NÂNG CAO VỊ TRÍ, VAI TRÒ, ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA CÁC ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

05/02/2020 12:12

Chiều ngày 04/02, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Thành ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng chủ trì hội nghị lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Cùng dự có các vị trong Đoàn ĐBQH thành phố; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành liên quan.

 Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng Bùi Thanh Tùng phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, các ý kiến đại biểu nhất trí tán thành sự cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị về tinh gọn tổ chức, bộ máy cơ quan nhà nước. Các đại biểu góp ý kiến vào 7 nhóm vấn đề nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là nâng cao vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của các Đoàn ĐBQH. Về tiêu chuẩn, điều kiện của ĐBQH, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có quy định rõ hơn về cơ cấu, thành phần, lứa tuổi… qua đó có thể lựa chọn được ĐBQH có khả năng nghiên cứu tài liệu, kỹ năng phát biểu, thảo luận, tranh luận, chất vấn tại Quốc hội; kỹ năng tham gia giám sát, nhất là phải nắm bắt và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân đến diễn đàn Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Luật gia thành phố phát biểu ý kiến

Ý kiến đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, thời gian tham gia hoạt động của đại biểu không chuyên trách. Các ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về vị trí, vai trò của Đoàn ĐBQH tại địa phương, cơ cấu lãnh đạo Đoàn, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách. Về tổ chức bộ máy của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến đại biểu đề nghị giữ nguyên như hiện nay (gồm 9 Ủy ban và 1 Hội đồng dân tộc) song đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc phương án nâng cấp Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu lên thành cơ quan độc lập của Quốc hội, thay vì nằm trong Ủy ban thường vụ Quốc hội như hiện nay.

 Đại diện Ban Pháp chế - HĐND TP phát biểu ý kiến

Về kinh phí hoạt động, đại biểu đề nghị các hoạt động của Đoàn ĐBQH và các vị ĐBQH do ngân sách Trung ương bảo đảm; riêng kinh phí hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH đề nghị quy định theo tinh thần sáp nhập, tinh gọn bộ máy và do ngân sách địa phương bảo đảm…

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Bùi Thanh Tùng nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, nhất là các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động của Quốc hội; hoan nghênh, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu để tập hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo dự luật xem xét, quyết định.

(Theo Báo An ninh Hải Phòng)