Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Trình bày ý kiến thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực hiện phân công của Lãnh đạo Quốc hội, sáng ngày 24/7, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra Tờ trình, gửi văn bản đề nghị Thường trực một số Ủy ban có liên quan của Quốc hội tham gia thẩm tra và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về cơ bản, Ủy ban Xã hội và các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ; cho rằng trước bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định pháp luật có liên quan để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, áp dụng những biện pháp chống dịch về cách ly xã hội, giãn cách xã hội...; thực hiện nhiều giải pháp để có vắc xin tiêm phòng cho nhân dân trong điều kiện nguồn cung cấp vắc xin rất khan hiếm, trong đó có cả việc mua, nhập khẩu vắc xin và nghiên cứu, phát triển vắc xin, chuyển giao công nghệ để chủ động nguồn vắc xin trong nước nhằm có 150 triệu liều vắc xin cho mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng...
Ủy ban Xã hội thấy rằng, hệ thống pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh hiện nay tương đối đầy đủ, tuy nhiên, một số Luật và Pháp lệnh do đã ban hành từ lâu nên một số quy định chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là để đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã áp dụng linh hoạt các quy định của pháp luật có liên quan để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hiệu quả, đã khống chế thành công ba đợt dịch và đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Tuy nhiên, trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, tình hình dịch bệnh có thể kéo dài và khi chưa kịp thời sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì việc Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết có nội dung bày tỏ sự đồng hành của Quốc hội cùng cả hệ thống chính trị, Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời xem xét, quyết định một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 có hiệu quả hơn, kể cả dự phòng các tình huống dịch bệnh có thể phát sinh phức tạp hơn trong thời gian tới là thực sự cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, việc Quốc hội quyết nghị về vấn đề này còn dựa trên các cơ sở chính trị quan trọng, vào thời điểm đặc biệt có tính lịch sử của kỳ họp thứ nhất này, đúng thẩm quyền của Quốc hội và cũng đáp ứng nguyện vọng, nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cử tri cả nước.
Về hình thức ban hành, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc đưa một số biện pháp để đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ nhất là phù hợp và dự thảo này được đọc, biểu quyết thông qua tại Phiên bế mạc thể hiện sự chia sẻ kịp thời đối với Nhân dân, cử tri cả nước, đồng thời chuyển tải thông điệp mạnh mẽ của Quốc hội, cơ quan đại biểu nhân dân về quyết tâm đoàn kết, chiến thắng đại dịch COVID-19 vì tính mạng, sức khỏe, sự an toàn của người dân là trên hết và trước hết.
Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, đa số thành viên Ủy ban tán thành với phạm vi của Nghị quyết, đồng thời đề nghị cần rà soát, thu gọn các nội dung để thể hiện một cách khái quát hơn.
Ủy ban Xã hội cũng nhất trí việc Quốc hội cho phép Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp, ban hành chưa được Luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Đối với việc áp dụng các biện pháp để ban hành chính sách có các quy định khác khác với các quy định của luật, đề nghị Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi thực hiện và Chính phủ báo cáo lại Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Đối với nội dung liên quan đến ngân sách nhà nước trong dự thảo Nghị quyết, đề nghị sửa lại như sau: “Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; quyết định chuyển nguồn kinh phí chi thường xuyên trong dự toán đã được duyệt cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; thay đổi, điều chỉnh nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đối với các nhiệm vụ chưa thực sự cần thiết để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, phát sinh; trong trường hợp cấp thiết, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho ngân sách địa phương để thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19”.
Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia; bổ sung tại Nghị quyết nội dung giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này./.