GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN THAY ĐỔI MỨC HỖ TRỢ CHO NGƯỜI YẾU THẾ TẠI CÁC TRUNG TÂM BẢO TRỢ XÃ HỘI

05/02/2020 11:15

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, cho rằng cần có sự thay đổi đối về chính sách hỗ trợ những người yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội cũng như cho phép các trung tâm được chuyển thẳng bệnh nhân lên tuyến tỉnh để khám chữa bệnh và điều trị.

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 31/12/2018, có khoảng 17.000 công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại 195 cơ sở trợ giúp xã hội công lập. Công việc chủ yếu của họ là chăm sóc các nhóm đối tượng người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và đối tượng bảo trợ xã hội khác.

Tính chất công việc của các nhân viên y tế, cán bộ điều dưỡng rất vất vả, nặng nhọc, độc hại, nguy cơ lây nhiễm, thương tích cao khi phải thường xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng, trợ giúp người tâm thần, người nhiễm HIV/AIDS.


Cán bộ y tế khám chữa bệnh cho người yếu thế tại Trung tâm Bảo trợ xã hội III Hà Nội.

Còn chính sách hỗ trợ đối với những bệnh nhân, người yếu thế đang sinh sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội vẫn không có thay đổi từ nhiều năm nay. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến công tác khám chữa bệnh tại các trung tâm bảo trợ xã hội.

Để thu hút nhân lực chất lượng cao yên tâm công tác và dành tâm huyết phục vụ những người yếu thế trong xã hội được tốt hơn, các nhân viên y tế, điều dưỡng viên và cả những người yếu thế cần được quan tâm hơn. Tiền trợ cấp thuốc cho bệnh nhân không còn phù hợp so với hiện tại.

Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng cho người tâm thần mãn tính, với tổng số đối tượng phục vụ là 580 người (quy mô phục vụ chỉ là 350 đối tượng). Trong đó có 440 đối tượng thường xuyên có mặt và 140 đối tượng được quản lý, điều trị luân phiên tại gia đình.

Chị Lê Thị Hà, cán bộ y tế ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa tham gia khám, chữa bệnh cho những người bị bệnh tâm thần được 20 năm. Theo chị Lê Thị Hà, nếu như những người bình thường ốm đau chỗ nào đều nói ra thì với những người bị bệnh tâm thần không đau ốm cũng nói là đau và ngược lại. Việc khám chữa bệnh chủ yếu là sự duy trì sức khỏe tạm thời chứ nếu bệnh nhân nào bị nặng thì rất khó điều trị dứt điểm. Hầu hết các bệnh nhân tâm thần phải sử dụng thuốc thường xuyên, liên tục. Thế nhưng, chế độ thuốc cho bệnh nhân từ năm 2010 cho đến nay vẫn chỉ là 75.000 đồng/người/tháng nên hầu như thuốc bổ vitamin để tăng sức đề kháng cho bệnh nhân không có.


Chị Lê Thị Hà, Cán bộ y tế ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa khám chữa bệnh cho những người bị bệnh tâm thần.

Ngoài ra, đội ngũ y bác sĩ và cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh tại các trung tâm bảo trợ xã hội hiện đang rất thiếu thốn và còn chưa đạt chuẩn theo như Luật Bảo hiểm Y tế quy định nên việc khám chữa bệnh, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân khó có thể thực hiện được.

Mặt khác, hầu như các trung tâm bảo trợ xã hội đều đang rất thiếu hụt đội ngũ y, bác sĩ nên có những nơi lãnh đạo quản lý trung tâm kiêm nhiệm làm luôn bác sĩ. Mọi việc thăm khám, ghi bệnh án đều do lãnh đạo kiêm nhiệm thực hiện. Thế nhưng, bác sĩ kiêm nhiệm này lại chỉ được hưởng 30% phụ cấp theo chức vụ làm lãnh đạo mà lại không được hưởng phụ cấp như một bác sĩ khám bệnh trực tiếp.

Để điều trị bệnh nhân được tốt hơn, chị Lê Thị Hà đề xuất tăng mức hỗ trợ thuốc uống và có thể chuyển bệnh nhân lên thẳng tuyến tỉnh điều trị mỗi khi sức khỏe suy yếu nặng hay các trường hợp phải cấp cứu. Đối với lãnh đạo phải kiêm nhiệm bác sĩ khám, chữa bệnh cho bệnh nhân cũng cần được hưởng thêm phụ cấp như người điều trị trực tiếp.

Đề cập việc hỗ trợ cho bệnh nhân là người yếu thế, ông Lê Văn Quyến, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết, hầu như tất cả các bệnh nhân ở đây đều mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi nên họ có thể có những hành vi bộc phát, không biết kiềm chế ảnh hưởng tới bản thân và người xung quanh. Đa phần họ đều mắc các bệnh mà nhiều khi bệnh viện tuyến huyện khó điều trị dứt điểm được. Điều này khiến cho việc quản lý và chăm sóc bệnh nhân rất khó khăn.


Ông Lê Văn Quyến, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thanh Hóa.

Cũng theo Phó Giám đốc Lê Văn Quyến, những bệnh nhân bị tâm thần mãn tính phải có thuốc điều trị đặc hiệu hoặc các loại thuốc thế hệ mới nhưng ở trung tâm không có. Tuy nhiên hiện nay, mỗi bệnh nhân chỉ được hưởng khoảng 80.000 đồng/tháng tiền thuốc nên rất khó khăn trong điều trị. Ngoài ra, ở trung tâm chưa thể thực hiện khám chữa bệnh ban đầu vì quy định về đội ngũ y bác sĩ, chứng chỉ hành nghề nên gặp khó khăn trong công tác quản lý, điều chuyển bệnh nhân cấp cứu từ trung tâm lên tuyến tỉnh.

Với những bất cập trên, ông Lê Văn Quyến đề xuất các bác sĩ, y tá được mở phòng khám ở trung tâm như một trạm y tế xã để khám những bệnh thông thường. Còn Bảo hiểm y tế có thể hỗ trợ cho bệnh nhân các loại thuốc kháng sinh, một số loại vitamin và thủ tục thanh toán tiền thuốc không quá rườm rà. Mặt khác, khi trung tâm bảo trợ xã hội có giấy chứng nhận chuyển bệnh nhân lên thẳng bệnh viện tuyến tỉnh là được chấp nhận luôn. Ngoài ra, cần tăng nguồn ngân sách thuốc ở địa phương để phục vụ điều trị cho các bệnh nhân được tốt hơn. Mức hỗ trợ bệnh nhân có thể tăng lên 1,5 triệu đồng/người/tháng

Để chăm sóc bệnh nhân và những người yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội tốt hơn, Luật Bảo hiểm y tế cần có những thay đổi cụ thể như thế nào? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre

Phóng viên: Thưa đại biểu, để chăm sóc bệnh nhân và những người yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội tốt hơn, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cần chú trọng tới việc đảm bảo chế độ cho cán bộ điều dưỡng và những người đang được chăm sóc tại các trung tâm như thế nào?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chúng ta đã có những chính sách bảo trợ xã hội tương đối rõ ràng. Việc chăm sóc người có công, các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được các cơ quan ở Trung ương và các địa phương quan tâm đầu tư. Chính vì thế chúng ta thấy rõ, cơ sở vật chất ở các trung tâm bảo trợ xã hội ngày càng được nâng cấp; việc chăm sóc các đối tượng được hưởng ưu đãi ngày càng bài bản hơn, không chỉ quan quan tâm đến cuộc sống, bữa ăn mà còn chú trọng đến văn hóa cho họ. Mặt khác, những người yếu thế còn được các trung tâm lo chu toàn về hậu sự khi họ chẳng may qua đời. Ngoài ra, công tác xã hội hóa để chăm lo cho những người yếu thế ngày càng được các tổ chức, cá nhân quan tâm hơn.

Tuy nhiên, kinh phí đầu tư cho các trung tâm bảo trợ xã hội vẫn chưa đáp ứng được so với giá cả thị trường biến động theo chiều hướng tăng lên. Hiện nay, mỗi người đang được chăm sóc chỉ được khoảng 900.000 đồng/tháng. Những người đến với các trung tâm bảo trợ xã hội đều có sức khỏe, thể trạng rất yếu nên cần được chăm sóc, uống thuốc tốt thì mới giữ gìn và nâng cao được sức khỏe.

Nếu sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế thì cần cho phép họ được nâng tuyến lên thẳng các bệnh viện tuyến tỉnh để các bác sĩ chữa bệnh được kịp thời.

Ngoài ra, những cán bộ điều dưỡng chăm sóc người yếu thế trong xã hội rất vất vả và luôn đối diện với rủi ro cao vì có thể lây bệnh nên cũng cần được nâng lương, tăng trợ cấp để họ yên tâm công tác.

Mặt khác, cần có sự nghiên cứu về để xây dựng Luật Công tác xã hội để vừa đảm bảo quyền lợi, chế độ đãi ngộ cho cả các cán bộ điều dưỡng và những người yếu thế trong xã hội.

Phóng viên: Khi những người yếu thế bị bệnh nặng cần phải chuyển lên tuyến trên thì có thể xảy ra tình trạng quá tải bệnh nhân. Theo đại biểu, các địa phương nên giải quyết vấn đề này như thế nào để những người yếu thế được chăm sóc tốt hơn?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Khi trung tâm bảo trợ xã hội ở tuyến huyện không có đầy đủ cán bộ y tế và trang thiết bị để khám chữa bệnh chưa đầy đủ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ khám chữa bệnh cho người yếu thế. Nhiệm vụ quan trọng là sức khỏe của họ phải được đặt lên hàng đầu.

Hiện nay, ở mỗi tỉnh chỉ có 1 trung tâm bảo trợ xã hội và số lượng bệnh nhân là người yếu thế phải cấp cứu không phải là nhiều nên nếu có phải chuyển họ lên tuyến tỉnh cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến việc quá tải bệnh viện.

Tôi thấy, cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa để chăm lo tốt hơn cho người yếu thế.

Phóng viên: Để nâng cao đời sống của cán bộ điều dưỡng và chăm sóc cho người yếu thế được tốt hơn trong khi ngân sách Nhà nước chỉ có hạn thì cần giải pháp đồng bộ như thế nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Hiện nay, mỗi người đang được chăm sóc chỉ được khoảng 900.000 đồng/tháng. Đây là mức hưởng từ năm 2010, khi mà GDP của nước ta còn thấp. Còn hiện nay, GDP của nước ta đã tăng lên và mức chi phí ở bên ngoài đã thay đổi theo hướng tăng lên nên cần có sự điều chỉnh một cách kịp thời. Việc tăng mức trợ cấp có thể nên tăng từ 1,3 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, cán bộ điều dưỡng cũng rất vất vả khi phải vừa lo đến sức khỏe, vừa đảm bảo dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cho những người yếu thế cũng cần được quan tâm hơn về chế độ lương bổng, phụ cấp.

Để nâng cao đời sống của cán bộ điều dưỡng và chăm sóc cho người yếu thế được tốt hơn, ngoài kinh phí lấy từ ngân sách Nhà nước thì cần tăng cường hoạt động xã hội hóa. Nhà nước nên đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm bảo trợ xã hội, chứ không lấy tiền xã hội hóa để đầu tư cơ sở vật chất. Số tiền thu hút được từ công tác xã  hội hóa nên dành vào chăm lo sức khỏe, đời sống hàng ngày cho người yếu thế.

Ngoài ra, hiện nay, có nhiều địa phương với nguồn thu vượt trội thì nên dành kinh phí chăm lo tốt hơn cho các trung tâm bảo trợ xã hội và những người yếu thế.

Phóng viên: Xin cảm ơn đại biểu!

Về cơ bản, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi cần có sự thay đổi đối về chính sách hỗ trợ những người yếu thế tại các trung tâm bảo trợ xã hội cũng như cho phép các trung tâm được chuyển thẳng bệnh nhân lên tuyến tỉnh để khám chữa bệnh và điều trị. Còn với các cán bộ, điều dưỡng cũng cần có sự điều chỉnh về chính sách để họ yên tâm công tác, chăm sóc người yếu thế ngày càng tốt hơn. Muốn làm tốt được nhiệm vụ trên, ngoài ngân sách Nhà nước, các địa phương, trung tâm bảo trợ xã hội cần thực hiện tốt công tác xã hội hóa, thu hút nguồn lực ngoài ngân sách./.

Bích Lan