Toàn cảnh hội thảo
Sự ra đời của internet đã có tác động lớn đối với đời sống xã hội đặc biệt là đời sống của những người trẻ tuổi. Các đại biểu chỉ ra, trẻ em và người dưới 18 tuổi chiếm khoảng 1/3 số người dùng internet toàn cầu. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trẻ em truy cập internet ở độ tuổi ngày càng trẻ hơn. Ở một số quốc gia, trẻ em dưới 15 tuổi có khả năng sử dụng internet như người lớn trên 25 tuổi.
Theo kết quả Dự án Digital Kids Asia-Pacific (Trẻ em với kỹ thuật số khu vực châu Á Thái Bình Dương) của nhóm tác giả Lê Anh Vinh, Phạm Đức Quang, Đỗ Đức Lân do UNESCO Bangkok hợp tác với Viện khoa học giáo dục Việt Nam tại Việt Nam thực hiện khảo sát tại 20 trường học từ 5 tỉnh thành ở Việt Nam (Lào Cai, Hà Nội, Đà Nẵng, Lâm Đồng và Cần Thơ) với tổng số nghiên cứu 1.061 học sinh 15 tuổi (lớp 10). Kết quả cho thấy có 38,9% học sinh Việt Nam sử dụng internet trong 3-4 giờ một ngày và 14,7% trong 5-6 giờ mỗi ngày. Hầu hết học sinh ở Việt Nam bắt đầu sử dụng internet từ rất sớm, chủ yếu từ 9-12 tuổi (42%) vào thời điểm học sinh bắt đầu học môn công nghệ thông tin trong trường và từ 12 đến 15 tuổi (28%), rất ít học sinh bắt đầu truy cập internet từ năm 15 tuổi(3%).
Theo một nghiên cứu của Anh, cứ 4 trẻ thì có 1 em đã từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, cứ 3 trẻ thì có 1 em là nạn nhân của vấn đề bắt nạt trên mạng. Tại Việt Nam, theo thông tin từ Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an cho thấy, từ năm 2015-2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc có 8.091 trẻ em bị xâm hại, trong đó, xâm hại trên mạng được một số nghiên cứu chỉ ra như sau: có gần 36,5% số trẻ trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% buộc phải tiếp xúc với tài liệu khiêu dâm; gần 16% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; trong khi đó, 2% trẻ em nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.
Kết quả điều tra của UNICEF năm 2016 cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Một thực trạng đáng lo ngại là trong số những trẻ em bị xâm hại trong thời gian có nhiều trẻ em bị xâm hại qua mạng, đặc biệt là xâm hại tình dục và số tuổi của trẻ em bị xâm hại ngày càng trẻ hoá. Sự phát triển của công nghệ thông tin là một trong những điều kiện để tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trở nên khó ngăn chặn. Công nghệ thông tin phát triển cộng với bất cập trong quản lý trang mạng xã hội đang khiến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em qua mạng có chiều hướng gia tăng, điều đáng nói là trên thực tế, rất ít trường hợp xâm hại tình dục trẻ em như thế này bị đưa ra xử lý.
Đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, không thể phủ nhận vai trò của công nghệ số đối với đời sống của trẻ em. Nó mang lại cơ hội học tập và giáo dục cho trẻ em, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa; cho phép trẻ em tìm hiểu thông tin, kiến thức, giải trí mà chúng quan tâm chỉ bằng máy tính, điện thoại thông minh; công nghệ số cũng mang đến cơ hội kinh tế bằng cách cung cấp cho những người trẻ tuổi cơ hội đào tạo và dịch vụ phù hợp với công việc, tạo ra các loại công việc mới...
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, chính công nghệ số cũng đem lại nhiều nguy cơ, rủi ro thường thấy như bắt nạt, thúc đẩy các hình thức mới xâm hại và bóc lột trẻ em. Xâm hại có thể được phân loại thành xâm hại thể chất và phi thể chất. Hầu hết các trường hợp xâm hại trên môi trường mạng bắt đầu bằng hình thức xâm hại phi thể chất, dẫn tới khống chế và đe dọa, rồi dần dần dẫn đến xâm hại thể chất. Hành vi xâm hại phi thể chất là xúi giục trẻ em tạo dáng trước máy quay để trò chuyện bằng hình ảnh. Đôi khi hành vi này còn đi xa hơn nữa, khi kẻ xấu ép buộc trẻ em có hành động xâm hại chính cơ thể mình trước máy quay để kẻ xâm hại xem (hiếp dâm ảo). Những kẻ dụ dỗ sẽ tìm kiếm những diễn đàn trên mạng, nơi có nhiều trẻ em tham gia và thường những kẻ này sẽ sử dụng một tài khoản với tên và ảnh đại diện giả. Lần tiếp cận đầu tiên sẽ thông qua một nhóm trao đổi hoặc một diễn đàn thảo luận. Sau đó, kẻ dụ dỗ sẽ tìm cách thuyết phục trẻ em đó chuyển qua trao đổi riêng, thường liên quan tới trò chuyện bằng hình ảnh bằng webcam. Cách tiếp cận được sử dụng nhiều nhất là dụ dỗ trẻ gửi ảnh hoặc đoạn phim của trẻ cho chúng, sau đó chúng dùng những bức ảnh hay đoạn phim này để bắt ép nạn nhân làm theo ý chúng, nếu không làm theo chúng sẽ phát tán những bức ảnh này cho người thân và bạn bè của các em; sau khi gửi bức hình đầu tiên, nhiều trẻ thường cảm thấy xấu hổ và tội lỗi, không muốn lặp lại và không muốn nói đến bức ảnh đó nữa, đây chính là điểm mà những kẻ xấu ở trên mạng có thể lợi dụng - trẻ bị “mắc bẫy xấu hổ”.
Bên cạnh đó, nhiều trang web đen thúc đẩy phát trực tuyến cảnh xâm hại tình dục trẻ em, lối sống thác loạn, bạo lực gây ảnh hưởng xấu tới hành vi của trẻ và thách thức khả năng thực thi pháp luật. Cũng chính môi trường ảo đã khiến nhiều trẻ em lựa chọn cuộc sống “ảo”, trở nên cá nhân hơn, riêng tư hơn và ít bị giám sát hơn dẫn tới những trường hợp trẻ em trước khi gặp những nguy cơ, rủi ro từ việc bị xâm hại qua mạng thường hướng đến bạn bè, khiến cha mẹ khó bảo vệ con hơn.
Khi trẻ em bị xâm hại từ môi trường mạng, nhiều hậu quả nghiêm trọng có thể dễ dàng nhận thấy trẻ tự làm hại bản thân thông qua việc “bắt chước”, nhận thách đố làm theo các hành vi nguy hiểm tới thân thể, thậm chí tự tử theo nhân vật ảo; trẻ có thể có những hành vi cực đoan, bạo lực, phân biệt đối xử, kỳ thị với người khác; trẻ tiếp xúc với những nội dung khiêu dâm, gạ gẫm, quấy rối tình dục; trẻ bị dụ dỗ tham gia cờ bạc trực tuyến, bị tống tiền tình dục, bị mua bán và bóc lột tình dục trong lữ hành và du lịch…
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, trẻ em là nạn nhân dễ bị lừa nhất trên môi trường mạng và để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có những phương pháp và chính sách đặc biệt để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt, có thể cho ra đời các sản phẩm truyền thông riêng cho gia đình và trẻ em để cảnh báo nguy cơ sẽ là nạn nhân của mạng xã hội nhất là trẻ em. Tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội có các mô hình truyền thông riêng cho trẻ em (ví dụ Phiên tòa giả định) hay truyền thông tại cộng đồng cho các gia đình và trẻ em.
Các đại biểu cho rằng, chúng ta cũng cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp cho ra đời các sản phẩm theo dõi trẻ khi sử dụng mạng để các gia đình chú ý bảo vệ con em mình hay có các phần mềm trong điện thoại cho người dưới 18 tuổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phối hợp với các cơ quan khác như Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Thanh niên…, để làm sao có chương trình đào tạo giáo dục tốt nhất, chương trình truyền thông tốt nhất, giúp trẻ em có những kỹ năng tốt nhất, để trở thành công dân của thế giới công nghệ số./.