáo kết quả giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội./.

Bảo Yến - Minh Thành